Quan hệ của dân cư với phương thức sản xuất

Một phần của tài liệu Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 47)

Phương thức sản xuất là cách thức mà con người tiến hành sản xuất vật chất ở những thời đại lịch sử nhất định. Tùy vào hoàn cảnh tự nhiên nơi con người cư trú và nhu cầu cần thiết cho sự tồn tại, phát triển của cộng đồng, với một số lượng dân cư nào đó, mà con người tiến hành sản xuất. Mác- Ăngghen đã viết: "Phương thức mà con người sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho mình, phụ thuộc trước hết vào tính chất của những tư liệu sinh hoạt mà con người thấy có sẵn và phải tái sản xuất ra... Sự sản xuất ấy bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên cùng với sự tăng thêm của dân số. Bản thân sự sản xuất ấy lại có tiền đề là sự giao tiếp giữa những cá nhân với nhau"[57, tr.30]. Những hành vi lịch sử đầu tiên tạo ra lịch sử của loài người bao gồm ba mặt tồn tại đồng thời với nhau, đó là: sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn nhu cầu sống, sản sinh ra những nhu cầu mới và sản sinh ra những người khác. Ba mặt trên xuất hiện từ khi xã hội loài người xuất hiện và vẫn thường xuyên biểu hiện ra trong lịch sử. Và nó "biểu hiện ngay ra là một quan hệ song trùng: một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ xã hội, quan hệ xã hội với ý nghĩa đó là sự hợp tác của nhiều cá nhân ... " [57,tr.42], tức là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Như vậy, xuất phát từ nhu cầu tồn tại, phát triển của cộng đồng và do giới hạn của hoàn cảnh địa lý - điều kiện tự nhiên mà con người có được một cách thức sản xuất cụ thể. Đồng thời, một bộ phận trong dân cư - những con người sản xuất, luôn trực tiếp tham gia cấu thành lực lượng sản xuất. Trình độ sản xuất càng thấp thì vai trò quyết định của con người càng lớn, do vậy, dân cư đã quyết định sự ra đời của phương thức sản xuất. Song càng về sau phương thức sản xuất càng trở thành yếu tố khách quan, có tính toàn xã hội, quay trở lại chi phối sự phát triển của các cộng đồng dân cư cụ thể, cũng như toàn xã hội. Trong khi tập trung làm rõ vai trò của phương thức sản xuất, triết học mácxít không hề xem nhẹ các yếu tố khác của tồn tại xã hội; nhất là với yếu tố dân cư, C. Mác đã viết: "Dĩ nhiên là về phía nó, dưới hình thái phiến diện của nó, cả sản xuất cũng do các

yếu tố khác quyết định: ví dụ, khi thị trường, nghĩa là lĩnh vực trao đổi, mở rộng ra thì quy mô sản xuất cũng tăng lên và sự phân công trong sản xuất cũng biến đổi theo, ví dụ như khi có sự tích tụ tư bản, hay khi dân số ở thành thị và ở nông thôn được phân bố khác đi, ... Cuối cùng những nhu cầu của tiêu dùng quyết định sản xuất. Giữa các yếu tố khác nhau có sự tác động lẫn nhau. Điều đó thường xảy ra trong bất kỳ một tổng thể hữu cơ nào" [60,tr.876].

Ở thời kỳ đầu của lịch sử, do trình độ sản xuất còn thấp, con người còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nên dân cư thường giới hạn nhu cầu của mình ở mức thấp, giới hạn quan hệ xã hội trong các cộng đồng nhỏ hẹp. Chính trong các cộng đồng ấy, từ những "thiên tính bẩm sinh" và giới tính của các thành viên, đã xuất hiện những hình thức phân công lao động đầu tiên. Cũng thông qua sự phân công lao động một cách tự nhiên đó mà các cộng đồng cụ thể được hình thành, củng cố, rồi đến lượt nó, nó lại quyết định sự ra đời của chế độ sở hữu đầu tiên, mặt cơ bản của quan hệ sản xuất mới, đồng thời cũng quyết định hình thức phân công lao động mới. Mác-Ăngghen đã nhận xét: "Sự phân công lao động ấy, - nó chứa đựng tất cả những mâu thuẫn ... và đến lượt nó, lại dựa vào sự phân công lao động nảy sinh một cách tự nhiên trong gia đình và vào sự phân chia xã hội thành những gia đình riêng rẽ đối lập nhau, đồng thời cũng bao hàm sự phân phối lao động và sản phẩm của lao động; một sự phân phối thật ra là không đồng đều cả về mặt số lượng lẫn chất lượng; vì vậy nó cũng bao hàm sở hữu, mà mầm mống và hình thái đầu tiên nằm trong gia đình, trong đó vợ và con cái là nô lệ của người đàn ông. Chiếm hữu nô lệ trong gia đình - đành rằng còn rất thô sơ và được che đậy - là hình thức sở hữu đầu tiên" [57,tr.46]. Sự chi phối này tồn tại trong những phương thức sản xuất có chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Mặt khác, cũng từ sự phân công đó mà các loại hình lao động được hình thành, đồng thời trình độ thành thạo của người sản xuất

được tích lũy, bồi đắp qua nhiều thế hệ. Do vậy, dân cư còn là nơi cung cấp cho quá trình sản xuất xã hội nguồn nhân lực, bộ phận quan trọng có tầm quyết định của lực lượng sản xuất. Nguồn nhân lực chính là lực lượng lao động với các phẩm chất, năng lực cần thiết, phù hợp với các yêu cầu của sản xuất mà mỗi cộng đồng dân cư cần và có để kết hợp và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ... để sản xuất ra của cải vật chất. Căn cứ vào các chỉ số về số lượng và chất lượng dân cư để xem xét khả năng cung cấp nguồn lao động cho quá trình sản xuất xã hội của một cộng đồng, một quốc gia cụ thể. Tùy theo từng giai đoạn phát triển các mặt của dân cư mà một dân tộc, một quốc gia nào đó được coi là thuận lợi hay không thuận lợi trong việc duy trì, cung cấp nguồn lao động nói trên. Việc cung ứng này xuất phát từ yêu cầu tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng dân cư, đồng thời lại góp phần quyết định hình thức, quy mô, số lượng và chất lượng của chính các cộng đồng đó. Khi trình độ công cụ sản xuất còn kém phát triển, yêu cầu về nguồn nhân lực thể hiện ra chủ yếu về số lượng, còn về chất lượng chỉ là sức lực cơ bắp và một trình độ thành thạo của tay nghề ở mức trung bình, với những bí quyết nghiệp được giữ kín và truyền từ đời này sang đời khác. Từ đó đã hình thành nên những làng nghề, những phường hội thủ công. Do yêu cầu về số lượng ngày càng cao nên dân số tăng rất nhanh. Sự sản xuất ra con người được coi như là nguồn cơ bản để đẩy mạnh sản xuất vật chất. Khi dân số quá đông buộc con người phải ra đi khai khẩn các vùng đất mới, đi tìm những tài nguyên mới, do đó đã thúc đẩy kỹ thuật phát triển mạnh hơn, đa dạng hơn. Và do đó, đã thúc đẩy sự phát triển về chất của yếu tố dân cư, trước hết là các tri thức khoa học và trình độ tinh xảo nghề nghiệp cao hơn, nhưng không còn đóng kín như trước. Điều đó tạo ra sự xáo trộn trong phân bố dân cư giữa các vùng, miền, các ngành nghề khác nhau của mỗi quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn thế giới. Sau đó, sự biến động này lại quay trở lại chi phối sự phát triển của sản xuất. Vì thế, khi phân tích sự phát triển

của CNTB ở Nga, Lênin từng chỉ rõ: "Quy luật nhân khẩu công nghiệp (tức là dân số phi nông nghiệp) tăng nhanh hơn nhân khẩu nông nghiệp và ngày càng thu hút nhiều người từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp chế biến, là quy luật chi phối mọi nền kinh tế hàng hóa đang phát triển, nhất là kinh tế tư bản chủ nghĩa" [51,tr.57]. Đồng thời, chính sự xáo trộn của dân cư đó đã tạo thành cơ sở, thành tiền đề cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển; như Lênin kết luận: "Tầng lớp nông dân cũ không phải chỉ có "phân giải" mà thôi, nó đang hoàn toàn tan rã, không còn tồn tại nữa, bị lấn át bởi những loại hình hoàn toàn mới của dân cư nông thôn, những loại dân cư này tạo thành cơ sở cho một xã hội trong đó kinh tế hàng hóa và sản xuất TBCN chiếm địa vị thống trị" [51,tr.172]. Trên thực tế luôn tồn tại mâu thuẫn giữa một bên là khả năng cung ứng nguồn nhân lực với yêu câù của sự phát triển sản xuất ở từng giai đoạn phát triển của mỗi cộng đồng dân cư. Sản xuất thì không ngừng phát triển và ngày càng đòi hỏi một đội ngũ những người lao động có trình độ chuyên môn cao hơn, trong khi dân số không thể tăng mãi mà luôn cần có một kế hoạch kiểm soát và điều tiết nào đó. Ở những vùng, những quốc gia phát triển, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự điều tiết tích cực theo hướng giảm sinh, nên dân số tăng ít dần, dẫn tới thiết hụt nguồn nhân lực. Ngược lại, ở những nước kém phát triển, do dựa trên nền tảng của các biện pháp kế hoạch tự nhiên, sản xuất nhỏ, nên dân số gia tăng rất cao, lao động dư thừa, nhưng chất lượng thấp. Mâu thuẫn này dẫn tới việc làm chậm lại sự phát triển của sản xuất ở một quốc gia, khu vực nào đó, kéo theo nhiều hệ quả xã hội tiêu cực khác.

Trong mọi xã hội, dân cư còn là chủ thể của tiêu dùng. Do giới hạn của hoàn cảnh địa lý - điều kiện tự nhiên, mỗi cộng đồng dân cư luôn có các nhu cầu và cách thỏa mãn khác nhau. Song chính các nhu cầu của con người trong dân cư đã thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của sản xuất. Ban đầu, các nhu cầu sống còn đã buộc con người phải sản xuất, khi nhu cầu được thỏa

mãn lại làm nảy sinh các nhu cầu mới, các nhu cầu mới này lại đòi hỏi phải thỏa mãn, tùy vào điều kiện tự nhiên nơi họ sống. Ph. Ăngghen viết: "Sự di chuyển từ chỗ ở đầu tiên có một khí hậu thường xuyên đàn áp, đến những vùng lạnh lẽo mà hàng năm có mùa đông và mùa hè, đã tạo ra những nhu cầu mới, nhu cầu về nhà ở, về quần áo che thân những khi giá rét và ẩm thấp, do đó, đã mở đường cho những ngành lao động mới ..." [61,tr.650]. Nhu cầu tiêu dùng ở các cộng đồng dân cư, các tầng lớp khác nhau trong một cộng đồng thường không thống nhất nhau, nó phụ thuộc vào thu nhập, vào tập quán, thói quen của từng tầng lớp, từng cộng đồng trong từng giai đoạn phát triển nhất định. Nhưng tính đa dạng của nhu cầu tiêu dùng đã quy định tính đa dạng của sản xuất, góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất phát triển. Khi phân tích vai trò của nhu cầu trong việc phát triển và mở rộng sự phân công lao động xã hội, Mác - Ănghen đã kết luận:" Sự mở rộng của phân công lao động tiếp theo đó là sự tách rời giữa sản xuất với thương nghiệp ... một khả năng mà sự thực hiện là tuỳ thuộc vào những phương tiện giao thông hiện có ... và còn phụ thuộc vào sự phát triển nhiều hay ít của những nhu cầu của địa phương mà sự giao tiếp có thể với tới được, sự phát triển nhiều hay ít này của các nhu cầu là do trình độ văn hoá tương ứng quyết định " [57,tr.76]. Do vậy, sự kém phát triển về nhu cầu tiêu dùng, hoặc sự khép kín của một cộng đồng, một quốc gia nào đó sẽ là một trở lực đáng kể, thậm chí có thể chặn đứng việc phát triển và mở rộng sản xuất trong một thời gian nhất định. Điều đó đã diễn ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới trong thời kỳ của các phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ và phong kiến. Với phương thức sản xuất TBCN, điều đó vẫn còn xảy ra nhưng ở mức yếu hơn và chủ nghĩa tư bản đã nhanh chóng chiến thắng nó bằng cách tấn công vào và làm phân hoá các cộng đồng bảo thủ nhất để phát triển. Sau khi bị phân hoá mỗi cộng đồng lại có những vai trò riêng của mình. V.I. Lênin đã kết luận : "sự phân hoá của nông dân tạo ra thị trường trong nước cho CNTB. Trong loại hộ lớp

dưới, đó là thị trường tiêu thụ những vật phẩm tiêu dùng (thị trường tiêu dùng cá nhân). So với trung nông thì vô sản nông thôn tiêu dùng ít hơn, vả lại tiêu dùng những sản phẩm chất lượng kém (dùng khoai tây thay thế cho bánh mỳ...) nhưng họ lại mua nhiều hơn. Sự hình thành và phát triển của giai cấp tư sản nông dân tạo ra thị trường bằng hai cách: một là, và chủ yếu là, cho những tư liệu sản xuất (thị trường tiêu dùng sản xuất)...Hai là, ở đây thị trường cũng được tạo ra cho tiêu dùng cá nhân, vì những nông dân khá giả hơn ngày càng có nhiều nhu cầu hơn" [51,tr.179]. Và "nông nghiệp càng đi vào lưu thông hàng hoá thì dân cư nông thôn lại càng đòi hỏi những sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, cần thiết cho sự tiêu dùng cá nhân của họ" [51,tr.312].

Tuy nhiên, việc sản xuất xã hội có đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của dân cư hay không, hoặc đáp ứng đến mức nào, lại không phụ thuộc trực tiếp vào các nhu cầu của toàn thể cộng đồng dân cư. Từ khi có chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nhất là trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, việc đáp ứng và mức độ đáp ứng các nhu cầu, và do đó góp phần tạo ra các nhu cầu mới, lại phụ thuộc chủ yếu vào lợi ích của giai cấp chiếm hữu tư liệu sản xuất trong dân cư. Điều đó đã tạo ra những mâu thuẫn trong việc thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của các cộng đồng dân cư, đồng thời nó đẩy một bộ phận dân cư nào đó tới thế bị động trong tiêu dùng, thậm chí không được thoả mãn những nhu cầu tối thiểu nhất. Trong hiện thực của chế độ tư hữu luôn tồn tại tình trạng nghèo đói ở một bộ phận, một cộng đồng dân cư nhất định. Trong khi ở phía đối lập, ở những bộ phận nắm giữ tư liệu sản xuất, thống trị xã hội, lại có những xu hướng tiêu dùng quá mức. Mặc dù vậy, trong giới hạn của sự tác động qua lại giữa các yếu tố của tồn tại xã hội, yếu tố dân cư vẫn luôn luôn phát triển cùng với sự phát triển của sản xuất. Sự phát triển này thường bắt đầu từ những người tham gia cấu thành lực lượng sản xuất, rồi sau mới mở rộng ra toàn thể cộng đồng. Vì vậy, khi đánh giá những ảnh hưởng tích cực của phương thức sản xuất TBCN, V.I. Lênin đã

viết: "Sự phát triển kinh tế bằng cách nhảy vọt, sự chuyển biến mau chóng của các phương thức sản xuất và tập trung rất lớn của sản xuất đó, sự tiêu diệt hết thảy mọi hình thái lệ thuộc cá nhân và những quan hệ gia trưởng, sự lưu động của dân cư, ảnh hưởng của các trung tâm công nghiệp lớn ..v.v. - tất cả những điều ấy không thể không dẫn đến một sự thay đổi sâu sắc trong chính ngay tính chất của những người sản xuất " [51,tr.608]. Thật vậy, nhờ tiếp xúc hàng ngày với công nghệ sản xuất mới, trình độ văn hoá nói chung của người sản xuất dần dần được nâng cao, lối sống mới được hình thành. Từ đó tạo ra tiền đề để khắc phục những thói quen, tập quán, tâm lý cũ, vốn là những lực cản không nhỏ trong quá trình phát triển của dân cư. Những tiến bộ đó cũng được đem vào đời sống cộng đồng, do đó mà được truyền lại cho các thế hệ sau, làm thành những truyền thống mới.

Tóm lại, trong mối quan hệ qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau giữa ba yếu tố của tồn tại xã hội, dân cư là một yếu tố có vị trí và vai trò đặc biệt của nó.

Một phần của tài liệu Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)