3.2.2.1. Đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân.
+ Công tác dân số - KHHGĐ ở Lâm Đồng đang phải đương đầu với những thách thức rất lớn. Mặc dù Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh đã cố gắng rất nhiều trong hoạt động này, song tỷ suất sinh vẫn còn ở mức khá cao, tuy đã có nhiều hướng giảm đều hàng năm. Trong khi đó, nhờ chăm sóc, tỷ suất chất thô giảm mạnh, làm cho tỷ lệ tăng dân số sinh học còn ở mức cao. Hiện nay tổng số người từ 15 - 49 tuổi ở Lâm Đồng chiếm tới 53% dân số, nếu không có các biện pháp tích cực để đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ thì tỷ lệ tăng dân số sẽ còn cao hơn vào những năm tới. Những khó khăn, cản trở công tác dân số - KHHGĐ nằm ngay trong dân cư, bao gồm: Số dân di cư tự do chưa được đăng ký hộ khẩu còn khá đông, đa số trong họ đang ở độ tuổi sinh đẻ và đang đẻ nhiều, đồng thời số này còn tiếp
tục gia tăng; 1/5 dân số thuộc các tộc ít người, với các quan niệm về sinh tử, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, kết hôn sớm, trình độ dân trí còn thấp; gần 60% dân số là tín đồ các tôn giáo, trong đó có gần một nửa là tín đồ Kitô giáo, với những giáo luật khá không tương đồng với các biện pháp tránh thai, kế hoạch hoá gia đình. Trong vòng 5 năm tới, muốn giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống dưới 1,8% năm, cần chú trọng một số biện pháp sau đây:
- Lồng ghép các mục tiêu của chương trình dân số - KHHGĐ với các chương trình kinh tế - xã hội như: Chương trình 135, chương trình ổn định và quy hoạch định cư dân di cư tự do, chương trình xoá đói, giảm nghèo, chương trình chống suy dinh dưỡng trẻ em...
- Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề dân số và phát triển.
- Tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm chỉnh luật hôn nhân và gia đình, Nghị quyết Trung ương 4, các chỉ thị, Nghị định về công tác dân số - KHHGĐ và sức khoẻ sinh sản.
+ Công tác phòng, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong thời gian tới các định hướng cơ bản cho công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân bao gồm: tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động y tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 - khoá VII về những việc cấp bách trong sự nghiệp chăm lo, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; thực hiện các nghị quyết 37/CP, 90/CP, 73/CP của Chính phủ về xã hội hoá công tác y tế, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển y tế, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; thống nhất quản lý mô hình y tế địa phương theo Nghị định 01/CP ngày 3/1/1998 của Chính phủ. {Báo cáo của Ngành y tế].
Trên thực tế, do chênh lệch khá xa về mức sống và điều kiện sống, trong dân cư Lâm Đồng tồn tại cả hai mô hình bệnh và yêu cầu phòng, chữa, đó là: mô hình bệnh của xã hội phát triển và bệnh truyền thống của xã hội đang phát triển. Bên cạnh đó, nguồn mầm của một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, tả, dịch
hạch luôn tiềm ẩn và có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Vì vậy, những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho công tác y tế ở Lâm Đồng thời gian tới là:
Tăng mức đầu tư ngân sách của địa phương cho y tế lên 3% trong 5 năm và lên 5% trong 10 năm tới, cùng với kinh phí Trung ương và các nguồn khác, tập trung giải quyết một số nhiệm vụ lớn:
- Đảm bảo 100% số xã (và tương đương) có trạm xá đủ tiêu chuẩn và duy trì hoạt động y tế thường xuyên, trong đó 80% số trạm có bác sĩ. Trong 5 năm tới, 70% trung tâm cụm xã có phòng khám đa khoa; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y khoa cho các trung tâm y tế huyện để đủ sức đảm nhận 3 chức năng và xử lý kỹ thuật ở bậc trung.
- Tăng cường đào tạo và đào tạo lại y, bác sĩ và nhân viên y tế để đủ sức vận hành các trang thiết bị mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời bảo đảm đủ về số lượng cho yêu cầu y tế đến tận thôn, buôn.
- Tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng chuyên môn của hệ y tế dự phòng để đủ sức làm tư vấn chuyên môn, tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống các bệnh dịch, tự phát hiện và chữa trị các bệnh thông thường. Tăng cường kiểm soát, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
- Thành lập một số trung tâm chất lượng cao ở Dalat và thị xã Bảo Lộc, với trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho phát hiện sớm các bệnh hiện tại, xử lý các ca bệnh phức tạp và chữa bệnh theo yêu cầu cho những đối tượng có thu nhập cao. Kết hợp với ngành du lịch mở các trung tâm điều dưỡng có tầm cỡ về chuyên môn để thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài, tạo điều kiện tăng thu nhập để bù cho các vùng sâu, vùng xa, góp phần cải thiện về trang thiết bị, đời sống nhân viên y tế.
- Đẩy mạnh việc xã hội hoá công tác y tế nhằm: trước hết là huy động các nguồn lực tại chỗ, bao gồm sự đóng góp về vật chất, về tri thức kinh nghiệm dân gian, vốn rất phong phú trong các tộc người, thứ hai, tăng cường tính công bằng, bình đẳng và nhân ái để mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm và cùng hưởng lợi trong sự nghiệp y tế, thứ ba, huy động được vốn và tạo điều kiện cho các cá nhân có khả năng phát triển mạng lưới y tế tư nhân ở những vùng mà ngành y tế công lập không thể hoặc không cần thiết phải vươn tới; thứ tư, mở rộng diện bảo hiểm y tế bắt buộc với đa số nhân dân, tiếp tục cấp thẻ hỗ trợ cho người nghèo, cô đơn.
- Triển khai tích cực các chương trình liên quan đến dinh dưỡng và phòng chống các bệnh do thiếu vi chất, quan tâm chăm sóc sức khoẻ người già, đồng bào các tộc ít người bản địa, các đối tượng chính sách, đối tượng đặc biệt khó khăn.
Ở Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng, nhất là ở các vùng nông thôn, việc thiếu dinh dưỡng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc thiếu ăn thuần tuý. Từ các cây trồng, vật nuôi trong vườn nhà, trên nương rẫy, có thể cung cấp một lượng dinh dưỡng khá lớn. Vấn đề quan trọng là do chưa hiểu biết đầy đủ về tác dụng và cách phối hợp các nguyên liệu rẻ tiền nhưng có giá trị dinh dưỡng cao trong khẩu phần ăn hàng ngày. Mặt khác những tập quán sinh hoạt, ăn uống với nhiều kiêng cữ thiếu cơ sở khoa học của nhiều cộng đồng, nhất là các tộc ít người, cũng làm gia tăng sự thiếu hụt vi chất, trong khi chúng rất thừa thãi quanh ta. Vì vậy, bên cạnh các chiến dịch tăng cường vi chất, dinh dưỡng bằng cách cấp phát thuốc, nên tổ chức các mô hình định cư và tổ chức cuộc sống sao cho có thể tận dụng tốt nhất những điều kiện tự nhiên xung quanh để đảm bảo khẩu phần ăn đủ chất. Cần lồng ghép các chương trình dinh dưỡng với chương trình dân số - KHHGĐ, để nâng cao hiểu biết về sức khoẻ sinh sản, kiến thức chăm sóc trẻ của các bậc cha mẹ.
Đẩy mạnh hoạt động nha học đường và tăng cường khám chữa răng, miệng cho nhân dân.
- Đầu tư nghiên cứu về hệ gen và các tập tục hôn nhân nội tộc trong các tộc ít người, dân số quá ít, trên cơ sở đó có những biện pháp khoa học nhằm khuyến cáo, ngăn ngừa, thậm chí có thể phải cấm kết hôn, để tránh hôn nhân cận huyết và các bệnh tật về gen, tránh suy giảm hệ gen. Kết hợp với các tác động của dinh dưỡng, vận động, làm cho "giống nòi ngày càng tốt hơn" như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4.
3.2.2.2. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc.
Việc xác lập và thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội có một vai trò rất lớn đối với sự phát triển của các cộng đồng dân cư. Bởi vì, các chính sách xã hội là những chính sách tác động trực tiếp nhất tới các cộng đồng dân cư cụ thể, đồng thời nó còn thể hiện bản chất và tính chất của Nhà nước - tổ chức đại diện và lãnh đạo cộng đồng. Nước ta là một quốc gia đa tộc người, từng bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng, sự chênh lệch về mức độ phát triển do khác biệt về địa hình khá lớn. Cho nên các chính sách xã hội và sự kết hợp với các chính sách khác, nếu được xác lập và thực thi tốt sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, bất cập nói trên, góp phần tạo lập sự bình đẳng về cơ hội và hưởng thụ trong phát triển.
Lâm Đồng là một tỉnh vốn đang tụt hậu so với nhiều địa phương có điều kiện thuận lợi trong nước, đồng thời trong nội bộ dân cư đang chứa đựng những thách thức, bất cập về mặt xã hội khá đặc thù. Từ thực tế, trong khuôn khổ các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, việc thực thi các chính sách xã hội ở Lâm Đồng cần tập trung vào một số hướng cụ thể là:
* Thực thi có hiệu quả các chính sách dân tộc, có những biện pháp thích hợp cho từng vùng, từng tộc người, đảm bảo trên thực tế quyền bình đẳng và phát huy tốt sức mạnh của toàn thể cộng đồng, hướng tới sự tiến bộ chung.
Như trên đã trình bày, các tộc ít người ở Lâm Đồng bao gồm một số là cư dân bản địa và một số từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tới. Đa số họ cư trú ở những vùng sâu, vùng khó khăn, trình độ phát triển thấp. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành nhiều chính sách, thực thi nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và thành tựu đạt được là rất to lớn. Tuy nhiên, phải khách quan mà nhìn nhận rằng, ngay cả với những chính sách đạt hiệu quả cao vẫn có dáng dấp của một sự nâng đỡ bằng ngoại lực, thiếu bền vững và chưa phát huy được mấy nội lực trong mỗi tộc người, nhất là với vùng sâu, vùng xa. Bằng chứng là tỷ lệ đói nghèo ở các tộc ít người còn cao, số người chối bỏ cuộc sống định canh định cư ổn định để tái du canh, du cư, phá rừng làm rẫy còn khá đông. Nguyên nhân của vấn đề, nếu không kể đến sự kém hiệu quả của các chương trình kinh tế, thì một phần rất quan trọng nằm trong việc triển khai các chính sách dân tộc. Việc cấp phát thường xuyên 6 mặt hàng cơ bản, việc trợ cấp bằng tiền thông qua các chương trình xoá đói giảm nghèo và các chương trình phát triển miền núi đã tạo ra một sức ỳ rất lớn trong đa số người dân cái tộc ít người bản địa ở Lâm Đồng. Trong khi đó, các tộc ít người từ Bắc mới di cư tới, còn gặp nhiều khó khăn, lại không nhận được nhiều nguồn hỗ trơ như các tộc bản địa, buộc họ phải phá rừng làm rẫy, làm gia tăng lực lượng du canh du cư. Ngay với chủ trương mỗi hộ dân tộc phải có ít nhất 2 ha đất canh tác, hoặc việc ưu tiên không xử lý theo luật những hộ dân tộc phá rừng làm rẫy (tất nhiên là ở mức dưới 2ha), đã tạo ra sự lợi dụng để chiếm đất trái phép rồi lại bán đi với giá rẻ. Trong thời gian tới để vận hành các chính sách phát triển vùng dân tộc cần hướng vào các mục tiêu cơ bản là:
- Chủ yếu đầu tư nhằm cung cấp các dịch vụ công cộng như: hệ thống đường giao thông, nước sạch, điện, thuỷ lợi, chăm sóc sức khoẻ...
- Gắn kết với chính sách xã hội với các chương trình kinh tế, nhất là quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm
phát huy và giữ gìn các tập quán sinh hoạt của từng cộng đồng, tộc người trên cơ sở có sự tăng trưởng về kinh tế. Dù là chính sách hỗ trợ phát triển cũng cần tránh lối ban ơn, cần chú trọng phương châm "cho cần câu hơn là cho con cá".
- Gắn chính sách xã hội với quy hoạch dân cư theo hướng bảo lưu các giá trị tích cực của cơ cấu phương thức quản lý xã hội truyền thống của các tộc người.
* Quy hoạch, ổn định cộng đồng dân cư, tăng cường xoá đói giảm nghèo.
Tổ chức định cư, ổn định đời sống là một trong những vấn đề lớn đang đặt ra cho sự phát triển dân cư ở Lâm Đồng, mà ở đây sự tác động của các biện pháp quản lý trở nên cần thiết hơn bất cứ lĩnh vực xã hội nào. Số di dân như đã trình bày ở chương 2, chỉ trong vòng 20 năm qua đã chiếm hơn 50% dân số của tỉnh hiện nay, 2/3 trong số đó là di dân tự do. Các khu định cư của những đối tượng này phần lớn được hình thành tự phát, nhằm thoả mãn nhu cầu sống tức thời và khai thác các điều kiện thuận lợi trước mắt. Cùng với tình trạng du canh du cư của một bộ phận dân tộc bản địa, đã làm tăng tính thiếu ổn định trong việc hình thành các quần cư bền vững trong đa số dân cư. Nếu theo triết lý dân gian "có an cư thì mới lạc nghiệp", tình trạng trên tất kéo theo một hệ quả là khó chấm dứt được tình trạng đói nghèo và làm xuất hiện nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Vì vậy để giải quyết vấn đề trong thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp sau:
+ Trên cơ sở các định hướng chung về phát triển kinh tế - xã hội hình thành cho được một quy hoạch chiến lược về các khu dân cư theo hướng phát triển bền vững. Những biện pháp cụ thể được xác định là:
- Đẩy mạnh công tác định canh, định cư đối với bộ phận còn du canh du cư. Phương thức có hiệu quả nhất là định canh trước, định cư sau, gắn định canh với giao đất, giao rừng, lập vườn hộ. Nhà nước có thể
hỗ trợ ban đầu bằng các công trình hạ tầng giao thông, thiết kế kỹ thuật, thiết kế mô hình canh tác... Đối với những hộ đã định cư nhưng còn du canh, thì bên cạnh việc đầu tư kết hợp hạ tầng, cần hỗ trợ chuyển đổi phương thức canh tác, phát triển nghề phụ để tăng thu nhập, ổn định đời sống. Có thể đưa những lao động trong độ tuổi của các hộ này vào làm công nhân ở các nông, lâm trường, xí nghiệp khai thác lâm, khoáng sản, hoặc giao khoán đất của nông, lâm trường cho các hộ dân tộc chưa hoàn toàn định canh, định cư.
- Quy hoạch, bố trí tái định cư cho các hộ ở vùng sai với quy hoạch tổng thể, lấn chiếm đất rừng, đất công, hoặc vùng thường xuyên bị thiên tai tàn phá. Cụ thể, với các hộ ở vùng trũng của hai huyện Đatẻh, Cát Tiên, các vùng ven sông Đồng Nai cần đưa lên vùng đồi cao; với các hộ di cư tự do ở trong rừng sâu cần biện pháp cưỡng chế tới định cư tại các vùng quy hoạch.
- Ổn định các khu kinh tế mới còn đất. Có chính sách điều tiết lại đất đai ở các vùng này một cách hợp lý, góp phần ổn định đời sống cho dân mới định cư. Chuẩn bị kết cấu hạ tầng để lập thêm những khu kinh tế mới tại 3 huyện còn nhiều đất trống, đồi núi trọc là: Bảo Lâm, Lâm hà và Lạc Dương, trong đó chủ yếu đưa vào vùng Dam Rông