Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vĩ mô ĐH Trà Vinh (Trang 53 - 54)

Chính sách tài khóa với thuế và chi tiêu của Chính phủ tác động trực tiếp đến yếu tố G hoặc gián tiếp đến tiêu dùng (C), đầu tư (I), xét cho cùng là tác động trực tiếp đến tổng cầu. Chính sách tiền tệ với các quyết định về mức cung tiền tác động trực tiếp đến thị trường tiền, qua đó, tác động trở lại đến tổng cầu (C, I, X). Cả hai chính sách đều tác động đến quy mô của tổng cầu nhưng mỗi chính sách lại gây ra sự thay đổi khác nhau về các thành phần của tổng cầu. Có thể nói việc vận dụng tốt cả hai chính sách có khả năng quản lý (kiểm soát) được tổng cầu để ổn định được thu nhập (sản lượng) ở mức dự kiến (sát với sản lượng tiềm năng). Như vậy, trên giác độ kinh tế vĩ mô cần có một mục tiêu chung cho cả hai chính sách, có những cơ quan có khả năng phối hợp điều hành. Sự thiếu phối hợp có thể triệt tiêu tác động của các chính sách và dẫn đến những mất cân đối vĩ mô trầm trọng.

Về mặt lý thuyết, có thể xây dựng thành các cặp chính sách có cùng mục tiêu.

Khi cho rằng tổng cầu ở mức quá thấp có thể dùng chính sách mở rộng tài chính và nới lỏng tiền tệ, đường IS và LM sẽ dịch chuyển xa sang bên phải, tổng cầu và sản lượng sẽ tăng mạnh.

Nếu tổng cầu ở mức quá cao, có thể dùng chính sách tài chính thắt chặt và tiền tệ chặt để giảm mạnh tổng cầu.

Khi tổng cầu ở mức vừa phải, sản lượng tương đối ổn định ở mức dự kiến, có thể sử dụng hỗn hợp tài chính chặt chẽ - tiền tệ nới lỏng hoặc tài chính mở rộng - tiền tệ chặt chẽ để làm biến đổi thành phần của tổng cầu. Với hỗn hợp tài chính chặt chẽ và tiền tệ nới lỏng vừa đủ để tổng cầu không thay đổi, nhưng tiêu dùng và đầu tư tăng lên, chi tiêu Chính phủ giảm xuống. Hỗn hợp này có thể ổn định sản lượng hiện tại nhưng có lợi cho sự tăng trưởng tương lai nhờ mở rộng quỹ vốn, sẽ có thêm việc làm với năng suất cao hơn. Tuy nhiên, nếu sự cắt giảm chi tiêu của Chính phủ tập trung vào khoản đầu tư công cộng mang lại lợi ích chung thì cần được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng.

Với hỗn hợp tài chính mở rộng và tiền tệ chặt chẽ có thể giữ nguyên tổng cầu, mở rộng khả năng đầu tư công cộng và hạn chế sự bành trướng về tiêu dùng và đầu tư.

Trong thực tiễn đời sống kinh tế có quá nhiều các nhân tố kinh tế, xã hội, tâm lý…tồn tại trong thời gian dài, ngắn khác nhau, tác động cùng chiều hoặc ngược chiều đến nhiều vấn đề kinh tế. Mô hình trên đây chỉ là một mô hình đơn giản, nên thật khó dự đoán kết quả thật sự khi thực hiện các hỗn hợp chính sách nói trên. Cũng vì lẽ đó, chính sách tài khóa thường được coi trọng hơn bởi nó tác động trực tiếp vào tổng cầu, còn chính sách tiền tệ phải qua một cơ chế lan truyền từ tác động vào thị trường tiền tệ và qua hiệu ứng của thị trường này tác động đến hành vi ứng xử của các tác nhân kinh tế, để có được một tổng cầu theo dự kiến. Khó có thể đánh giá chính xác tác động của chính sách tiền tệ.

Khi thực hiện chính sách tiền tệ để quản lý (kiểm soát) tổng cầu thường gặp phải trở ngại là lạm phát. Trong những điều kiện nào đó về cung, chính sách tiền tệ nới lỏng có thể không đẩy được đường LM sang phải, toàn bộ phần gia tăng của mức cung tiền không có ảnh hưởng đến tổng cầu mà chuyển toàn bộ vào giá làm cho lạm phát trở nên trầm trọng.

™ Câu hỏi củng cố:

KẾT QUẢ HỌC TẬP 5: Trình bày về tổng cung và các chu kỳ kinh doanh

Bài hướng dẫn 1:

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vĩ mô ĐH Trà Vinh (Trang 53 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)