Đói nghèo, bệnh tật và sự biến động tiêu cực của cộng đồng dân cư trong xã hội hiện đại

Một phần của tài liệu Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 63)

1.3.2.1. Đói nghèo, bệnh dịch, thoái hoá giống nòi với một bộ phận dân cư.

Đói thường được hiểu là tình trạng kém dinh dưỡng do không được cung cấp đầy đủ. Nghèo là sự thiếu hụt việc cung ứng các nhu cầu tối thiểu cho hoạt động sống, nghèo là nguyên nhân dẫn đến đói. Theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp quốc, một quốc gia được coi là nghèo khi có thu nhập bình quân đầu người dưới 01 USD/ngày. Cũng theo thống kê của LHQ, hiện trên thế giới, có gần 1 tỷ người, tức là gần 1/6 dân số đang sống trong tình trạng nghèo, đói. Nguyên nhân của tình trạng nghèo đói, ngoài các nguyên nhân khách quan như thiên tai tàn phá, đất đai cằn cỗi, bạc mầu, sản xuất kém phát triển, chiến tranh liên miên, phải kể đến các nguyên nhân chủ quan, đó là trình độ dân trí thấp, dân số quá đông, các phong tục, tập quán sinh hoạt lạc hậu... Những nguyên nhân này đã có từ lâu, nhưng khi mà nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới đã phát triển ở trình độ rất cao, có cuộc sống dư thừa, thì nó càng trở nên cấp thiết và hậu quả của nó càng đẩy khoảng cách giàu, nghèo đi xa hơn. Đó là sự đói nghèo về vật chất. Trong quan niệm hiện tại, người ta còn chú ý tới sự đói nghèo về một số nhu cầu khác như thông tin, văn hoá... mặc dù chúng không bức bách gây những hậu quả tức thời như đói nghèo về vật chất. Hậu quả của nghèo đói, nhất là nghèo đói về vật chất đã trực tiếp đưa con người tới một tình trạng đáng lo ngại khác, đó là bệnh tật. Khi phân tích những tác động của hoàn cảnh sống, của sự nghèo đói do thất nghiệp và bị bóc lột ở các tầng lớp lao động Anh, Ăngghen đã đi đến kết luận: "Trong tình trạng như vậy, những người thuộc giai cấp nghèo khổ nhất ấy làm sao còn có thể khoẻ mạnh và sống lâu được. Trong tình trạng như vậy, còn có thể trông mong gì khác ngoài tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, ngoài bệnh dịch hoành hành liên miên, ngoài sự tàn lụi không ngừng trầm trọng thêm về thể lực của nhân dân lao động" [56,tr. 450].

Trong số gần 1/6 dân số thế giới đang sống trong nghèo đói, phần lớn thuộc về Châu Phi, Châu Á, và khu vực Mỹ La Tinh. Và cũng chính từ

những nơi này đã và đang bùng phát những đại dịch nghiêm trọng như: AIDS, sốt rét và các bệnh nhiệt đới... Cho tới nay đã có gần 40 triệu người nhiễm HIV, 18 triệu người đã chết vì AIDS, đa số trong họ thuộc về châu Phi và châu Á. Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có gần 100 triệu người mắc bệnh sốt rét và sốt nhiệt đới do muỗi truyền, trong đó có hai triệu người chết mỗi năm. Cả thế giới đang phải đối mặt với sự quay trở lại của nhiều dịch bệnh tưởng chừng như đã bị thanh toán hoàn toàn như bệnh lao, đậu mùa... với một thế hệ vi trùng có khả năng kháng thuốc cao, rất khó tiêu diệt. Bệnh lao tấn công cả dân cư của những nước phát triển như Anh, Pháp. Toàn thế giới có 1,9 tỷ người nhiễm lao, 80% số họ trong độ truổi lao động, riêng ở khu vực Đông Nam Á, theo hội nghị chống lao khu vực tháng 10/2000, hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm lao và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhóm nhiễm HIV, ở khu vực này. Trong số các bệnh dịch đang hoành hành, thì nguy hiểm nhất là HIV/AIDS, phần vì chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, phần vì nó thường kèm theo các bệnh đồng hành khác, rất dễ dẫn đến tử vong. Điều đáng chú ý là bệnh dịch ngày nay bùng phát và lây lan rất nhanh trong một cộng đồng và từng khu vực. Nguyên nhân chủ yếu là do dân số quá đông, sống chen chúc trong những khu ổ chuột và do các dòng di cư thường xuyên, từ nơi này dễ dàng đến nơi khác, đã làm cho mầm bệnh lây lan. Một trong những hệ quả tất yếu của sự nghèo đói, bệnh tật, đồng thời luôn là nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng đó, là sự thoái hoá giống nòi ở một số bộ phận dân cư. Những nhận xét của Ăngghen về tình cảnh giai cấp lao động ở nước Anh 150 năm trước, có lẽ vẫn còn rất xác đáng cho hiện tại của nhiều cộng đồng dân cư châu Phi, châu Á: "Tình trạng thiếu ăn nhất thời... càng làm trầm trọng thêm những hậu quả của tình trạng ăn uống kém về chất mặc dù về lượng thức ăn vẫn đủ no. Những đứa trẻ phải ăn lửng dạ chính vào lúc chúng cần được bồi dưỡng nhiều nhất thì tránh sao khỏi trở thành những người yếu đuối, mắc bệnh và còi xương" [56,tr. 455] và "cơ thể họ suy nhược,

kém sức đề kháng đối với bệnh tật và do đó lúc nào cũng có thể làm mồi cho mọi bệnh tật. Cũng vì vậy họ chóng già và chết yểu" [56,tr.459].

Thật vậy, đa số các nước châu Phi và Nam Á là những nước có tuổi thọ trung bình của dân cư thấp, tỷ lệ chết yểu rất cao. Tính chung cho toàn nhân loại, có một hiện trạng đáng chú ý là sự suy giảm khả năng miễn dịch. Do sinh sống trong những điều kiện càng ngày càng tách rời với tự nhiên, tuy con người đã nâng cao tuổi thọ trung bình của mình lên gấp 3 lần, nhưng lại làm giảm đi một nửa khả năng miễn dịch so với con người ở đầu công nguyên. Con người ngày càng dễ bị tổn thương hơn và dễ bị tử vong hơn với những tổn thương bình thường nhất. Ngoài ra, sự lạm dụng thuốc tân dược và ỷ lại vào các hoá chất độc hại cũng góp phần làm giảm khả năng miễn dịch của con người và tạo ra những thế hệ vi khuẩn mới nguy hiểm hơn. Tóm lại, đây chính là "mặt trái của tấm huân chương"cho quá trình chinh phục tự nhiên và phát triển của con người, nó thật sự không kém phần xù xì và gai góc.

1.3.2.2. Sự suy giảm vai trò và kết cấu lỏng lẻo của một số hình thức cộng đồng dân cư, tỷ lệ người già tăng cao.

* Các hình thức cộng đồng dân cư:

Theo quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen thì việc sản sinh ra sự giao tiếp là đặc trưng cơ bản của con người hiện thực và chính các hình thức giao tiếp lại quy định các hình thức cộng đồng của con người. Mác- Ăngghen đã viết: "Quan hệ thứ 3 tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển lịch sử: hàng ngày tái tạo ra đời sống bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nẩy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình. Gia đình đó lúc đầu là quan hệ xã hội duy nhất, về sau trở thành quan hệ phụ thuộc khi mà những nhu cầu đã tăng lên đẻ ra những quan hệ xã hội mới và dân số tăng lên đẻ ra những nhu cầu mới" [57,tr.41]. Và, "hình thức giao tiếp - cái mà trong tất cả các giai đoạn lịch sử từ trước đến

nay đều được quyết định bởi lực lượng sản xuất và đến lượt nó lại quyết định lực lượng sản xuất, là xã hội công dân mà tiền đề và cơ sở, như trước đây đã chỉ ra, là gia đình đơn giản và gia đình phức hợp, cái mà người ta gọi là bộ lạc " [57,tr.51]. Từ đó, nhờ sự phát triển của sản xuất, cùng với nó là sự phát triển của hình thức giao tiếp, mà dân tộc, một hình thức cộng đồng cao hơn đã ra đời và tồn tại cùng với sự tồn tại của con người hiện thực.

Tuy nhiên lịch sử luôn phát triển với những mâu thuẫn, và chính mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa các hình thức giao tiếp đã có, đã sinh ra những "cộng đồng hư ảo", những cộng đồng dường như sinh ra nhằm giảm phóng các cá nhân con người, nhưng trên thực tế, nó lại là sự trói buộc cá nhân dưới những hình thức mới, như Mác- Ăngghen đã viết: "Trong những cộng đồng giả đã tồn tại cho tới nay - trong nhà nước v.v... tự do cá nhân chỉ tồn tại đối với những cá nhân đã phát triển trong khuôn khổ của giai cấp thống trị và chỉ trong chừng mực họ là những cá nhân của giai cấp ấy. Cộng đồng hư ảo, mà cá nhân đã tập hợp lại trong đó trước đây, bao giờ cũng tồn tại độc lập với họ và vì nó là sự liên hợp của một giai cấp chống lại một giai cấp khác, cho nên đối với giai cấp bị trị, nó không những hoàn toàn hư ảo mà còn là một xiềng xích mới" [57.108]. Các ông cũng khẳng định rằng chỉ đến chủ nghĩa Cộng sản mới có được cộng đồng thực sự, cộng đồng toàn thế giới của nhân dân. Nhưng, ngay cả khi đã có hình thức mới ấy thì các hình thức cộng đồng tự nhiên như gia đình, dân tộc, vẫn tồn tại, tất nhiên là trong điều kiện đã hoàn toàn thay đổi. Song, từ nay đến đó, chúng vẫn tồn tại trong sự phát triển đầy mâu thuẫn của xã hội.

Như vậy, ta có thể thấy, từ trước tới nay, đã tồn tại các hình thức cộng đồng dân cư chủ yếu là: các cộng đồng tự nhiên gồm: gia đình, dân tộc và các cộng đồng phái sinh gồm: giai cấp, cộng đồng nhà nước... Trong đó, tuỳ theo giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử mà vai trò của từng cộng đồng được phát huy và thể hiện ra một cách khác nhau. Ví dụ, do sự phát triển của sản xuất, sự

phân hoá giai cấp diễn ra mạnh mẽ ở châu Âu, nên ngay từ khi xuất hiện, các cộng đồng giai cấp đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc liên kết các cá nhân, thậm chí còn thúc đẩy sự ra đời của một số hình thức cộng đồng khác, như dân tộc tư sản chẳng hạn. Ở châu Á, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khách quan, dân tộc được hình thành rất sớm, thì vai trò của các cộng đồng cơ bản như gia đình, dân tộc, lại phát huy ảnh hưởng lớn trong sự liên kết các cá nhân, thậm chí chi phối cả giai cấp và nhà nước. Trường hợp điển hình của xã hội Việt Nam trong lịch sử là một minh chứng, do các tác động khách quan, trên đất nước Việt Nam đã hình thành, từ rất sớm, các cộng đồng cơ bản, nối kết và chi phối lẫn nhau trong sự tồn tại và phát triển, đó là cơ cấu: gia đình - làng - Nước. Còn như ở đa số cư dân châu Phi và thổ dân châu Mỹ, thì hình thức gia đình - bộ tộc lại là thiết chế chính cho đến tận ngày nay.

Nhưng rồi chủ nghĩa tư bản trở thành một thế lực quốc tế và "giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi... Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó" [58,tr.601 - 602] và dưới sự xâm lấn, tác động ấy, nhiều hình thức cộng đồng bị thay đổi, bị biến dạng, thậm chí đã mất vai trò của nó trong sự tác động tới các cá nhân.

* Sự suy giảm vai trò và kết cấu lỏng lẻo của một số hình thức cộng đồng dân cư.

Do sự tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là lối sống tư sản, khi giai cấp tư sản xâm nhập thế giới, vai trò của một số hình thức cộng đồng dân cư đang suy giảm trên thực tế. Ở đây chỉ tập trung xem xét hai hình thức cộng đồng mang tính tự nhiên là gia đình và dân tộc.

Dưới khẩu hiệu "giải phóng triệt để cá nhân", đề cao tự do cá nhân một cách cực đoan, giai cấp tư sản thống trị ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ đã tạo ra sự đảo lộn nhiều chuẩn giá trị truyền thống trong xã hội, góp phần dẫn tới

suy giảm vai trò của hình thức cộng đồng cơ bản đầu tiên, đó là gia đình. Nếu đại công nghiệp và đô thị hoá mới chỉ làm thay đổi quy mô và chức năng của gia đình so với gia đình truyền thống, thì cái gọi là cuộc cách mạng về tình dục nổ ra ở Châu Âu đầu những năm 70 thế kỷ XX đã làm biến dạng gia đình, tạo ra nguy cơ phá vỡ nó ở các nước Tây Âu, Bắc Mỹ. Tình dục không chỉ là nhu cầu sinh lý và duy trì nòi giống tự nhiên của con người, mà nó còn là hành vi xã hội quan trọng, góp phần tạo ra nhiều giá trị gắn với gia đình. Ph. Ăngghen từng chỉ rõ: "mật độ dân số ngày càng tăng, thì những quan hệ tình dục cổ truyền mất đi tính chất ngây thơ nguyên thuỷ của nó và càng tỏ ra là nhục nhã và nặng nề đối với đàn bà, nên họ mong muốn, ngày càng nồng nhiệt, đạt được quyền được giữ trinh tiết, kết hôn nhất thời hay lâu dài với chỉ một người đàn ông, coi đó là được giải phóng... Chỉ sau khi phụ nữ đã gây ra bước chuyển sang chế độ hôn nhân cặp đôi, thì đàn ông mới có thể thực hành một cách chặt chẽ chế độ một vợ, một chồng" [65,tr 87-88]. Nhưng với "cuộc cách mạng tình dục" hiện đại, con người lại muốn đưa tình dục trở lại tính chất "cổ truyền" của nó. Và hậu quả thật đáng lo ngại, các gia đình tan vỡ nhanh chóng, trẻ con ngoài giá thú tăng cao, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức hôn nhân và gia đình lệch lạc, như hôn nhân đồng giới, hôn nhân hợp đồng... ảnh hưởng xấu đến việc duy trì nòi giống và nuôi dạy các thế hệ kế tiếp. Nhất là ngày nay, nhờ vào tiến bộ khoa học, con người đã ra đời từ ống nghiệm và có khả năng sẽ ra đời bằng sinh sản vô tính, càng làm tăng thêm nguy cơ gia đình bị phá vỡ. Trong thực tế lịch sử đã từng có những chính sách của một số quốc gia (như ở Đức thời Hít Le...), cho sinh sản hàng loạt, tách trẻ ra khỏi gia đình và tập trung vào các trại do nhà nước nuôi dậy, kết quả là đã tạo ra một lớp người vô cảm, phát triển lệch lạc về tinh thần. Sự suy giảm vai trò và kết cấu lỏng lẻo của gia đình đang có chiều hướng gia tăng ở các nước Châu Á, vốn là nơi gia đình truyền thống rất được coi trọng. Do ảnh hưởng của lối sống công nghiệp hoá, lớp trẻ càng có xu hướng lập gia đình và

tổ chức đời sống gia đình gắn với yêu cầu của công việc và đảm bảo tự do cá nhân, vì thế hình thức gia đình vi mô đang phát triển mạnh. Vì vậy, quan tâm tới gia đình không nên chỉ giới hạn ở việc kế hoạch hoá theo hướng giảm sinh, mà quan trọng hơn là phải bảo vệ gia đình cùng với các chức năng tự nhiên của nó, đảm bảo cho nó thực sự là tổ ấm của mỗi thành viên, là một tế bào của xã hội.

Cùng với sự suy giảm vai trò của gia đình là sự kém bền vững của dân tộc. Người ta thường đánh giá rằng thập niên cuối cùng của thế kỷ XX là thập niên của phong trào dân tộc, của các cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc. Nhưng có lẽ cần phải nói thêm rằng đây chính là thập niên mà dân tộc bộc lộ rõ sự suy giảm vai trò và sự lỏng lẻo về kết cấu của mình. Thực tế đang diễn ra hoàn toàn khác với phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc ở đầu thế kỷ XX. Biểu hiện rõ nhất phải kể đến sự tan rã của các quốc gia đa tộc người, vốn là kết quả của việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc, tự nguyện liên kết lại với nhau để phát triển. Thực tế đã chứng minh không phải sự độc lập làm cho mọi dân tộc đều phát triển, mà trái lại, có khi nó lại mở đầu một sự phụ thuộc mới dưới những hình thức khác nhau, đôi khi là kém tiến bộ

Một phần của tài liệu Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 63)