Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, các cấp, ngành, cùng các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng - kỹ thuật du lịch, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh, hưởng thụ văn hóa… của khách du lịch trong và ngoài nước. Các tụ điểm vui chơi, giải trí đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, bộ mặt của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các đô thị trung tâm huyện lỵ ngày càng khang trang, sạch đẹp, phát triển theo quy hoạch và có tính chiến lược. Nhiều thiết chế văn hoá lớn hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn quan trọng để tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với hoạt động quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh. Một số làng nghề truyền thống được khôi phục, phát triển; hầu hết di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo. Các khu du lịch, cơ sở lưu trú từng bước quan tâm, đầu tư xây dựng.
Tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn famtrip, hội thảo giới thiệu điểm đến du lịch Ninh Thuận. Các hội nghị triển khai phổ biến, tập huấn về nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện bán hàng văn minh thương mại, niêm yết và bán đúng giá, thông tin về hàng hóa bằng 03 ngôn ngữ Việt-Anh-Nga... tại các khu di tích, một số các cửa hàng, shop bán hàng lưu niệm/đặc sản, các quán cà phê giải khát sân vườn, các nhà hàng lớn, làng nghề, ban quản lý các chợ, siêu thị.... đã tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, chương trình văn nghệ dân gian Chăm thường xuyên được tổ chức tại công viên, bảo tàng - quảng trường 16/4, các tụ điểm du lịch chính của tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì ngành du lịch tỉnh còn nhiều hạn chế trong việc khai thác các giá trị văn hóa Chăm phát triển du lịch. Một trong những hạn chế lớn trong phát triển du lịch của tỉnh là do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ, không đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển theo cơ chế thị trường. Việc liên kết các điểm, chương trình du lịch, tuyến du lịch còn mang tính tự phát, thiếu bền vững. Công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Thuận chưa được chú trọng đúng mức. Việc đầu tư các dự án
trạm dừng chân, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật, sản phẩm làng nghề, dịch vụ thương mại với hoạt động du lịch chưa có sự gắn kết và lồng ghép một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong ngành chưa được đào tạo cơ bản về du lịch, kỹ năng ứng xử, các kiến thức về văn hoá, lịch sử, truyền thống còn thấp, nhất là lao động trực tiếp thường xuyên tiếp xúc với khách (lễ tân, nhà hàng, hướng dẫn viên, các nhân viên tại các cơ sở dịch vụ công cộng, các khu di tích...), kỹ năng quảng bá giới thiệu, sản phẩm kém chất lượng, việc giao tiếp bằng tiếng nước ngoài còn hạn chế, tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp, chưa đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của khách, v.v..., gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh và tiềm năng phát triển du lịch văn hóa.