Đánh giá chương trình giáo dục là một hoạt động tập thể. Sự hợp tác này cần thiết trong toàn bộ quá trình đánh giá và bao trùm toàn bộcác hoạt động của chương trình giáo dục , bắt đầu từ lập kế hoạch đánh giá, lựa chọn công cụ và mô hình đánh giá, đến việc thực hiện các giai đoạn trong quá trình đánh giá.
Trong hoạt động đánh giá chương trình giáo dục của một cơ sở đào tạo thì giáo viên, người quản lí, cán bộ đánh giá chuyên trách và cả sinh viên cùng với cha mẹ họ cần hợp tác để xác định những gì cần đánh giá trong chương trình giáo dục. Họ hợp tác để thu thập và sử lí dữ liệu. Các kết luận đánh giá không phải do một người, hay nhóm người thực hiện riêng rẽ, và cũng không đánh giá từng bộ phận của chương trình giáo dục. Thông thường chương trình giáo dục được đánh giá một cách tổng thể và là quyết định của cả thập thể những người có liên quan.
Hilda Taba chỉ ra rằng: sở dĩ cần có sự đánh giá tập thể đối với một chương trình giáo dục vì chỉ nỗ lực tập thể mới cho phép tất cả những người có liên quan dựng lên bức tranh toàn cảnh về chương trình giáo dục. Thí dụ, giáo viên làm việc với nhau để cung cấp bằng chứng về hiệu quả của chương trình giáo dục đối với các loại sinh viên khác nhau. Nếu họ làm việc đơn độc, họ chỉ có thể nói về sinh viên của họ, còn nếu họ hợp tác
với nhau, học có thể cung cấp thông tin về hiệu quả chương trình giáo dục đối với các loại sinh viên khác nhau.
Sinh viên
Với tư cách là người học chủ động, sinh viên là người có trách nhiệm tham gia đánh giá không chỉ quá trình học tập của bản thân, mà còn đánh giá cả chương trình giáo dục. Sinh viên làm việc với giáo viên trên lớp, với ban đánh giá chương trình giáo dục để xác định giá trị và hiệu quả của từng bộ phận cấu thành của chương trình giáo dục.
Sinh viên cần tham gia vào quá trình đánh giá chương trình và cả việc đánh giá việc học tập của bản thân. Khi sinh viên tham gia như vậy thì ý thức của họ cũng được nâng lên, họ tự tin hơn trong việc lựa chọn con đường sống vừa được xã hội thừa nhận, vừa có ý nghĩa với bản thân.
Sinh viên cần có vai trò lớn hơn trong việc xác định quá trình đánh giá nào cần áp dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động học tập của họ. Những năm gần đây nhiều trường cho xây dựng hồ sơ học tập (portfolios) của từng sinh viên bao gồm toàn bộ tài liệu liên quan tới việc học của sinh viên đó, trong đó có cả những đề nghị của sinh viên nhằm đạt hiệu quả học tập tốt nhất.
Giáo viên
Giáo viên là người có vai trò quan trọng nhất trong đánh giá chương trình giáo dục. Thông qua việc ghi chép kết quả học tập của sinh viên đối với những phần khác nhau của chương trình giáo dục, thông qua việc so sánh kết quả đó với các lớp khác, giáo viên có thể có những đóng góp quan trọng trong quá trình đánh giá chương trình giáo dục.
Cán bộ đánh giá chuyên trách
Mặc dù đánh giá chương trình giáo dục là một hoạt động hợp tác của nhiều bên có liên quan, song nên có một bên quán xuyến toàn bộ hoạt động đánh giá - đó là cán bộ đánh giá chuyên trách. Cán bộ đánh giá nên là biên chế cơ hữu của bộ phận phát triển chương trình giáo dục của trường. Việc này có lợi thế là cán bộ đánh giá biết hệ thống tổ chức, mục tiêu của trường, các kết luận đánh giá dẽ được chấp nhận hơn, giá thành rẻ hơn là đánh giá từ bên ngoài. Tuy nhiên đánh giá trong cũng có nhiều bất lợi. Cán bộ đánh giá trong ít khi muốn viết bài báo cáo mang tính phê phán, hơn nữa người đó còn có nhiều việc khác nên khó có thể chuyên tâm vào việc đánh giá. Nhưng dù sao kinh nghiệm của cán bộ đánh giá trong cũng cần được coi trọng như cán bộ đánh giá ngoài.
Về mặt lý thuyết cán bộ đánh giá hoạt động như tai mắt của việc ra quyết định. Với chức năng này cán bộ đánh giá qua quan sát cung cấp dữ liệu về việc chương trình giáo dục đang hoạt động thế nào trong trường. Cán bộ đánh giá là một nhân vật hỗ trợ cho sự phát triển và thực thi chương trình giáo dục.
Tư vấn (đánh giá ngoài)
Nhiều trường hợp chương trình giáo dục được đánh giá bởi các chuyên gia bên ngoài trường. Một số nhà quản lí giáo dục cho rằng đối với các chương trình giáo dục mới cần được đánh giá từ bên ngoài, bởi lẽ với trình độ chuyên môn giỏi lại không bị “bệnh nghề nghiệp” chi phối, họ sẽ có được những đánh giá trung thực, khách quan. Tuy nhiên, đôi khi đánh giá ngoài cũng bị coi là kẻ ngoại đạo, ngáng đường quá trình đánh giá.
Đánh giá hiệu quả ngoài (outcomes assessment)
Một trong những nguồn thông tin quan trọng trong quá trình đánh giá chương trình giáo dục là các bằng chứng được thu thập một cách hệ thống thông qua hoạt động của sinh viên ngoài chương trình chính khoá. Đó là các hoạt động xã hội tự nguyện, các cơ hội học tập khác phù hợp với mục tiêu đào tạo, các công trình nghiên cứu, các dự án.
Thông thường hoạt động đánh giá hiệu quả ngoài được tiến hành thông qua sinh viên năm cuối và sinh viên đã tốt nghiệp đang làm việc ở một cơ sở sản xuất kinh doanh, hoặc đang học tập sau đại học.
Đối với sinh viên năm cuối hoạt động đánh giá ngoài thường được dựa trên môn học (course) đã được học trong chương trình giáo dục. Trên cơ sở của môn học sinh viên thiết kế một dự án, viết một bài tập lớn hoặc thực hiện một đề tài nghiên cứu. Thí dụ, sinh viên sư phạm có thể thiết kế một chương trình giảng dạy môn học từ xây dựng mục tiêu môn học, lịch trình giảng dạy, đề cương bài giảng, phương thức kiểm tra - đánh giá kết quả môn học v.v. Còn sinh viên khoa lịch sử có thể tham gia nghiên cứu và khôi phục lịch sử của một làng, một ngôi chùa, một dòng họ v.v, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh có thể xây dựng một dự án hợp tác sản xuất kinh doanh về một ngành nào đó với nước ngoài v.v.
Qua việc thực hiện các hoạt động nêu trên, sinh viên năm cuối có thể áp dụng các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tích luỹ trong suốt 4 - 5 năm học đại học. Khi đánh giá các công trình này của sinh viên năm cuối, có thể phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu của chương trình giáo dục và có các quyết định phù hợp.
Nguồn thông tin từ các cơ sở đào tạo Sau đại học, của sinh viên tốt nghiệp đã tham gia lao động sản xuất, của những người đang sử dụng lao động đều rất hữu ích cho việc
đánh giá chương trình giáo dục. Những thông tin loại này cho biết sinh viên tốt nghiệp tự đánh giá năng lực của bản thân đối chiếu với yêu cầu của nơi làm việc (hoặc cơ sở đào tạo Sau đại học), những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm có được trong trường đại học hữu ích như thế nào đối với họ? Họ cần thêm những gì để có thể tự tin hơn ở vị trí mới v.v.