Điều kiện lịch sử xã hội tỉnh Ninh Thuận

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hoá Chăm phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trang 32)

2.1.2.1. Điều kiện lịch sử

Theo một số tài liệu, vào thời đại Đá Mới, một lớp người có tên là Deuterco – Malais đã có mặt tại vùng đất thuộc khu vực Trung và Nam Trung bộ ngày nay. Đây được coi là lớp người tiền thân của các dân tộc Mã Lai – Đa Đảo, trong đó có người Chăm. Trong quá trình phát triển, người Deuterco – Malais phân chia thành nhiều nhóm và dừng chân trên những vùng đất khác nhau. Trải qua một quá trình lịch sử rất lâu dài và phức tạp, những nhóm người này đã trở thành các tộc người riêng biệt. Trong đó, người Chăm là tộc người được hình thành do một nhóm người dừng chân trên vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển Đông, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp và giao lưu với bên ngoài. Từ đây, người Chăm bắt đầu viết nên quá trình lịch sử của mình.

Địa bàn cư trú của những cư dân Chăm đầu tiên là vùng đất nằm giữa Đèo Ngang (Quảng Bình) và Đèo Hải Vân (Đà Nẵng). Từ khu vực cư trú nhỏ hẹp ban đầu này, người Chăm dần di chuyển, định cư trên dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển Trung Bộ, kéo dài từ

nam Đèo Ngang cho đến tận vùng đất Ninh Thuận – Bình Thuận ngày nay. Do những biến chuyển của lịch sử, lãnh thổ của người Chăm bị đẩy lùi và mở rộng về phía Nam. Hiện nay, người Chăm sinh sống tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và An Giang.

Trong quá trình chuyển cư, người Chăm từng bước thích nghi với các điều kiện tự nhiên – sinh thái của từng vùng. Đồng thời, tại đây, quá trình cộng cư và cận cư giữa người Chăm và các tộc người khác xung quanh cũng diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Do đó, bên cạnh những yếu tố truyền thống chung của tộc người và ý thức tộc người vẫn còn được lưu giữ thì các nhóm người Chăm ở mỗi vùng khác nhau từng bước đã có sự biến đổi và khác biệt ngày càng lớn, dần tạo thành các nhóm địa phương của tộc người này. Đây chính là quá trình phân ly tộc người của người Chăm.

Mặt khác, theo quan niệm của người Chăm, tộc người này gồm có hai thị tộc lớn là thị tộc Dừa (Li-u-Narikela Vams) và thị tộc Cau (Pinang – Kramukha Vams). Thị tộc Dừa là những người làm bá chủ vùng đất phía Bắc – vùng Amaravati, còn thị tộc Cau là những người làm bá chủ vùng đất phía Nam – vùng Panduranga. Đây chính là hai tiểu quốc lớn và phát triển nhất trong số 5 tiểu quốc của vương quốc Chămpa (Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga) trong lịch sử của dân tộc Chăm.

Như vậy, có thể thấy rằng cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận là một nhóm địa phương được hình thành trong quá trình lịch sử tộc người của người Chăm. Họ có thể là những cư dân thuộc thị tộc Cau và sinh sống lâu đời, ổn định tại vùng đất Panduranga xưa – tức Ninh Thuận ngày nay.

2.1.2.2. Điều kiện xã hội

Mặc dù theo các tôn giáo khác nhau nhưng giữa nhóm người Chăm Ahiêr, Chăm Awal và Chăm Asulam hầu như không có nhiều sự khác biệt về mặt tổ chức xã hội. Có chăng chỉ là sự thay đổi khác nhau về tên gọi của các chức sắc tôn giáo và vai trò của họ đối với từng cộng đồng, hoặc là sự khác nhau về cách phân chia đẳng cấp trong xã hội trước đây (hiện nay hầu như không còn rõ nét).

Đại thể, xã hội Chăm ở Ninh Thuận còn mang đậm nét của các xã hội Chăm truyền thống trước kia. Người Chăm vùng này vẫn cư trú tập trung trong các làng, và gia đình mẫu hệ vẫn là các đơn vị cư trú hạt nhân của họ.

Làng của người Chăm ở Ninh Thuận là một đơn vị cư trú tập trung của khoảng 300 – 400 hộ gia đình, thường tọa lạc trên những khu đất cao hoặc gò đồi, xung quanh có ruộng lúa và nương rẫy bao bọc. Mỗi làng Chăm đều có một đền thờ thần làng (Sang Po Yang) và một Nhà làng (Sang Palei). Đây là những địa điểm dùng làm nơi tiến hành các nghi thức cúng lễ cộng đồng (Tết Katê, Ramâwan, Rija nâgar…) và tập họp dân làng. Ngoài ra, làng của người Chăm ở đây thường có thêm một sân làng để làm nơi phục vụ sản xuất (phơi lúa) và sinh hoạt vui chơi, hội hè trong các dịp lễ hội.

Cơ cấu tổ chức quản lý của các làng Chăm ở Ninh Thuận có sự tồn tại song song giữa hai hình thức quản lý hành chính và quản lý theo truyền thống, luật tục. Ở đây, một mặt vừa có Hội đồng già làng (đứng đầu là chủ làng - Po Palei) và Hội đồng chức sắc tôn giáo chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến phong tục tập quán, luật tục trong làng. Mặt khác, mỗi làng đều có Ban quản lý thôn (đứng đầu là trưởng thôn, thường cũng là chủ làng), Đoàn thanh niên, Hội nông dân… chuyên thực hiện các công việc mang tính hành chính (chính sách, thu thuế…).

Nhỏ hơn và nằm trong khuôn viên làng, các gia đình (ngawôm) và dòng họ mẫu hệ là những đơn vị cư trú quan trọng cơ bản của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Mỗi gia đình thường gồm nhiều thế hệ (3 – 4 thế hệ) sinh sống tập trung trong một khuôn viên nhà ở gọi là Nhà Tục, dựng theo hướng Bắc – Nam, có rào bao quanh. Nhiều gia đình như vậy có chung quan hệ huyết thống bên mẹ với nhau tạo thành một tập hợp lớn hơn là dòng họ. Tập hợp này do một người phụ nữ lớn tuổi, thường là “chị cả trong gia đình thuộc ngành trưởng” đứng đầu [5, tr. 152].

Trong quan hệ gia đình và xã hội, quan hệ mẫu hệ vẫn là mối quan hệ nền tảng, do đó, người phụ nữ Chăm ở đây rất được đề cao. Họ đóng vai trò là người quản lý gia đình, dạy dỗ con cái, quyết định các vấn đề quan trọng của gia đình, đồng thời có tiếng nói quan trọng trong dòng họ của mình (đóng vai trò thừa tự giống như người đàn ông trong xã hội

người Việt). Còn người đàn ông thì đảm trách các công việc sản xuất, kinh doanh, giao tiếp và quản lý xã hội nhưng các chủ làng (Po Palei) thường là đàn ông. Và cũng như vậy, con cái ở đây mang họ mẹ (hiện nay điều này không còn bắt buộc).

Một cách chung nhất, các hoạt động kinh tế và tổ chức xã hội của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận vẫn còn bảo lưu về cơ bản các yếu tố truyền thống của dân tộc Chăm trước đây. Và đó chính là cơ sở, là điều kiện để cộng đồng này tiếp tục kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc mình trong những hoàn cảnh mới, tình hình mới.

2.1.2.3. Người Chăm ở Việt Nam và người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận

Người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận là cộng đồng người Chăm đông nhất với 57.137 người, chiếm gần 50% trong tổng số 132.873 người Chăm ở Việt Nam, gồm hai nhóm lớn là Chăm Ahiêr (ảnh hưởng Bàlamôn giáo, còn gọi là Chăm Bàlamôn) và Chăm Awal (ảnh hưởng Hồi giáo cũ, gọi là Chăm Bà Ni). Ngoài ra, còn có một nhóm khác mà người Chăm gọi là Chăm Asulam (ảnh hưởng Hồi giáo hiện đại, gọi là Chăm Islam) [35, tr.131 – 173]. Đến tháng 4 – 2005, theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, dân số người Chăm của tỉnh là 62.646 người, chiếm tỉ lệ 11,29% dân số toàn tỉnh. Trong đó, Chăm Bàlamôn có 37.737 người, Chăm Bà Ni có 23.059 người và Chăm Islam có 1.850 người [16, tr.20].

Về địa bàn sinh sống, người Chăm tập trung chủ yếu ở vùng phía Đông và phía Nam của tỉnh. Hầu hết, họ sinh sống quy tụ trong 22 thôn làng thuộc 13 xã, thị trấn của 4 huyện, thành phố trong tỉnh (Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm). Trong đó gồm 16 làng Chăm Ahiêr và 7 làng Chăm Awal (có một làng là nơi sinh sống chung của cả 2 nhóm). Cụ thể:

Người chăm Ahiêr:

- Huyện Ninh Phước: thôn Phước Đồng, Hiếu Lễ, Chất Thường (xã Phước Hậu), Hoài Trung, Như Bình (xã Phước Thái), Hữu Đức, Hậu Sanh (xã Phước Hữu), Vĩnh Thuận, Chung Mỹ, Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân), Phước Lập, Phước Thiện, Vụ Bổn (xã Phước Nam), Phú Nhuận ( xã Phước Thuận).

- Huyện Ninh Hải: thôn Bỉnh Nghĩa (xã Phương Hải).

Người Chăm Awal:

- Huyện Ninh Phước: thôn Thành Tín (xã Phước Hải), Tuấn Tú (An Hải), Văn Lâm (xã Phước Nam), Phú Nhuận (xã Phước Thuận).

- Huyện Ninh Hải: thôn An Nhơn, Phước Nhơn (xã Xuân Hải).

- Huyện Ninh Sơn: thôn Lương Tri (xã Nhơn Sơn). Người Chăm Asulam:

- Huyện Ninh Phước: thôn Văn Lâm (xã Phước Nam).

- Huyện Ninh Hải: thôn An Nhơn, Phước Nhơn (xã Xuân Hải).

Ngoài ra, còn có một số người Chăm theo các tôn giáo khác (Công giáo, Tin Lành,…), sống đan xen cài trong địa bàn tỉnh nhưng số lượng không đáng kể [14, tr.20 – 21].

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hoá Chăm phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)