Mô hình lý thuyết về sự hình thành tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp: Sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu ở Việt nam (Trang 28)

Nếu tỷ giá hối đoái thay đổi 1% ( đồng nội tệ mất giá 1%) khiến chỉ số giá nhập khẩu thay đổi 1% thì sự tác động được gọi là hoàn toàn và nếu nhỏ hơn 1% thì sẽ được gọi là sự tác động không hoàn toàn.

1.7.5 Mô hình lý thuyết về sự hình thành tác động của tỷ giá hối đoái đếnchỉ số giá nhập khẩu chỉ số giá nhập khẩu

1.7.5.1 Học thuyết ngang giá sức mua (Purchasing Power Parity – PPP) , tác động toàn phần và không toàn phần

Sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu với giá trong nước là nhân tố then chốt trong việc lan truyền các cơn sốc trong một nền kinh tế mở. Nhưng các mô hình kinh tế vĩ mô truyền thống lại ít quan tâm đến vấn đề này. Chẳng hạn, đa số các mô hình tiền tệ với giá thả nổi ủng hộ học thuyết ngang giá sức mua và do đó, sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu là toàn phần.

Học thuyết ngang giá sức mua (Quy luật một giá) - cơ sở luận của sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu, cho rằng sự tác động của tỷ giá sang giá trong nước phải là toàn phần (độ co giãn phải bằng 100%) và hoàn toàn không có một cơ hội nào cho kinh doanh chênh lệch giá trong dài hạn. Vì vậy, nghiên cứu sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu đồng nghĩa với nghiên cứu PPP và được xây dựng dựa trên giả định về luật ngang giá sức mua (PPP), rằng giá của một loại hàng hóa giao dịch ngoại thương tính trên cùng một loại tiền tệ phải bằng nhau ở tất cả các quốc gia.

P = P* x E,

Trong đó, P - giá trong nước, P* - giá ngoài nước, E - tỷ giá được đo bằng số đơn vị nội tệ trên một đơn vị ngoại tệ. Dựa vào giả thiết này là một trong những mô hình kinh tế vĩ mô Obstfeld & Rogoff (1995, 1998, 2000), trong đó, giá trong nước được cố định theo đồng tiền của nước nhà sản xuất, do đó, giá tiêu dùng thay đổi theo quan hệ 1 - 1 với tỷ giá.

Nhưng ngay cả trong khuôn khổ mô hình cung cầu giản đơn, trong đó, quy luật một giá được tuân thủ thì vẫn có những khác biệt về sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu trong nước giữa các nước.

Trong một nền kinh tế lớn, hiệu ứng lạm phát do sự giảm tỷ giá nội tệ được kết hợp với sự giảm giá toàn cầu (do cầu thế giới giảm), từ đó làm giảm sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu. Trong một nền kinh tế nhỏ, một sự giảm tỷ giá nội tệ không ảnh hưởng đến giá thế giới, do đó, sự tác động của tỷ giá đến chỉ số giá nhập khẩu phải là toàn phần (100%) trong mô hình này. Do đó, ngay cả trong khuôn khổ mô hình đơn giản này (mô hình ủng hộ quy luật một giá), sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu không đồng nhất ở các quốc gia và sẽ cao hơn ở các nền kinh tế nhỏ so với các nền kinh tế lớn.

Mô hình lý thuyết của PPP dựa trên nhiều giả thiết mà trong thế giới thực rất khó xẩy ra, chẳng hạn, giả thiết về cạnh tranh hoàn hảo và chi phí vận chuyển bằng 0. Các kiểm định thực nghiệm chứng minh rằng sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu trong nhiều trường hợp, không đạt mức toàn phần (1 hoặc 100%). Isards (1977) là một trong những người đầu tiên nghi ngờ khả năng kinh doanh chênh lệch giá trên phạm vi toàn cầu có thể giảm chênh lệch giá cả giữa các quốc gia đến mức chi phí vận chuyển.

• Có nhiều lý thuyết giải thích tại sao sự truyền dẫn của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu không đạt mức toàn phần.

Mô hình của Obstfeld & Rogoff (2000) cho rằng sự tồn tại chi phí vận chuyển làm tăng giá trị hàng hóa nhập khẩu và phân đoạn thị trường. Ngay cả khi hàng hóa nhập khẩu là hoàn toàn có thể thay thế hàng hóa sản xuất ở

trong nước, thì chúng cũng không thể được tiêu thụ với khối lượng lớn (tỷ lệ nhập khẩu nhỏ), bởi vì giá của chúng tương đối cao. Trong trường hợp này, sự thay đổi tỷ giá tác động yếu đến sự biến động của chỉ số CPI.

Một phương pháp tiếp cận tương tự (McCallun & Nelson (1999) cho rằng bản thân hàng hóa chỉ chiếm một tỷ lệ không lớn so với phần cá nhân tiêu thụ. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng thanh toán các dịch cụ marketing, các dịch vụ phân phối và dịch vụ bán lẻ mà thông qua các kênh này, hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Có thể, các khoản chi phí này chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá trị của hàng hóa. Khi đó, những thay đổi của tỷ giá sẽ không tác động lớn đến giá trị hàng hóa tiêu dùng cuối cùng, bởi vì chúng chỉ tác động đến một phần không lớn giá trị của hàng hóa. Burstein, Neves & Rebelo (2002) và Burstein, Eichenbaum & Rebelo (2002) cho rằng vai trò của hàng hóa và dịch vụ trung gian nội địa trong khu vực phân phối là khá quan trọng về mặt lượng, nhưng không thể giải thích đầy đủ những khác biệt của sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu.

Mức tác động của tỷ giá đến chỉ số giá nhập khẩu thấp có thể không phải là kết quả của sự cố định tương đối giá cả, mà là chính sách phân biệt hóa về giá tối ưu. Bergin & Feenstra (2001) và Bergin (2001) đã xây dựng các mô hình cân bằng tổng thể, trong đó, sự tác động này không bằng 100%, ngay cả khi giá cả là hoàn toàn thả nổi. Corsetti & Dedola (2001) xây dựng một mô hình, trong đó, sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu một phần phát sinh do những khác biệt trong các mức chi phí phân phối trên thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Trong mô hình của họ, tỷ giá tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu không đạt mức toàn phần, bởi vì nhà xuất

khẩu hoạt động trong ngành cạnh tranh độc quyền cho rằng cầu của nhà nhập khẩu phụ thuộc vào chi phí phân phối trong nước.

Thay thế và bổ sung cho phương pháp tiếp cận nêu trên là mô hình Bachetta & Wincoop (2002). Trong mô hình của mình, các tác giả bỏ qua chi phí phân phối và tập trung vào chiến lược định giá tối ưu của công ty. Luận cứ của mô hình là ở chỗ, đồng tiền được chọn để định giá phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh hàng nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước.

Nếu mức độ cạnh tranh là cao thì các công ty nhập khẩu sẽ định giá bằng nội tệ, do đó, sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu bằng 0. Ngay cả khi công ty đối mặt với vấn đề rủi ro tỷ giá, nó cũng không muốn thay đổi giá cả hàng tiêu dùng cuối cùng để bảo vệ thị phần. Như vậy, mức độ cạnh tranh giữa nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước càng lớn thì sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu trong ngành càng nhỏ.

Một phương pháp tiếp cận khác cho rằng hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa trung gian và tồn tại sản phẩm thay thế được sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất trong nước sử dụng hàng hóa nhập khẩu trung gian để sản xuất hàng hóa tiêu dùng cuối cùng. Giá cả hàng hóa tiêu dùng cuối cùng có thể được ấn định bằng nội tệ, còn hàng hóa nhập khẩu trung gian có thể được ấn định bằng đồng tiền nhà xuất khẩu. Do đó, nhà nhập khẩu có thể thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hóa sản xuất trong nước nếu như tỷ giá thay đổi theo hướng bất lợi. Obstfeld (2001) khẳng định trong một nền kinh tế như vậy, có thể tồn tại “hiệu ứng chuyển đổi chi tiêu” đáng kể, theo đó, không phải người tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng sản xuất trong nước mà là nhà sản xuất trong nước. Mặt khác, Devereux, Engel & Tille (1999) lưu ý rằng khả năng thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hóa sản xuất trong nước của các nhà

phân phối hàng hóa nhập khẩu được định giá bằng ngoại tệ là nhỏ. Do vậy, mức độ thay thế hàng hóa xác định độ lớn “hiệu ứng chuyển đổi chi tiêu” và sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu.

• Lafleche (1996) đã tổng hợp sơ đồ mô tả cơ chế sự thay đổi của giá trong nước của một quốc giá khi có sự giảm tỷ giá (tỷ giá ở đây được tính theo phương pháp so sánh giá trị của đồng ngoại tệ trên 1 đơn vị đồng nội tệ). Trong đó, có ba kênh dẫn đến sự hình thành hiệu ứng dẫn truyền của tỷ giá đó là: trực tiếp, gián tiếp và đầu tư trực tiếp nước ngoài

1.7.5.2. Sự tác động trực tiếp

Tác động trực tiếp diễn ra khi biến động tỷ giá ảnh hưởng đến các chỉ số giá trong nước thông qua thay đổi của hàng hóa nhập khẩu tiêu dùng cuối cùng hoặc hàng hóa nhập khẩu sử dụng đầu vào cho sản xuất trong nước. Khi đó một sự phá giá đồng nội tệ sẽ làm giá nhập khẩu tăng, ngược lại một sự nâng giá nội tệ sẽ làm giá nhập khẩu giảm. Trong trường hợp phá giá, chi phí nhập khẩu nguyên liệu cao hơn sẽ làm tăng chi phí hàng nhập khẩu. Như vậy, kênh tác động của tỷ giá hối đoái đầu tiên là các thay đổi của tỷ giá hối đoái làm tăng giá nhập khẩu ảnh hưởng đến giá sản xuất đầu vào rồi đến ảnh hưởng đến mức giá sản xuất, và cuối cùng ảnh hưởng đến mức giá tiêu dùng. Kênh thứ hai là những thay đổi trong tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến giá nhập khẩu hàng hóa cuối cùng và do đó tác động vào mức độ giá tiêu dùng trong nước.

1.7.5.3. Sự tác động gián tiếp

Khi có sự phá giá đồng nội tệ, sẽ làm thay đổi xu hướng tiêu dùng trên thị trường trong nước và nước ngoài. Khi quốc gia phá giá đồng tiền, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn nên người dân trong nước có xu hướng chuyển

sang tiêu dùng sản phẩm sản xuất trong nước. Đối với thị trường nước ngoài cầu về hàng hóa của nước có đồng tiền phá giá có xu hướng tăng lên. Cả hai yếu tố này tạo áp lực tăng giá hàng nội địa. Theo Hyder và Shah (2004), nếu sản xuất trong nước sử dụng yếu tố đầu vào từ nhập khẩu thì giá của nhà sản xuất dự kiến sẽ tăng và điều này cũng sẽ làm tăng mức giá tiêu dùng, nếu các sản phẩm nhập khẩu là hàng hóa tiêu dùng cuối cùng, các nhà sản xuất trong nước và nhà bán lẻ có thể tăng giá của họ để phản ứng mức tăng của tỷ giá nhằm duy trì lợi nhuận biên. Kết quả là giá cả hàng hóa nội địa tăng lên.

1.7.5.4. Kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài- FDI (Foreign Direct Investment)

Khi đồng nội tệ một quốc gia bị mất giá làm giảm mạnh cầu đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu và giảm mạnh tiền lương danh nghĩa tính bằng ngoại tệ. Nếu như trước đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đã cung cấp nhiều hàng hóa vào nước đó, trong thời gian khủng hoảng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc đánh mất thị trường xuất khẩu của mình hay bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất tại nước này nhằm tận dụng các lợi thế so sánh về tiền lương và công nghệ. Nhiều tập đoàn đã mở chi nhánh và dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào đất nước đó ( FDI flows). Tăng trưởng sản xuất từ dòng FDI này làm tăng cầu lao động và tăng tiền lương và cuối cùng là đẩy giá tăng lên.

Phá giá nội tệ

Trực tiếp

Tăng giá các nhân tố sản xuất nước ngoài

Tăng giá các hàng hóa nước ngoài

Gián tiếp

Tăng cầu nước ngoài đối với hàng sản xuất trong

nước.

Tăng giá tiêu dùng

Ra quyết định FDI

Tăng cầu về lao động, tăng tiền lương, tăng sản xuất hàng nội địa thay thế cho hàng hóa nhập khẩu

thông qua FDI

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp: Sự tác động của tỷ giá hối đoái đến chỉ số giá nhập khẩu ở Việt nam (Trang 28)