6. Bố cục khoá luận
1.1.2. Tài nguyên du lịch văn hóa
Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng là nơi có những dấu tích của các nền văn hoá sau:
Nền văn hóa Soi Nhụ cách ngày nay trong khoảng 18.000-7.000 năm trước Công Nguyên, phân bố rộng trong khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long với các di chỉ tiêu biểu tại Mê Cung, Tiên Ông, Thiên Long. Các di vật còn lại chủ yếu là sản phẩm đã được sử dụng làm thức ăn như ốc núi (cyclophorus) và ốc suối (melania), một số hóa thạch của nhuyễn thể nước ngọt và một số công cụ lao động thô sơ tích tụ cấu tạo thành tầng văn hóa. Các nhà khoa học nhận thấy, phương thức sống chủ yếu của cư dân Soi Nhụ là bắt sò ốc, hái lượm, đào củ, đào rễ cây, biết bắt cá nhưng chưa có nghề đánh cá. So sánh với các cư dân văn hóa Hòa Bình,
45
văn hóa Bắc Sơn đương thời thì cư dân Soi Nhụ sống gần biển hơn nên chịu sự chi phối từ biển nhiều hơn, trực tiếp hơn [16,28].
Bên cạnh nền văn hóa Soi Nhụ không thể không nói đến Văn hóa Cái Bèo, cách ngày nay 7000 - 5000 năm trước Công Nguyên, được coi như giai đoạn gạch nối giữa văn hóa Soi Nhụ trước đó và văn hóa Hạ Long về sau. Di chỉ khảo cổ Cái Bèo tập trung chủ yếu thuộc đảo Cát Bà (Hải Phòng) và Giáp Khẩu, Hà Gián thuộc vịnh Hạ Long. Văn hóa Cái Bèo là một trong những bằng chứng chắc chắn về sự đương đầu với biển khơi từ rất sớm của người Việt cổ, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố, sắc thái khác biệt vào một dòng văn hóa đá cuội truyền thống rất lâu đời trong khu vực Việt Nam và Đông Nam Á. Phương thức cư trú và sinh sống của người cổ đại Cái Bèo ngoài săn bắt hái lượm đã có thêm nghề khai thác sản vật từ biển [16,29].
Văn hóa Hạ Long cách ngày nay 4500-3500 năm và được chia làm hai giai đoạn sớm và muộn. Giai đoạn sớm của văn hóa Hạ Long (giai đoạn Thoi Giếng): Phương thức sống của cư dân giai đoạn này là săn bắt, hái lượm, canh tác, trồng cây lấy sợi, rau củ quả, tăng cường khai thác biển, phát triển nghề thủ công làm gốm bàn xoay và chế tác công cụ đá [16,30]. Giai đoạn muộn của văn hóa Hạ Long: Người Hạ Long cư trú trên những khu vực bị biển ngăn cách thành đảo đã hoàn toàn là cư dân của biển, kỹ thuật chế tác và đồ gốm khá hoàn hảo, đã trở thành đặc trưng của văn hóa Hạ Long [16,31]. Vì thế giai đoạn này có một vị trí đặc biệt đối với nền văn minh Việt Cổ.
Tiếp nối không gián đoạn trong suốt tiến trình sơ sử, ba nền văn hóa mang tên Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long trên khu vực vịnh Hạ Long chứa đựng những giá trị nhất định, cho thấy vịnh Hạ Long và khu vực lân cận một thời đã từng là một cái nôi văn hóa của nhân loại.
46
Vịnh Hạ Long không chỉ có nền văn hóa lâu đời mà nơi đây đã gắn liền với những trang sử của quân dân Việt Nam trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước với những địa danh như Vân Đồn, nơi có hải cảng cổ tại miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ 12; núi Bài Thơ lịch sử, nơi lưu lại bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông hoàng đế khắc trên đá từ năm 1468, nhân chuyến tuần du vùng biển phía Đông; và bút tích của chúa Trịnh Cương năm 1729. Bãi Cháy phía bờ Tây của Vịnh, tương truyền gắn với sự tích những chiến thuyền chở lương thực của quân Nguyên - Mông bị quân dân nhà Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy đốt cháy, dạt vào làm cháy cả cánh rừng trong khu vực. Trên Vịnh còn có hang Đầu Gỗ, nơi còn vết tích hiện vật là những cây cọc gỗ được Trần Hưng Đạo cho đem giấu trước khi đóng xuống lòng sông Bạch Đằng. Cách Vịnh không xa là cửa sông Bạch Đằng, chứng tích của hai trận thủy chiến trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc.
Đến với vịnh Hạ Long, ngoài việc tham quan ngắm cảnh thiên nhiên hung vĩ, du khách còn có hội tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của cư dân biển.
Hiện nay, trên vịnh Hạ Long có trên 600 hộ dân với gần 3000 người sinh sống trên biển, tập trung đông nhất tại làng chài Cửa Vạn. Cộng đồng làng chài trên vịnh Hạ Long còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của ngư dân miền biển như: phong tục tập quán, cách thức sinh hoạt, ca dao, tục ngữ, hò, vè hát đối đáp nam nữ trên thuyền, hát cưới trên thuyền… là nơi lý tưởng cho du khách khám phá những điều mới mẻ và kỳ diệu về dân tộc học, ngôn ngữ học. Nét văn hóa chủ yếu còn giữ lại là hình thái không gian kiến trúc của các làng chài với lối sống quần tụ theo cụm nhỏ, mỗi con thuyền là một đơn vị gia đình cá thể với đầy đủ các sinh hoạt ăn ngủ, kiếm sống…
Những phong tục tập quán của họ chính là văn hóa phi vật thể của dân tộc.
47
Đánh giá chung về tài nguyên du lịch vịnh Hạ Long
So với các trung tâm du lịch khác trên phạm vi toàn quốc thì vịnh Hạ Long là nơi hội tụ nhiều giá trị tài nguyên du lịch độc đáo. Ngoài thế mạnh là Di sản thiên nhiên thế giới với các giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất mang tính toàn cầu, vịnh Hạ Long còn là vùng đất thiêng của dân tộc, nơi có nhiều truyền thuyết đặc sắc gắn với các chiến công vang lừng của những người anh hùng dân tộc; có lịch sử phát triển lâu đời với dấu ấn rõ nét của nền văn hóa Hạ Long; các làng nghề đánh bắt cá, nơi tập trung nhiều hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình cho tính đa dạng sinh học cao.
Tuy nhiên hầu hết tài nguyên du lịch trên vịnh Hạ Long đều là những yếu tố rất nhạy cảm, tập trung chủ yếu trong khu vực Di sản nên có yêu cầu về mức độ bảo tồn rất cao. Nếu hoạt động du lịch Hạ Long phát triển không coi trọng yếu tố môi trường thì ngôi vị vịnh Hạ Long trong lòng du khách khó mà bền vững.