Văn hóa của người Chă mở Ninh Thuận

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hoá Chăm phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trang 36)

2.1.3.1. Đối với văn hóa vật thể

Cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận là chủ nhân của một kho tàng văn hóa đặc sắc với rất nhiều loại hình khác nhau. Mỗi loại hình đều thể hiện cách nhìn, cách ứng xử của họ đối với thiên nhiên và con người xung quanh, không ngừng được nâng cao và hoàn thiện.

Trước hết, nhà ở của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận được xem là một loại hình kiến trúc khá đặc trưng với nhiều sự kết hợp đa dạng giữa truyền thống và hiện đại. Về mặt hình thức, các ngôi nhà này chủ yếu là nhà trệt, có dạng chữ nhật hoặc vuông với 4 mái (hai mái chính và hai mái nhỏ hai bên), được xây dựng trên những khu đất bằng phẳng, thường được liên kết tập trung trong một khuôn viên theo đơn vị gia đình gọi là nhà Tục. Trong đó, mỗi ngôi nhà có vị trí và tên gọi khác nhau như Sang ye, Sang mâyau, Sang gan, Sang gin, Sang tuey … Bao bọc xung quanh khuôn viên thường là hàng rào bằng cây khô hay xương rồng, có cổng ra vào quay về hướng Nam hoặc Tây Nam.

Trong loại hình y phục – trang sức, các đặc trưng của cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận phản ánh một cách cụ thể, rõ nét sự tồn tại vừa song song vừa thống nhất của hai nhóm cộng đồng tôn giáo Chăm Ahiêr và Chăm Awal. Các vật liệu được người Chăm dùng chủ yếu trong y phục và trang sức là vải và các kim loại đồng, bạc, vàng…

Đối với người phụ nữ Chăm Ninh Thuận (cả hai nhóm Ahiêr và Awal), y phục truyền thống của họ là váy (Khăn), áo dài không xẻ tà (Ao) và khăn đội đầu. Các loại y phục này được mặc kết hợp cùng lúc với nhau và tùy theo lứa tuổi, tôn giáo mà chúng có độ dài ngắn và màu sắc phù hợp. Ở đây, người phụ nữ lớn tuổi thường mặc áo dài dài hơn (chấm gót), có màu sẫm, tối, các cô gái trẻ thì chủ yếu mặc những áo dài ngắn hơn (qua gối) với màu sáng tươi.

Trong khi đó, người đàn ông Chăm thường mặc trang phục truyền thống của mình là xà rông và áo likei. Xà rông là một tấm vải khổ rộng trên dưới 1m, dài gấp 1,5 lần vòng bụng, được quấn từ thắt lưng trở xuống và buộc lại bằng một sợi dây vải làm bằng chỉ màu. Còn áo likei là loại áo ngắn đến mông, tay dài, cổ tròn, phía trước xẻ đính khuy, hai bên hông có đường xẻ ngắn, vạt áo trước có hai túi và thường được may bằng vải có màu sẫm, đậm không có hoa văn. Ngoài ra, người đàn ông Chăm Ninh Thuận cũng có khăn đội đầu của mình để kết hợp với các y phục trên.

Các chức sắc tôn giáo thì có những y phục riêng và khác nhau giữa Chăm Ahiêr và Chăm Awal. Chức sắc đạo Bà Ni trong nhóm Chăm Awal phải mặc loại áo Thầy Chang hay còn được gọi là ao plưt. Đây là loại áo dài màu trắng rộng chùng quá mắt cá chân, vạt trước có xẻ đính khuy, được mặc rất giống với áo dài của người phụ nữ. Các chức sắc Bàlamôn của nhóm Chăm Ahiêr lại mặc một loại áo dài màu trắng có xẻ tà hai bên, ôm vừa thân người và được mặc chung với xà rông. Loại áo này mặc theo kiểu chui đầu (poncho) và được gọi tên là ao tăh. Về khăn đội đầu của cả hai bên chức sắc thì hầu như không có sự khác biệt, đều là khăn quấn trắng có tua đỏ ở đầu.

Trước đây, các y phục và trang sức (hoa văn, túi, bóp, dây thắt lưng, nhẫn, hoa tai, vòng…) truyền thống của nam và nữ trong cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận được sử dụng một cách thường xuyên và phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày. Thế nhưng hiện nay các loại trang phục này hầu như chỉ còn được mặc nhiều trong các dịp lễ tết, hội hè như lễ hội Katê, Ramâwan, lễ Rija…

Riêng với người Chăm Asulam, y phục có đôi chút khác biệt so với hai nhóm kia. Tuy nhiên, sự khác biệt là không nhiều và cũng chỉ thể hiện rõ trên y phục của các chức sắc tôn giáo là chủ yếu.

Về văn hóa ẩm thực, nhìn chung các món ăn và cách chế biến của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận khá giống với người Việt trong vùng. Họ chủ yếu ăn các món ăn làm từ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, rau, đậu) và các loại thủy hải sản (cá, tôm, mực). Ngoài ra, các loại thực phẩm có được từ chăn nuôi, săn bắt cũng được sử dụng khá nhiều (heo, bò, dê, gà, vịt, thỏ, dông…). Trong chế biến món ăn, ngoài các kiểu nấu, nướng, kho, luộc, xào, nấu canh… thông thường, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận còn biết làm nhiều loại khác từ lương thực và hải sản như bánh (bánh tét, bánh ít…), bún, cháo…, các loại mắm (nước mắm, mắm ruốc, mắm tôm…). Đây là một sự sáng tạo của người Chăm nhằm làm đa dạng và phong phú thêm kho tàng văn hóa ẩm thực của mình.

Trước đây, thức uống hằng ngày của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận chủ yếu là các loại nước giếng, nước mưa chưa đun sôi. Nhưng càng về sau này, việc sử dụng nước trà, nước đun sôi đã trở nên phổ biến và thông dụng. Riêng trong những dịp lễ tết, hội hè và đón khách đến chơi…, rượu thường được người Chăm ở đây dùng làm thức uống chính. Ngoài ra, các loại thức uống khác mang tính đặc trưng của địa phương như sữa dê, rượu nho, mật nho… cũng được họ sử dụng khá phổ biến.

Cùng với việc sử dụng các loại đồ ăn uống như trên, người Chăm ở Ninh Thuận còn có tập tục ăn trầu và hút thuốc lá. Đây là những tập tục đã có từ lâu đời và hiện nay vẫn còn được nhiều người trong cộng đồng này duy trì chủ yếu là những người lớn tuổi.

Trên thực tế, việc ăn uống của cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận là khá thoải mái và thống nhất, ngoại trừ sự cấm kị thịt bò của người Chăm Ahiêr và cấm kị thịt heo của người Chăm Awal vì lý do tôn giáo. Các món ăn, thức uống của họ được sử dụng một cách phổ biến cả trong đời sống hằng ngày lẫn trong các lễ nghi tín ngưỡng, đình đám, hội hè (theo những quy định phù hợp). Và ở đây, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận luôn có một quan niệm khá xuyên suốt và quan trọng trong việc chế biến cũng như ăn uống của mình đó là sự tồn tại và hòa hợp âm dương một cách rõ nét.

Trong lĩnh vực kiến trúc – điêu khắc, hiện nay người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận hầu như không còn duy trì được hoạt động của mình. Tuy nhiên, qua những đền tháp Hòa Lai (thế kỷ IX), Po Klaong Girai (thế kỷ XIII), Po Romê (thế kỷ XVII) và các hiện vật điêu khắc còn lại, một thời kỳ phát triển rực rỡ với trình độ kỹ thuật cao về kiến trúc – điêu khắc của cộng đồng này đã được khẳng định.

Về đại thể, các công trình, hiện vật kiến trúc, điêu khắc của người Chăm ở đây đều được làm từ gạch, đất sét, đá. Trong đó, các kiến trúc đền tháp tuân thủ khá nghiêm ngặt các nguyên tắc chung của đền tháp Chăm là: vị trí tọa lạc thường ở trên đồi, nơi cao ráo, thân, đế vuông vắn, đỉnh nhọn, có nhiều tầng giả, cân xứng nhiều chiều, cửa chính quay về hướng đông… Riêng những hiện vật điêu khắc thì thể hiện theo các mô típ truyền thống về thần Bàlamôn (Siva, Vishnu, Brahma), về các vị vua, hoàng hậu người Chăm, các biểu tượng phồn thực (linga, yoni) và các họa tiết, hoa văn cách điệu…

Ở đây, giữa các công trình kiến trúc và các hiện vật điêu khắc, cũng như giữa các chất liệu, luôn luôn có sự đi đôi, gắn liền với nhau tạo thành một tổng thể đa dạng nhưng hài hòa, uy nghi nhưng uyển chuyển, mềm mại.

Kiến trúc, điêu khắc của người Chăm hầu như chỉ phục vụ cho việc xây dựng các công trình đền tháp, các tượng thờ… trong tín ngưỡng, tôn giáo chứ không được thể hiện rõ nét trong các công trình dân sinh. Chính vì vậy, các không gian đền tháp luôn là nơi linh thiêng, tôn kính nhất và là địa điểm chủ yếu để tổ chức các nghi thức cúng kính, lễ nghi quan trọng trong năm của người Chăm ở đây.

2.1.3.2. Văn hóa phi vật thể

Cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, trong quá trình sinh sống lâu đời trên vùng đất miền Trung Việt Nam nói chung và Ninh Thuận nói riêng, đã không ngừng sáng tạo, xây đắp nên một nền tảng vô cùng đặc sắc, phong phú.

Về tín ngưỡng, tôn giáo, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận có sự tồn tại nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, đa dạng và mang tính truyền thống, bản địa cao. Bên cạnh các tín ngưỡng nông nghiệp, phồn thực, thờ cúng ông bà tổ tiên… mang tính bao quát, chủ đạo thì những tín ngưỡng cổ xưa, tàn dư của xã hội nguyên thủy mang tính tôtem giáo,

saman giáo (vật thờ tổ, bùa chú, ma thuật) cũng còn tồn tại khá phổ biến. Những tín ngưỡng này liên kết, hòa quyện vào nhau tạo thành một thể thống nhất, bền vững chi phối mọi hoạt động trong đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Sự chi phối này được thể hiện trong nhiều hình thức, ý nghĩa khác nhau của các nghi thức, lễ tết, hội hè… diễn ra ở gia đình, thôn làng, đền tháp, đồng ruộng…

Cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận còn theo hai tôn giáo khác có nguồn gốc từ Bàlamôn giáo và Hồi giáo. Đây là những thành tố văn hóa có nguồn gốc bên ngoài được người Chăm nói chung và người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận nói riêng tiếp nhận từ nhiều thế kỷ trước. Trải qua thời gian, đến nay các tôn giáo này hầu như đã bị bản địa hóa hoàn toàn và trở thành những hình thức tôn giáo riêng của cộng đồng này.

Đạo Bàlamôn được du nhập từ những năm đầu Công nguyên, là một tôn giáo lớn và phổ biến trong cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Những người theo tôn giáo này được gọi chung là người Chăm Ahiêr, đại diện cho Dương. Họ thờ các vị thần của Bàlamôn giáo Ấn Độ (Siva, Vishnu, Brahma), nhưng các vị thần bản địa như các thần sấm, thần sông, thần núi, các thần Po Inâ Nâgar, Po Klaong Girai, Po Romê… cũng là đối tượng chính họ hướng đến. Đứng đầu trong tôn giáo này là các tu sĩ Bàlamôn (Thầy Pasaih), được chia thành bốn cấp từ thấp đến cao là Ndung akaok, Liah, Puah, Tapah. Trong đó, thầy Cả Sư (Po Dhia), thuộc hàng Tapah, là người có vị trí cao nhất quản lý toàn bộ các tu sĩ. Tất cả những người này có trách nhiệm tổ chức và điều hành những sinh hoạt, lễ nghi cúng tế… của tôn giáo Bàlamôn từ gia đình, dòng họ, thôn làng cho đến đền tháp trong khu vực quản lý của mình.

Tôn thờ thánh Allah và giáo chủ Mohammet, đạo Hồi của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận được du nhập muộn hơn (sau thế kỷ X) và tồn tại song song, đối lập với đạo Bàlamôn. Những người Chăm theo tôn giáo này (được gọi tên là đạo Bà Ni) được quan niệm thuộc Âm và gọi chung là Chăm Awal. So với nhóm Chăm Asulam, người Chăm theo đạo Bà Ni có nhiều sự bản địa hóa hơn trong tôn giáo của mình. Đứng đầu, chịu trách nhiệm trong việc tổ chức và điều hành các sinh hoạt tôn giáo, nghi lễ… của đạo này diễn ra tại Thánh đường (theo cách gọi của người Chăm ở đây) và trong cộng đồng là đội ngũ

Thầy Chang. Đây là tên gọi chung cho tất cả các tu sĩ thuộc bốn cấp từ thấp đến cao của đạo Bà Ni: Acar – Katip – Inâm – Po Gru.

Không như người Chăm theo đạo Bà Ni, nhóm người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận theo đạo Islam có số lượng rất ít, hầu như không đáng kể và việc sinh hoạt nghi lễ, tuân thủ giáo lý của họ rất chặt chẽ, nghiêm khắc theo như Hồi giáo hiện nay của thế giới.

Bên cạnh tín ngưỡng, tôn giáo, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận còn có một hệ thống lễ hội phong phú, đa dạng và đặc sắc. Theo những thống kê sơ bộ, cộng đồng này hiện nay còn lưu giữ và duy trì được gần 100 lễ hội lớn nhỏ [37, tr.132] trên nhiều khía cạnh và không gian văn hóa khác nhau, trong đó có một số lễ hội lớn, tiêu biểu diễn ra hàng năm như Rija nâgar, Rija praong, Mbang Katê, Ramâwan, Yor Yang, Cambur…

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận được sáng tạo và sử dụng trong nhiều sinh hoạt văn hóa khác nhau. Đây là một loại hình nghệ thuật đặc trưng, quan trọng “phản ánh những nhận thức, thể hiện những tình cảm, quan niệm về thẩm mỹ…” [6, tr.336] của cộng đồng này. Các loại nhạc cụ truyền thống như trống Baranâng, trống Ginang, chiêng, kèn Saranai… hòa cùng với những điệu múa Biyên, Mârai, Patra… và các bài dân ca mang đậm tính trữ tình của dân tộc tạo nên những âm thanh, hình ảnh đặc sắc và quyến rũ trong sinh hoạt của cộng đồng người Chăm. Riêng trong các lễ nghi cúng tế diễn ra ở gia đình cũng như thôn làng, đền tháp, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận thường sử dụng các bài tụng ca, hát lễ, những điệu múa thiêng, múa lễ… trong tiếng nhạc phụ họa của đàn Kanyi để làm ngôn ngữ giao tiếp với thần linh. Điều này góp phần tạo nên không khí linh thiêng, trầm mặc của các buổi lễ. Theo quy định, chỉ có những người như Maduen (người vỗ trống Baranâng), Kad (thầy kéo đàn Kanyi), Ka-ing (ông Bóng), Muk Pajau (bà Bóng), Muk Rija (người đứng đầu tộc họ)… mới được thực hiện các điệu múa và nhạc lễ trong các nghi thức dâng cúng.

Chữ viết của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận có nguồn gốc từ chữ Phạn (Sanscrit) của Ấn Độ. Ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, trên cơ sở tiếp nhận và sử dụng loại chữ bên ngoài này, người Chăm đã dần có những thay đổi, cải biến cho phù hợp với tiếng nói của mình (thuộc ngữ hệ Nam Đảo – Malayo Polynêdiên). Từ đây, họ đã hình thành

nên chữ viết riêng của mình. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, đến nay chữ viết Chăm xuất hiện nhiều biến thể. Đó là chữ Hayap (viết trên bi ký), chữ akhar rik, akhar tuer (viết trên các văn bản, thư tịch cổ), chữ akhar bini (dùng để ghi lại kinh Coran), akhar jok (chữ bí ẩn, thần bí), chữ akhar atuer (chữ tắt, chữ treo)… và chữ akhar thrah. Trong số đó, chữ akhar thrah là loại được người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận sử dụng chính thức và thông dụng nhất trong việc ghi chép, dịch thuật các loại văn bản, giấy tờ.

Về văn học, người Chăm có một kho tàng vô cùng phong phú và đa dạng cả về số lượng lẫn thể loại, đặc biệt là văn học dân gian. Ngoài các thể loại quen thuộc như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, cao dao, câu đố, dân ca… người Chăm còn có các truyện thơ (ariya), một loại hình ngâm – kể chuyện rất đặc sắc…” [6, tr. 322]. Đề tài thường lấy từ thực tế sinh hoạt hàng ngày với nội dung đa dạng, phản ánh nhận thức, suy nghĩ của người Chăm xưa đối với tự nhiên, cuộc sống. Đồng thời qua đó, thể hiện ý nghĩa giáo dục cuộc sống, khuyến thiện ghét ác, đề cao những tính tốt của con người như siêng năng, hiền hậu, thật thà,…

Tóm lại, kho tàng văn hóa của người Chăm ở Ninh Thuận là một kho tàng đa dạng, đặc sắc và bảo lưu nhiều giá trị truyền thống của dân tộc. Trên cơ sở nền tảng chung này, các giá trị, thành tố văn hóa cụ thể được hình thành, chi phối, nuôi dưỡng và phát triển không ngừng. Đồng thời từ đó, chúng lại bổ sung và bồi đắp trở lại để làm giàu thêm.

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hoá Chăm phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)