Xác định mục đích và mục tiêu đào tạo

Một phần của tài liệu TẬP BÀI GIẢNG THIẾT KẾ VÀ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC (Trang 53)

Các bước phát triển chương trình giáo dục

3.2.2.2.Xác định mục đích và mục tiêu đào tạo

Tùy theo cách tiếp cân trong thiết kế chương trình giáo dục, việc xác định mục tiêu đào tạo cũng khác nhau. Nếu theo cách tiếp cận mục tiêu thì người thiết kế sẽ xác định mục tiêu đầu ra (hay mục tiêu hành vi), còn theo cách tiếp cận phát triển hay tiếp cận quá trình thì các nguyên tắc chỉ đạo quá trình lại được xem là mục tiêu của chương trình giáo dục.

3.2.2.2.1. Mục tiêu hành vi (mục tiêu đầu ra)- Behavioural objectives or learning outcomes)

3.2.2.2.1. 1. Phân biệt mục đích (Goal) với mục tiêu (objective)

Mục đích là khái niệm rộng hơn mục tiêu. Mục đích của chương trình giáo dục là sự diễn đạt khái quát cái đích chung nhất của chương trình giáo dục phải đạt tới định hướng cho toàn bộ quy trình đào tạo về năng lực chuyên môn, phẩm chất hành vi.

Còn mục tiêu đào tạo là sự mô tả cụ thể những gì người học có khả năng thực hiện được sau khi hoàn tất 1 khóa học hay môn học.

Một chương trình giáo dục phải có mục đích chung cho cả khóa học, đồng thời phải xác định mục tiêu cụ thể cho từng nhóm môn học, từng môn học. Và từ đây mỗi môn học lại được xác định mục tiêu chi tiết (kiến thức, kỹ năng, thái độ) tới từng chương, từng bài.

Mục đích của chương trình giáo dục có thể được xác định ở cấp độ quốc gia. Thí dụ: Mục đích (nguyên văn là mục tiêu) của chương trình giáo dục bậc đại học được xác định là: “Trang bị một nền tảng giáo dục đại cương, đủ để tạo tầm nhìn và thói quen tư duy sáng tạo, cùng với tri thức và kỹ năng cơ bản riêng để tạo thuận lợi đi sâu vào học chuyên môn”, “Cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản của một ngành đào tạo theo diện rộng và có những ý niệm ban đầu về chuyên môn sâu” hay : “Sản phẩm lao động phải có khả năng thích nghi với thị trường sức lao động nghề nghiệp tương đối rộng và có tiềm năng vững vàng để mà dễ chuyển đổi nghề nghiệp trong 1 phạm vi rộng, vừa thuận lợi trong việc vươn lên những trình độ học vấn cao hơn”.

Như vậy, mục đích của chương trình giáo dục chưa cho ta một hình mẫu cụ thể của người sinh viên sau khi ra trường, nhưng đã xác định những phương hướng cơ bản trong thiết kế chương trình giáo dục.

- Những kiến thức đại cương đủ rộng làm nền tảng cho tư duy sáng tạo, cho sự thích ứng với thị trường lao động luôn biến đổi.

- Những kỹ năng sống, kỹ năng tự tìm việc làm, tự tạo việc làm, tự học để vươn lên suốt đời.

- Những ý niệm ban đầu về chuyên môn sâu.

Mục đích của chương trình giáo dục bậc Thạc sỹ là “Đào tạo các chuyên gia có trình độ học vấn vững vàng, có khả năng thích ứng cao trước sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và kinh tế - xã hội, có năng lực giải quyết những yêu cầu của thực tiễn và khả năng tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học đề đạt học vị tiến sĩ”. Còn ở bậc tiến sĩ thì mục đích đào tạo lại là “đào tạo các chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu, có khả năng nghiên cứu khoa học công nghệ và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn”.

Còn mục tiêu của chương trình giáo dục nói chung, của từng nhóm môn học, của mỗi môn học là sự diễn giải của mục đích chương trình giáo dục, sự diễn giải này có mức độ cụ thể hóa khác nhau.

Đối với nhóm môn học, từng môn học có mục tiêu chung (general objectives) còn đối với từng chương, từng bài cụ thể chúng ta có mục tiêu cụ thể (đặc thù – specific - objectives). Đặc trưng của loại mục tiêu này là có thể định lượng được, quan sát được và đánh giá đo lường được qua quá trình thay đổi hành vi của người học trong các lĩnh vực nhận thức, kỹ năng, tình cảm/ thái độ.

3.2.2.2.1.2. Các thứ bậc trong mục tiêu nhận thức

Chương trình giáo dục được thể hiện ở cả 3 lĩnh vực nhận thức, kỹ năng và tình cảm/ thái độ. Mục tiêu đào tạo theo quan điểm này cũng được xác định theo 3 lĩnh vực đó:

- Mục tiêu nhận thức (Cognitive) - Mục tiêu tình cảm (affective)

- Mục tiêu tâm lý vận động (Pchycomotor)

Một phần của tài liệu TẬP BÀI GIẢNG THIẾT KẾ VÀ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC (Trang 53)