Đặc điểm sinh học sinh sản của cá chim trắng

Một phần của tài liệu nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả nuôi vỗ và sinh sản cá chim trắng nước ngọt (colossoma brachypomum cuvier, 1818) tại hải phòng (Trang 27)

Tuổi và kích thước thành thục: Cá chim trắng nước ngọt thành thục và đẻ trứng sau 3 tuổi với cỡ cá bố mẹ đạt 3 - 4kg. Đặc điểm sinh dục phụ không rõ ràng. Vì vậy, chúng ta sẽ rất khó phân biệt đực cái khi nhìn hình dạng ngoài của cá. Cá chim trắng thành thục không đồng đều, hệ số thành thục của cá cái ở lần đẻ chính vụ thường thấp hơn là lần đẻ tái phát. Hệ số thành thục thường là 2-7% (% khối lượng buồng trứng/khối lượng cá cái) (Vương Bỉnh Tán, 1999; Zhang, M. và Chen, S., 2000). Trong điều kiện môi trường và khí hậu tại miền Bắc Việt Nam, tháng 2 tuyến sinh dục của cá cái chỉ là những sợi nhỏ, hầu hết tế bào sinh dục chỉ ở giai đoạn II, sang tháng 3 và 4 tế bào sinh dục chuyển dần sang giai đoạn III - IV. Đặc biệt ở cá chim trắng là tuyến sinh dục trong thời kỳ này có đủ các loại tế bào trứng từ giai đoạn II đến IV. Điều đó chứng tỏ cá chim trắng có thể đẻ nhiều lần trong năm (Vương Bỉnh Tán, 1999).

Theo Trương Trung Anh (1992), cá chim trắng có tuyến sinh dục đực, cái phát triển không đồng nhất, cá đực phát dục chậm hơn cá cái (Zhang, M. và Chen, S., 2000). Đầu tháng 4 rất ít cá đực thành thục về tuyến sinh dục. Khi cá thành thục ấn nhẹ vào bụng có tinh dịch màu trắng chảy ra. Tinh tử có 3 phần: Đầu, cổ và đuôi.

Quan sát dưới kính hiển vi thấy chúng hoạt động theo đường thẳng (Vương Bỉnh Tán, 1999).

Mùa vụ và tập tính sinh sản: Cá chim trắng không đẻ tự nhiên trong ao. Mùa vụ sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch, đẻ rộ nhất vào đầu tháng 5 đến đầu tháng 6. Cá chim trắng có thể đẻ 3 - 4 lần trong một mùa đẻ, mỗi lần cách nhau 35 - 40 ngày, khi đẻ chúng phát ra tiếng kêu cục…cục (Vương Bỉnh Tán, 1999).

Theo Hoàng Thị Xuân và ctv thì ở trong tự nhiên, cá chim trắng phát dục thành thục trong điều kiện có dòng nước chảy, nhiệt độ nước phù hợp, mức nước đảm bảo. Nhưng cá nuôi trong ao thì nhất thiết phải kích thích nhân tạo cá mới đẻ được (Nguyễn Đổng, 1991; Zhang, M. và Chen, S., 2000).

Sức sinh sản: Cá chim trắng mỗi lần đẻ từ 6 - 10 vạn trứng/kg cá cái. Từ năm sau đạt 10 - 15 vạn trứng/ kg cá cái. Sau khi đẻ lần đầu được nuôi vỗ tích cực thì sau 35 - 40 ngày sau có thể cho đẻ lần thứ hai (Saint-Paul, U., 1986; Zhang, M. và Chen, S., 2000).

Cá chim trắng là loài đẻ trứng bán trôi nổi, màng trứng không màu, trong suốt, trứng chín hình tròn, căng, rời, có màu hơi xanh hoặc vàng nâu, đường kính 1,06 - 1,11mm, khi gặp nước trứng trương lên. Sau khi thụ tinh 2 giờ thì đường kính trứng khoảng 2,29mm (nhỏ hơn rất nhiều so với trứng cá mè, cá trắm). Ở nhiệt độ 26 -28oC, phôi phát triển 16 - 18 giờ thì nở. Sau 22 giờ thành cá bột, mới nở cá bột có chiều dài thân 3,6mm, thân màu trong suốt, sau 3 ngày cá tiêu hết noãn hoàng (Vương Bỉnh Tán, 1999). Nhiệt độ trên 32oC cá nở ra bị dị hình và chết nhiều (Saint-Paul, U., 1986).

Một phần của tài liệu nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả nuôi vỗ và sinh sản cá chim trắng nước ngọt (colossoma brachypomum cuvier, 1818) tại hải phòng (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w