5.1. Đối với thất nghiệp tự nhiên
Muốn giảm bớt thất nghiệp xã hội cần phải có thêm nhiều việc làm, đa dạng hơn và có mức tiền công tốt hơn, đồng thời phải đổi mới, hoàn thiện thị trường lao động để đáp ứng kịp thời, nhanh chóng cả yêu cầu của doanh nghiệp và người lao động.
Do yêu cầu cạnh tranh mạnh mẽ của cơ chế thị trường, việc mở rộng sản xuất tạo nhiều việc làm tốt, thu nhập khá và ổn định luôn gắn liền với năng suất ngày càng cao. Ở mỗi mức
tiền công sẽ thu hút nhiều lao động hơn. Trong những điều kiện đó, cầu về lao động sẽ tăng lên và khoảng thời gian thất nghiệp cũng sẽ giảm xuống.
Để thúc đẩy quá trình này cần có những chính sách khuyến khích đầu tư, thay đổi công nghệ sản xuất. Điều này lại liên quan đến các chính sách tiền tệ (lãi suất), xuất nhập khẩu, giá cả (tư liệu lao động…), thuế thu nhập…
Ở những nước đang phát triển có lao động dư thừa nhiều, nhưng thiếu vốn, có thể tạo ra nhiều việc làm với các doanh nghiệp nhỏ (cá thể hoặc nhỏ về vốn nhưng dùng nhiều lao động) bằng sự hỗ trợ vốn của Nhà nước hoặc của tổ chức kinh tế, xã hội thông qua các “dự án việc làm”
Tăng cường và hoàn thiện các chương trình dạy nghề, đào tạo lại và tổ chức tốt thị trường lao động sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm, có thể rút ngắn được thời gian tìm việc bởi cơ cấu và trình độ của người tìm việc ngày càng sát hơn với cơ cấu kinh tế và sự đòi hỏi của doanh nghiệp
5.2. Đối với thất nghiệp chu kỳ
Thất nghiệp chu kỳ thường là một thảm hoạ vì nó xảy ra trên quy mô lớn. Tổng cầu và sản lượng suy giảm, đời sống người lao động bị thất nghiệp gặp khó khăn. Gánh nặng này thường lại dồn vào nhưng người nghèo nhất (lao động giản đơn), bất công xã hội do vậy lại tăng lên.
Các chính sách mở rộng tài chính và tiền tệ nhằm tăng tổng mức cầu sẽ dẫn đến việc phục hồi về kinh tế, giảm thất nghiệp loại này.
Câu hỏi củng cố:
Trình bày các khái niệm về thất nghiệp
Bài hướng dẫn 2:
LẠM PHÁT