Hoạt động kinh tế Phương thức sản xuất:

Một phần của tài liệu Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 84)

Việc phân tích các đặc điểm hoạt động kinh tế sẽ giúp khái quát được vai trò của dân cư và trình độ phát triển của sản xuất ở tỉnh Lâm Đồng. Do giới hạn về phạm vi và mức độ nghiên cứu, ở đây luận án chủ yếu xem xét các hoạt động kinh tế từ sau ngày lập tỉnh (từ 1976) đến nay và thông qua cơ cấu ngành kinh tế để đánh giá khái quát về qui mô, trình độ phát triển của năng lực sản xuất, của tiềm lực kinh tế ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn hiện nay.

2.1.2.1. Về lực lượng sản xuất.

Ở đây chúng tôi chỉ tập trung đánh giá khái quát về tính chất, trình độ phát triển của tư liệu sản xuất chủ yếu. Về yếu tố con người sẽ bàn đến trong phần nói về thực trạng của dân cư Lâm Đồng hiện nay, ở tiết 2.2.

Trồng trọt: Tổng diện tích đất nông nghiệp đã được sử dụng của Lâm Đồng là 193.410 ha, trong đó đất trồng cây lâu năm là 114.296 ha, trồng cây hàng năm là 74.076 ha, cùng với 1.194 ha mặt nước ao hồ có thể nuôi trồng thuỷ sản. Cho đến nay, trồng trọt ở Lâm Đồng đã hình thành 4 vùng chuyên canh lớn là:

- Vùng chuyên canh cây lương thực - thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày gồm các huyện: Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà. Đây là vùng trồng cây lương thực lớn, trong đó diện tích cây ngô chiếm gần 80% diện tích trồng ngô toàn tỉnh. Riêng diện tích trồng rau chiếm 61%, ngoài ra trong 10 năm lại đây đang phát triển mạnh diện tích cà phê và dâu tằm.

- Vùng chuyên canh cây lương thực - thực phẩm gồm 3 huyện phía Nam là Dạhuoai - Đatẻh - Cát Tiên. Hiện là vùng trồng lúa nước lớn nhất, chiếm 42,84% diện tích lúa nước cả tỉnh và đang được xác định là vùng trọng điểm lúa của tỉnh.

- Vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày gồm các huyện: Bảo Lâm - Di Linh và thị xã Bảo Lộc. Đây là vùng có truyền thống trồng các cây công nghiệp dài ngày chủ lực như: chè, cà phê và dâu tằm. Tính đến năm 1998 toàn vùng đã trồng được 16.233 ha chè, 45.997 ha cà phê và 1.019 ha dâu tằm, chiếm các tỷ lệ tương ứng là 94,4%, 58,4% và 25,1% diện tích các loại cây này trên toàn tỉnh.

- Vùng chuyên canh rau - hoa Đà Lạt: là vùng có truyền thống nhiều năm canh tác các loại rau, hoa đặc sản,có khả năng phục vụ xuất khẩu với qui mô lớn. Hiện đã có nhiều đối tác nước ngoài đến liên doanh trồng, chế biến rau hoa để xuất khẩu, thu nhiều ngoại tệ.

Chăn nuôi : Từ năm 1986, tỉnh đã cố gắng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, đưa chăn nuôi lên thành ngành kinh tế chính. Lâm Đồng có tới 3.000 ha đồng cỏ thích hợp để chăn nuôi đại

gia sức như trâu bò, nhất là bò sữa. Ngoài ra, nhờ khí hậu ôn hoà, Lâm Đồng còn là vùng chăn nuôi tằm, nuôi lợn và gia cầm khá lý tưởng. Tuy nhiên, do không giải quyết được đầu ra cho sản xuất, tỷ trọng chăn nuôi trong vòng vài năm gần đây có xu hướng giảm mạnh so với những năm đầu thập niên 90. Về nghề nuôi cá nước ngọt còn thiếu đầu tư kỹ thuật, người dân còn nuôi theo hướng quảng canh, năng suất thấp.

Các công cụ cơ khí như máy cày, máy tưới, ươm tơ … được trang bị tương đối đủ, với công suất nhỏ và vừa.

+ Tư liệu sản xuất trong lâm nghiệp :

Rừng và kinh tế rừng là một thế mạnh đặc biệt của Lâm Đồng. Cho đến giữa thế kỷ XX diện tích rừng vẫn còn che phủ phần lớn đất đai Lâm Đồng, góp phần nuôi sống các cư dân bản địa ở đây và giữ nước cung cấp cho các con sông lớn về mùa khô. Trong chiến tranh chống Mỹ, do khai thác và ảnh hưởng của bom đạn, chất độc hoá học của Mỹ, diện tích rừng đã mất đi một phần. Song giai đoạn từ 1982 - 1992, do khai thác gỗ bừa bãi và lấn chiếm rừng của hàng trăm nghìn dân di cư đã làm cho diện tích rừng nhanh chóng thu hẹp lại (từ 671,157 ha năm 1982 xuống còn 564.470 ha năm 1992), diện tích rừng bị mất đi trung bình hàng năm lên đến gần 10.000ha. Từ năm 1993, nhờ chính sách khai thác rừng hợp lý của Nhà nước, nhờ sự nỗ lực khoanh nuôi bảo vệ của địa phương, tốc độ mất rừng đã giảm mạnh, chỉ còn trung bình khoảng 2.000 ha/năm. Trong khi đó từ sau ngày giải phóng đến nay, toàn tỉnh mới trồng được 25.000 ha rừng, chủ yếu là rừng thông, tỷ lệ sống đạt khoảng 60%, tức vào khoảng 15.000 ha (trongđó bao gồm cả 3.500 ha quy đổi từ số cây phân tán do nhân dân trồng). Rừng Lâm Đồng hàng năm cung cấp khoảng 100.000 m3

gỗ và hàng trăm nghìn ster củi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

+ Tư liệu sản xuất trong công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp :

Từ lâu trên đất Lâm Đồng đã tồn tại một số nghề thủ công của cư dân bản địa như: làm gốm, dệt thổ cẩm, rèn dao, rựa, làm rượu cần... với một trình độ tinh xảo nhất định, nhưng chưa có giá trị kinh tế cao, do đó chưa hình thành được những làng nghề truyền thống như trong tộc người Việt ở vùng xuôi. Sau khi người Việt đến định cư nhiều đã hình thành thêm một số nghề thủ công mới như: chế biến chè, cà phê, làm mứt, rượu vang, đan len, thêu, chạm bút lửa... chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa, đã giải quyết công ăn việc làm và thu nhập đáng kể cho nhân dân.

Về kinh tế công nghiệp, mặc dù rất giàu tài nguyên, nhưng do địa hình núi cao, lại xa các trung tâm, xa cảng, nên công nghiệp của Lâm Đồng kém phát triển, tỷ trọng cơ cấu kinh tế thấp (năm 1993 cao nhất trong 10 năm qua, chỉ đạt 14,1%). Toàn tỉnh đã hình thành được một số cụm công nghiệp tập trung như: Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh... và vào thời điểm 1998 có 27 xí nghiệp quốc doanh, 5.666 cơ sở tập thể và tư nhân. Đầu tư nước ngoài rất thấp và không ổn định (tỷ trọng vốn từ 16% năm 1996 giảm xuống còn 9% năm 1998). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp hầu như ít thay đổi với trên dưới 95% tổng giá trị nằm trong công nghiệp chế biến, mà trong đó chủ yếu là chế biến nông sản như chè, cà phê, rau, gỗ...

+ Phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, du lịch dịch vụ :

Sau ngày thành lập, tỉnh đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng như đường, hồ nước, nhà máy nước để phục vụ việc khai hoang các vùng đất mới và phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Thời kỳ này đã mở mới các tỉnh lộ 721, 722, 725 với chiều dài hàng trăm km, xây 5 hồ lớn đảm bảo tưới cho khoảng 124.000 ha cây trồng, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm nghìn hộ dân; nâng cấp và mở rộng 2 tuyến quốc lộ, nâng cấp và cải tạo 2 sân bay Liên Khương, Cam Ly. Nâng cấp đường nội ô đạt chuẩn của thành

phố loại II ở Đà Lạt, xây mới hoàn toàn thị xã Bảo Lộc. Nâng cấp và xây mới nhiều khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du lịch, đến nay đã có 1 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 3 sao, hiện trên toàn tỉnh có gần 400 cơ sở lưu trú với khoảng 5.000 phòng ngủ, đa số là của tư nhân.

Xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối điện năng đảm bảo cung cấp điện thường xuyên và khá đầy đủ cho sản xuất và sinh hoạt. Đến nay đã có 11/11 huyện, thị, thành với 80/121 xã đã có điện lưới quốc gia, tốc độ gia tăng tiêu thụ điện bình quân hàng năm từ 18 - 20%, trong đó khoảng 50% số điện năng tiêu thụ dùng cho sinh hoạt của người dân.

Hệ thống trường học được xây mới, cao tầng đã tăng nhanh: đến nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 100 lớp phải học 3 ca.

Mạng lưới y tế phát triển nhanh, gần 100% số xã, huyện có cơ sở khám chữa bệnh. Toàn tỉnh có 4 bệnh viện lớn được xây mới khang trang và trang bị hiện đại.

Hệ thống bưu điện, bưu cục đã phủ kín trên địa bàn toàn tỉnh, đường cáp điện thoại đã dẫn đến hầu hết các xã trong tỉnh. Các điểm bưu điện văn hoá xã đã được xây dựng để đưa ánh sáng văn hoá đến với người dân.

Tuy nhiên do địa bàn quá rộng, địa hình chia cắt, hệ thống điện lưới, bưu điện và giao thông nội huyện, giao thông nông thôn còn chưa hiện đại và chưa thể đầu tư phát triển đáp ứng yêu cầu của người dân.

Tiềm năng du lịch của Lâm Đồng rất lớn, đa dạng về loại hình. Là một tỉnh miền núi cao, núi rừng trùng điệp, lắm hồ, thác tự nhiên lại có thành phố với rừng thông thuần che phủ, có khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm, Đà Lạt sớm được người Pháp chú ý xây dựng trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng có tầm cỡ quốc tế. Từ sau ngày giải phóng, tỉnh Lâm Đồng đã rất chú trọng phát triển cơ sở - kết cấu hạ tầng cho ngành du lịch nhằm thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hệ thống khách sạn được xây mới

và hiện đại hoá, các thắng cảnh, khu tham quan được tôn tạo, mở mới nhiều loại hình du lịch, như du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Hàng năm Đà Lạt đón khoảng 700 - 800 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 10% khách quốc tế. Doanh thu từ ngành dịch vụ du lịch là một đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, tổng lượng khách và số ngày lưu trú bình quân trên đầu khách hiện còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng tự nhiên của Lâm Đồng và ngày càng có xu hướng giảm. Đây là một hạn chế có nhiều nguyên nhân, nhưng là một thực tế đáng quan tâm trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở Lâm Đồng.

2.1.2.2. Về quan hệ sản xuất.

+ Chế độ sở hữu : Là một tỉnh mới được khai phá, lại là địa bàn kinh tế mới, dân tộc nên từ ngày thành lập đến nay chế độ sở hữu ở Lâm Đồng tương đối thống nhất với chế độ sở hữu chung của cả nước qua các thời kỳ. Nhà nước là chủ sở hữu chính với các tài nguyên như đất, rừng, khoáng sản; các doanh nghiệp công ích, đa số các trường học, bệnh viện, kết cấu hạ tầng kỹ thuật; nông lâm trường quốc doanh … Từ năm 1986 đến nay, hình thức sở hữu tập thể hầu như không tồn tại. Sở hữu tư nhân với quy mô nhỏ, manh mún chiếm đa số, nhất là trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch.

+ Về quản lý và tổ chức sản xuất:

- Trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch dịch vụ, kinh tế cá thể dân doanh chiếm tỷ trọng lớn, sản xuất cá thể là chính. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Trên lĩnh vực lâm nghiệp :

Từ năm 1995, theo quyết định số 307/LN-QĐ ngày 12-5-1995 Bộ Lâm nghiệp đã chuyển giao việc quản lý rừng và đất rừng cho tỉnh Lâm Đồng với quy hoạch chi tiết. Sau khi kiểm kê phân loại rừng và đất rừng năm 1997, tổng diện tích đất lâm nghiệp của Lâm Đồng là 676.320 ha, trong đó 583,628

ha có rừng và 92.608 ha chưa có rừng. Rừng được chia thành 3 loại gồm: 249.473 ha rừng phòng hộ, 121.204 ha rừng đặc dụng và 305.559 ha rừng sản xuất. Từ năm 1994, công tác xã hội hoá nghề rừng đã được đẩy mạnh theo hướng giao đất, giao rừng cho các tập thể, hộ cá thể; Nông - lâm liên hợp, đảm bảo rừng có chủ, cùng với chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo Nghị định 327/CP, đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nghề rừng, góp phần làm tăng vốn rừng, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân, nhất là đồng bào các tộc ít người ở vùng sâu. Từ đó tạo thêm cơ sở cho công tác định canh, định cư các tộc ít người thêm vững chắc.

+ Về phân phối và kinh tế thương mại ngân hàng :

Từ ngày thành lập cho đến 1985, dưới sự quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu, hoạt động thương mại chủ yếu theo cơ chế cấp phát và giao nộp, nên ít phát triển. Tuy vậy, bên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành được một hệ thống thương nghiệp bán buôn và bán lẻ góp phần phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Từ 1986 đến nay, cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, thương mại Lâm Đồng đã hoàn toàn chuyển sang cơ chế hạch toán, trên cơ sở quan hệ hàng hoá - tiền tệ, hướng mạnh vào phục vụ xuất khẩu, tăng cường khai thác thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời tích cực vươn tới các vùng sâu, vùng xa để góp phần bình ổn giá cả, tăng khả năng lưu thông hàng hoá, nâng cao mức sống cho nhân dân trong tỉnh. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại lớn được xây dựng ở hầu khắp các huyện, thị, thành trong tỉnh. Cùng với việc phát triển chợ nông thôn, đã góp phần hình thành một mạng lưới thương mại rộng khắp và đa dạng, đáp ứng yêu cầu mua và bán của nhân dân và các thành phần kinh tế.

Đồng thời với việc thành lập tỉnh Lâm Đồng, ngành tài chính - ngân hàng cũng được thành lập để đảm nhận chức năng thu, chi, cấp phát ngân

sách của Trung ương và địa phương, phục vụ đời sống xã hội. Trong một thời gian dài, từ 1976 - 1986, hệ thống ngân hàng hoạt động theo mô hình một cấp, vừa đảm nhận chức năng quản lý, thu, chi, vừa kinh doanh tiền tệ. Từ năm 1987 đến nay, trong toàn tỉnh thực hiện hệ thống ngân hàng 2 cấp bao gồm: Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và các chi nhánh ngân hàng thương mại. Hệ thống tài chính tín dụng đã thường xuyên cân đối thu chi, cân đối thanh toán, đảm bảo chu chuyển tiền vốn và góp phần ổn định kinh tế - xã hội trong tỉnh.

Tóm lại, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng quan hệ sản xuất mới đã được thiết lập, nhà nước là chủ sở hữu chính về tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản, nhưng về cơ bản mới chỉ là hình thức, chưa được hoàn thiện đầy đủ các mặt, kinh tế cá thể còn chiếm đại đa số. Về lực lượng sản xuất: trình độ, năng lực sản xuất, trình độ thành thạo tay nghề của người lao động còn nhiều hạn chế ; quy mô sản xuất nhỏ, lẻ phân tán, mang tính sản xuất nhỏ là chính. Có thể nói rằng, phương thức sản xuất ở Lâm Đồng còn ở mức khá thấp so với nhiều địa phương khác trong cả nước và chứa nhiều mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất với sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Một phần của tài liệu Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 84)