Năm 2011, tổng số lao động ngành du lịch là 14.400 người, lao động được đào tạo chiếm khoảng 20%. Những cơ quan chính trong nghành du lịch tỉnh Ninh Thuận là Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, các
doanh nghiệp du lịch Ninh Thuận,…Các cơ quan nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm tại Ninh Thuận hiện nay gồm có: Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận, Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận là đơn vị duy nhất của tỉnh Ninh Thuận chuyên thực hiện chức năng nghiên cứu văn hóa Chăm . Từ ngày thành lập đến nay, trung tâm đã tiến hành điền dã, khảo sát, nghiên cứu nhiều chuyên đề về văn hóa Chăm và văn hóa các dân tộc khác có liên quan đến văn hóa Chăm qua tiếp biến, giao lưu văn hóa, với trên 20 đề tài khoa học, trên 70 chuyên đề khảo cứu, đã công bố 07 công trình của cá nhân và tập thể xuất bản thành sách, hàng trăm công trình bài viết trên các tạp chí khoa học và hội thảo; thực hiện và tham gia thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh 03 đề tài, tham gia nhiều đề tài cấp Bộ, Viện và các cơ quan khác trong và ngoài tỉnh; tiến hành sưu tầm, phục chế gần 300 hiện vật trong đó có gần 100 hiện vật gốc đưa vào trưng bày giới thiệu tại chỗ. Toàn Trung tâm hiện có 20 cán bộ viên chức, trong đó có 03 thạc sĩ và 12 đại học, 01 đang được đào tạo cao học tại Hoa Kỳ; có 03 phòng chức năng so với lúc ban đầu chỉ có 02 tổ nghiệp vụ và hành chính. Lãnh đạo đơn vị từ ngày thành lập trải qua nhiều thời kỳ lúc nào cũng chỉ có 01 lãnh đạo phụ trách, đến năm 2007 mới được tăng cường 02 lãnh đạo gồm 01 Giám đốc và 01 Phó Giám đốc.
Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận, những ngày đầu thành lập, đoàn gặp nhiều khó khăn, hầu hết cán bộ, diễn viên đều trưởng thành từ phong trào quần chúng, chưa được đào tạo từ trường lớp chính thống nhưng tất cả cùng một lòng tự học hỏi và xây dựng đoàn ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành công. Hiện nay, đoàn đã có một đội ngũ cán bộ, diễn viên gồm 30 người. Đoàn đã tham gia các hội diễn, hoạt động văn hóa, các chương trình văn nghệ dân gian Chăm thường xuyên được tổ chức tại các công viên, bảo tàng, quảng trường 16/4, các tụ điểm du lịch chính của tỉnh.
Lao động trong du lịch bao gồm lao động trực tiếp và lao động bổ trợ. Lao động trực tiếp là số lao động làm việc trong các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở dịch vụ khác trực tiếp phục vụ du lịch, lao động bổ trợ tham gia
vào các hoạt động có liên quan đến du lịch. Số lượng lao động tăng theo hằng năm, song chất lượng chuyên môn chưa được cải thiện nhiều. Nhìn chung lao động chưa qua đào tạo nghiệp vụ còn cao, trình độ nghiệp vụ sơ cấp chiếm số lượng còn lớn, trình độ ngoại ngữ còn thấp. Lao động du lịch Ninh Thuận tương đối trẻ, có nhiều triển vọng nếu có kế hoạch đào tạo đúng hướng sẽ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài trong tương lai.