Các nghiên cứu trên thế giới

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ số biến thiên nhịp tim và rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tổn thương thận (Trang 37)

Rất nhiều nghiên cứu nước ngoài về bệnh thần kinh tự chủ và rối loạn thần kinh tự chủ ở bệnh nhân bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính, đặc biệt trên bệnh nhân ĐTĐ có và chưa có suy thận.

+ Một số nghiên cứu điển hình trên bệnh nhân bệnh tim mạch được kể

đến là: Nghiên cứu kinh điển và được nhiều người tham khảo về giá trị của

phân tích BTNT trong dự báo tử vong tim mạch là nghiên cứu của Kleiger và các cộng sự (1987), đó là nghiên cứu Multicenter Post-Infartion Research Group (MCPI study) [91]. Trong nghiên cứu này, Kleiger đã chỉ ra tương quan giữa giảm BTNT và tăng tỷ lệ tử vong trong 4 năm đầu tiên sau NMCT. Hơn nữa, chỉ số SDNN được tìm thấy có ý nghĩa cao trong chỉ điểm tử vong tim mạch khi SDNN < 50ms. Trong chuỗi nghiên cứu sau đó, Berger và các cộng sự đã tìm thấy có sự giảm các chỉ số BTNT đặc trưng cho hệ TKPGC ở các bệnh nhân có nguy cơ tử vong sau NMCT khi phân tích BTNT theo phổ tần số [90]. Về sau, nhiều tác giả khác cũng khẳng định kết quả trên và còn cho thấy rằng giảm BTNT không những là chỉ điểm tử vong tim mạch sau NMCT mà còn giúp nhận diện các bệnh nhân có nguy cơ xuất hiện nhịp nhanh thất bền bỉ có triệu chứng. Do đó, đo BTNT sẽ giúp phân tầng nguy cơ tim mạch sau NMCT [67]. Năm 2014, mối liên quan giữa chức năng mạch máu và hệ thống thần kinh tự chủ tim mạch được Amiya E và cộng sự đề cập đến. Xuất phát từ tình trạng suy chức năng của tế bào nội mô và suy chức năng hệ TKTC tim mạch là những yếu tố nguy cơ của quá trình xơ cứng mạch

máu. Các quá trình này tạo thành một vòng xoắn bệnh lý ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch. Các nhà khoa học đã chứng minh có mối liên quan giữa hệ thống thần kinh tự chủ và bệnh mạch máu thông qua phần tương tác giữa xi náp thần kinh với cơ trơn mạch máu và lớp tế bào nội mô mạch máu [45].

+ Trên bệnh nhân bệnh thận mạn tính: Các nghiên cứu rối loạn TKTC

tim mạch cũng được các tác giả công bố ở bệnh nhân bệnh thận mạn tính có và chưa có suy thận, chưa hoặc đang điều trị thay thế thận suy bằng lọc máu hoặc ghép thận. Năm 2004, Sanya EO và Ogunniyi A nghiên cứu về rối loạn TKTC trên bệnh nhân suy thận không phải do ĐTĐ trên 120 đối tượng gồm 60 bệnh nhân suy thận mạn tính chưa lọc máu và 60 người khỏe mạnh làm chứng. Kết quả cho thấy 65% bệnh nhân suy thận mạn có rối loạn TKTC [128]. Năm 2011 Elming MB và cộng sự nghiên cứu về rối loạn TKTC ở 66 bệnh nhân tăng ure máu không do ĐTĐ, đang chờ ghép thận, so với nhóm chứng là 44 người khỏe mạnh. Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có rối loạn TKTC trong nghiên cứu là 38%, cao hơn nhóm chứng là 8% có ý nghĩa thống kê, p< 0,005. Nhóm bệnh có 41% bệnh nhân tiền ĐTĐ trên bệnh nhân suy thận. Tỷ lệ bệnh nhân có rối loạn TKTC nhóm bệnh nhân tiền ĐTĐ là 44% cao hơn nhóm bệnh nhân đường máu bình thường (33%). Ở bệnh nhân suy thận rối loạn TKTC liên quan đến tăng huyết áp, tuổi cao, p< 0,05 [68].

+ Trên bệnh nhân ĐTĐ: Đã có rất nhiều nghiên cứu đề cập đến rối loạn TKTC, biến thiên nhịp tim và rối loạn nhịp và mối liên quan của chúng với các yếu tố nguy cơ, mức độ kiểm soát các chỉ số ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2: Nishimura M và cộng sự năm 2004 nghiên cứu về mối liên quan giữa bệnh TKTC tim mạch với phì đại thất trái ở bệnh nhân suy thận mạn do ĐTĐ lọc máu chu kỳ. Thực hiện đo Holter ECG 24 giờ trên 154 ĐTĐ và 63 bệnh nhân lọc máu không do ĐTĐ. Kết quả cho thấy chỉ số khối cơ thất trái ở bệnh nhân ĐTĐ lọc máu cao hơn nhóm lọc máu không do ĐTĐ. Chỉ số khối cơ thất trái

tương quan nghịch với pNN50 (r=-0,27, p< 0,001), với HF (r=-0,277, p< 0,001) ở nhóm bệnh nhân lọc máu ĐTĐ, tuy nhiên không thấy mối liên quan này ở bệnh nhân suy thận lọc máu không do ĐTĐ [110].

Nghiên cứu bản lề tiếp theo là nghiên cứu ARIC (Atherosclerosis Risk in Communities study) của nhóm tác giả Schroeder [131]. Nghiên cứu ARIC study đã cho thấy mối liên quan giữa tăng đường huyết và các hậu quả về chuyển hóa của nó đã ảnh hưởng lên hệ thống thần kinh tự chủ ở bệnh nhân ĐTĐ thông qua sự phản ánh của các chỉ số BTNT (SDNN và rMSSD) mà nhóm này đã thực hiện.

Theo Astrup (2006) BTNT là một yếu tố nguy cơ độc lập cho các biến cố và tử vong tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 có biến chứng thận, nghiên cứu được theo dõi dọc trong 10 năm [47]. Mới đây, Suzuki (2012) đã dùng phương pháp BTNT không tuyến tính (non-linear)- phương pháp phân tích BTNT khác với 2 phương pháp phân tích kinh điển theo thời gian và phổ tần số- cũng có kết luận tương tự về BTNT trong chỉ điểm tử vong bệnh thận ĐTĐ giai đoạn cuối [138]. Chan và cộng sự (2010) nghiên cứu trên 293 bệnh nhân suy thận có lọc máu đã tìm thấy rằng khi chỉ số SDNN <70ms thì tử vong tim mạch gia tăng lên gấp 3,2 lần [62]. Thapa L và cộng sự 2010 nghiên cứu về bệnh TKTC thực hiện trên 20 bệnh nhân bệnh thận mạn tính do ĐTĐ so sánh với nhóm bệnh nhân ĐTĐ chưa có tổn thương thận. Kết quả cho thấy 100% bệnh nhân ĐTĐ có tổn thương thận có rối loạn TKTC. Tỷ lệ bệnh nhân rối loạn TKTC tăng dần theo giai đoạn bệnh thận mạn tính: có 42,85% bệnh nhân có rối loạn TKTC ở nhóm bệnh nhân bệnh thận do ĐTĐ giai đoạn 3, 66,66% ở giai đoạn 4 và 71,42% ở giai đoạn 5 [140]. Moţăţăianu A và cộng sự năm 2013 đã thực hiện nghiên cứu với mục đích là tìm mối liên quan giữa rối loạn TKTC tim mạch với biến chứng thận gồm microalbumin niệu và macroalbumin niệu ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2. Nghiên cứu được thực hiện trên

149 bệnh nhân ĐTĐ typ 2, rối loạn TKTC gặp ở 38,9% bệnh nhân nghiên cứu. Nhóm bệnh nhân có rối loạn có thời gian phát hiện ĐTĐ, chỉ số BMI, huyết áp tâm thu, nồng độ lipid máu và HbA1C cao hơn nhóm bệnh nhân không có rối loạn [102]. Bagherzadeh A và cộng sự năm 2013 nghiên cứu về mối liên quan giữa rối loạn TKTC tim mạch với tình trạng cứng mạch thông qua chỉ số vận tốc sóng mạch trên 64 bệnh nhân ĐTĐ typ 2. Kết quả cho thấy các chỉ số biến thiên nhịp ở bệnh nhân ĐTĐ thấp hơn có ý nghĩa nhóm chứng thực hiện trên 57 người bình thường [49]. Cardoso CR và cộng sự năm 2014 thực hiện một nghiên cứu cắt ngang về mối liên quan giữa giảm các chỉ số biến thiên nhịp tim với bệnh lý tim mạch chưa có dấu hiệu lâm sàng ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 . Tổng số 313 bệnh nhân ĐTĐ typ 2 được ghi Holter ECG 24 giờ, siêu âm ĐM cảnh đo độ dày lớp nội trung mạch và những mảnh vữa xơ, đo chỉ số sóng mạch, siêu âm tim đo chỉ số khối cơ thất trái. Kết quả cho thấy, giảm các chỉ số biến thiên nhịp tim gặp ở nhóm bệnh nhân thời gian phát hiện ĐTĐ dài, tỷ lệ biến chứng vi mạch cao, tần số tim nhanh, HbA1c cao, albumin máu thấp và có dày cơ thất trái. Phân tích đa biến thấy chỉ số SDNN và SDANN độc lập kết hợp với hiện tượng cứng động mạch và dày cơ thất trái [59]. Fleischer J và cộng sự năm 2014 cũng thực hiện một nghiên cứu trên 382 bệnh nhân ĐTĐ typ 1 và 271 bệnh nhân ĐTĐ typ 2, tỷ lệ bệnh nhân có bệnh TKTC tim mạch ở nhóm ĐTĐ typ 2 là 35%, typ 1 là 25%. Nhóm bệnh nhân ĐTĐ typ 2 bệnh rối loạn TKTC thường kết hợp có ý nghĩa với áp lực mạnh tăng, BMI cao và bệnh nhân hút thuốc lá, p< 0,01 [72].

Như vậy, các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định việc sử dụng Holter điện tim 24 giờ có giá trị tốt trong đánh giá rối loạn TKTC tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ có và chưa có tổn thương thận. Các yếu tố của bệnh nhân ĐTĐ ít nhiều ảnh hưởng đến giảm các chỉ số biến thiên nhịp tim, rối loạn

nhịp và tăng tỷ lệ bệnh TKTC tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có và chưa có tổn thương thận.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ số biến thiên nhịp tim và rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tổn thương thận (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)