4.1. Chức năng của ngân hàng Trung ương
Ngân hàng trung ương có các chức năng cơ bản sau:
- Ngân hàng của các ngân hàng thương mại: Ngân hàng Trung ương giữ các tài khoản dự trữ cho các ngân hàng thương mại, thực hiện tiến trình thanh toán cho hệ thống ngân hàng thương mại và hoạt động như một “người cho vay của phương sách cuối cùng” đối với các ngân hàng thương mại trong trường hợp khẩn cấp.
- Ngân hàng của Chính phủ: Ngân hàng Trung ương giữ các khoản cho Chính phủ, nhận tiền gửi và cho vay đối với Kho bạc Nhà nước, hỗ trợ chính sách tài khóa của Chính phủ bằng việc mua tín phiếu của Chính phủ.
- Kiểm soát mức cung tiền để thực hiện chính sách tiền tệ nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế.
- Hỗ trợ, giám sát và điều tiết hoạt động của các thị trường tài chính.
4.2. Thực thi chính sách tiền tệ
Ngân hàng trung ương điều chỉnh mức cung tiền và các tỷ lệ lãi suất bằng nhiều công cụ khác nhau, nhằm tác động vào lượng tiền mạnh (H) và số nhân tiền tệ.
Ngoài ra ngân hàng Trương ương có thể trực tiếp kiểm soát có lựa chọn một số khoản tín dụng cũng như một vài biện pháp khác nhau. Các công cụ quản lý tiền tệ thường dùng của ngân hàng Trung ương là:
4.2.1 Hoạt động thị trường mở
Thị trường mở là thị trường tiền tệ của ngân hàng Trung ương được sử dụng để mua bán trái phiếu kho bạc của Nhà nước.
Muốn tăng mức cung tiền ngân hàng Trung ương sẽ mua trái phiếu ở thị trường mở. Kết quả là họ đã đưa thêm vào thị trường một lượng tiền cơ sở bằng cách tăng dự trữ của các ngân hàng thương mại, dẫn đến tăng khả năng cho vay, tăng mức tiền gửi nhờ số nhân tiền tệ. Kết quả cuối cùng là mức cung tiền đã tăng gấp bội so với số tiền mua tín phiếu của ngân hàng Trung ương. Để có kết quả ngược lại. Ngân hàng Trung ương sẽ bán trái phiếu của Chính phủ.
4.2.2 Quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tỷ lệ dự trữ thấp, số nhân tiền tệ sẽ lớn là điều kiện thuận lợi để mở rộng tín dụng, tăng nhanh mức cung tiền ngân hàng Trung ương là cơ quan duy nhất được phép ra quyết định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng Thương mại. Khi thay đổi quy mô của tỷ lệ này, ngân hàng Trung ương đã khống chế một cách gián tiếp, nhưng mạnh mẽ đến mức cung tiền. Sử dụng công cụ này thường có hiệu quả cao, tác động nhanh chóng đến hoạt động cho vay, nhưng cũng gây khó khăn cho hoạt động của thị trường tài chính.
4.2.3 Lãi suất chiết khấu
Lãi suất chiết khấu là lãi suất quy định của ngân hàng Trung ương khi họ cho các ngân hàng thương mại vay tiền để đảm bảo có đầy đủ hoặc tăng thêm dự trữ của các ngân hàng Thương mại. Khi lãi suất chiết khấu thấp hơn lãi suất thị trường và điều kiện cho vay thuận lợi, sẽ là tín hiệu khuyến khích các ngân hàng thương mại vay tiền để tăng dự trữ và mở rộng
cho vay, dẫn đến mức cung tiền sẽ tăng lên. Khi hoạt động của thị trường mở chưa phát triển thì công cụ này trở nên quan trọng.
Ngoài 3 công cụ chủ yếu trên đây nhằm điều tiết gián tiếp đối với thị trường tiền tệ, ngân hàng Trung ương còn có những công cụ khác như kiểm soát tín dụng có lựa chọn, quy định trực tiếp đối với lãi suất (tiền gửi, tiền tiết kiệm, cho vay…)…
Tuy có trong tay nhiều công cụ hữu hiệu nhưng kết quả kiểm soát mức cung tiền của ngân hàng Trung ương còn bị giới hạn bởi khả năng kiểm soát tỷ lệ giữ tiền mặt so với tiền gửi của công chúng. Tỷ lệ này (s) phụ thuộc vào thói quen thanh toán của xã hội và khả năng hoạt động của các tổ chức tài chính – ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng Trung ương.
Tóm lại, có thể kết luận: ngân hàng Trung ương có nhiều khả năng thực tế để ấn định mức cung tiền (M) theo dự kiến, có thể tăng thêm hay giảm bớt nó bằng các công cụ điều tiết của mình, chủ động thực hiện chính sách tiền tệ đã hoạch định.
Ở nước ta, từ năm 1990 Nhà nước đã ban hành pháp lệnh Ngân hàng, thành lập ngân hàng 2 cấp - Hệ thống ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng Thương mại. Hệ thống này đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng lưu thông tiền tệ phù hợp với sự mở rộng các thành phần kinh tế, mở rộng các hình thức kinh doanh và quy mô hoạt động, sản xuất, kinh doanh trong những năm qua; đồng thời, cũng đã dành cho ngân hàng Trung ương quyền năng lớn hơn, tăng thêm vai trò độc lập trong việc quản lý, thực thi các chính sách tiền tệ phù hợp với những tình huống diễn biến kinh tế phức tạp trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Ngân hàng Trung ương đã bước đầu sử dụng các công cụ quản lý tiền tệ truyền thống như đã sử dụng có hiệu quả công cụ lãi suất trong thời kỳ cuối những năm 80 và đang từng bước hoàn thiện thị trường tiền tệ như hoàn thiện thị trường liên Ngân hàng, cải cách từng bước về tín phiếu kho bạc, có thể sẽ tạo thêm những công cụ tiền tệ mới như thương phiếu, hối phiếu…từng bước xây dựng thị trường chứng khoán ở nước ta. Năm 1994 ngân hàng Trung ương đã phát hành trái phiếu Ngân hàng Nhà nước và tiến hành giao dịch – mau bán với các ngân hàng Thương mại, bước đầu điều tiết được lượng tiền đưa vào lưu thông. Ngoài ra, còn vận dụng một số công cụ tạm thời có tính chất can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ như quy định hạn mức tín dụng để khống chế lượng tiền cung ứng, quy định trực tiếp lãi suất tín dụng…
Câu hỏi củng cố:
Trình bày quá trình “tạo tiền” của ngân hàng thương mại
Bài hướng dẫn 3: