Điều kiện tự nhiên tỉnh Ninh Thuận

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hoá Chăm phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trang 31)

Ninh Thuận là một tỉnh thuộc Nam Trung Bộ, nằm từ 11018’ đến 12002’ vĩ Bắc và 108035’ đến 109015’ kinh Đông, nơi có số người Chăm đông nhất cả nước. Toàn tỉnh có diện tích khoảng 3.360 km2 với các mặt: phía bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía đông giáp với biển Đông.

Về mặt địa hình, Ninh Thuận có hai dạng địa hình chính là núi và đồng bằng. Trong đó, núi với độ cao trung bình là dạng địa hình chiếm phần lớn diện tích, tạo nên một vành đai bao bọc bốn mặt của tỉnh. Đồng bằng Ninh Thuận rất nhỏ hẹp (có diện tích nhỏ nhất miền Trung) và nằm lọt giữa các ngọn núi. Điều này làm cho Ninh Thuận trở thành một “lòng chảo” nằm bên bờ biển Đông, đồng thời góp phần không nhỏ tạo nên các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sông ngòi… tương đối đặc trưng cho vùng đất này.

Với địa hình bốn mặt núi bao bọc, “lòng chảo” Ninh Thuận phải gánh chịu những điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, khô, nóng và ít mưa nhất trong cả nước với lượng mưa hằng năm chỉ khoảng 700mm(thấp hơn mức trung bình của cả nước rất nhiều), nhiệt độ trung bình là 29 – 330C. Sự che chắn của các ngọn núi đã làm cho mùa khô Ninh Thuận kéo dài hơn những nơi khác (từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau), đồng thời làm cho thời gian mưa ít đi, chỉ với khoảng 60 ngày trong 3 tháng (tháng 9 đến tháng 11).

Điều kiện thổ nhưỡng Ninh Thuận cũng không có nhiều thuận lợi. Phần lớn diện tích của tỉnh là các loại đất ferarit, đất xám, đất cát… với tình trạng sỏi đá, khô hạn và nghèo chất dinh dưỡng, chỉ phù hợp cho sự tồn tại và phát triển của các loại rừng cây bụi khô hạn (xương rồng), các loại cây trồng vật nuôi đặc trưng chịu được khô hạn (nho, điều, bông vải, bò, dê, cừu…).

Mạng lưới sông ngòi ở đây khá thưa thớt với các đặc điểm nhỏ, ngắn và dốc, gây ra những đợt lũ lụt mạnh và dâng cao vào mùa mưa, cũng như thường hay cạn kiệt nước trong

những tháng mùa khô. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho việc tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và trong sinh hoạt đời sống của người dân. Mặt khác, hệ thống sông ngòi ở Ninh Thuận (sông Dinh, sông Cái, sông Quao…) khá nghèo nàn về nguồn lợi thủy sản nên ít có giá trị về kinh tế, ngoại trừ một số tiềm năng về thủy điện.

Ngược lại với sông ngòi, Ninh Thuận lại có một diện tích mặt biển lớn và có nhiều tiềm năng. Với tính chất là một vùng biển ấm và dồi dào thủy hải sản, biển ở đây đã được đánh giá là một trong những ngư trường đánh bắt trọng điểm của cả nước. Ngoài ra, đây còn là một địa điểm du lịch lý tưởng với nhiều bãi tắm trong xanh, nhiều hòn đảo đẹp như Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Hòn Đỏ, Hòn Khỉ…

Như vậy, nhìn chung Ninh Thuận là một vùng đất có điều kiện địa lý tự nhiên không thuận lợi và có nhiều khắc nghiệt. Tuy nhiên, chính tại đây, nơi mà tưởng chỉ có những cây xương rồng là phát triển được, thì cộng đồng người Chăm đã có một quá trình sinh sống lâu dài. Không những thế, vượt qua khó khăn, cộng đồng này còn sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa đặc sắc mang đậm tính đặc trưng của vùng đất Ninh Thuận.

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hoá Chăm phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trang 31)