Chính sách tài khóa và vấn đề thâm hụt ngân sách

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vĩ mô ĐH Trà Vinh (Trang 35 - 37)

Chính sách tài khóa thường thể hiện trong quá trình lập, phê chuẩn và thực hiện ngân sách Nhà nước. Thật vậy, chi tiêu chính phủ về hàng hóa và dịch vụ là bộ phận chính của chi ngân sách, cũng như thuế là nguồn chủ yếu của thu ngân sách. Ngân sách của các quốc gia trên thế giới luôn phải đương đầu với vấn đề thâm hụt ngân sách. Sau đây, sẽ đề cập đến một số vấn đề về thâm hụt ngân sách.

- Khái niệm thâm hụt ngân sách

Ngân sách Nhà nước là tổng các kế hoạch chi tiêu và thu nhập hàng năm của chính phủ, bao gồm các khoản thu (chủ yếu từ thuế) và các khoản chi ngân sách.

Gọi B là hiệu số giữa thu và chi ngân sách, ta có: B = T - G

Khi B>0, ta có thặng dư ngân sách B=0 ta có cân bằng ngân sách

B<0 ta có thâm hụt ngân sách

Các lý thuyết tài chính hiện đại cho rằng, ngân sách nhà nước không nhất thiết phải cân bằng theo tháng, năm. Vấn đề là phải quản lý các nguồn thu và chi sao cho ngân sách không bị thâm hụt quá lớn và kéo dài. Tuy vậy, trong nhiều nước đặc biệt là các nước đang phát triển, các Chính phủ vẫn theo đuổi một chính sách tài khóa thận trọng, trong đó chi ngân sách phải nằm trong khuôn khổ các nguồn thu ngân sách.

Thực ra, trong nền kinh tế thị trường, thâm hụt ngân sách thực tế chưa phải là một chỉ bảo tốt về chính sách tài khóa của Chính phủ. Thật vậy, một khi nền kinh tế vận động theo chu kỳ thì chính chu kỳ kinh doanh có tác dụng không nhỏ đến thâm hụt ngân sách. Người ta dễ nhận thấy thu ngân sách tăng lên trong thời kỳ phồn thịnh và giảm đi trong thời kỳ suy thoái. Ngược lại, chi ngân sách vận động ngược chiều với chu kỳ: Chi ngân sách tăng trong thời kỳ suy thoái và giảm trong thời kỳ phồn thịnh. Chính vì vậy, thâm hụt ngân sách sẽ trầm trọng hơn trong thời kỳ suy thoái, bất chấp sự cố gắng của Chính phủ.

Vì lý do trên, để đánh giá tác động của chính sách tài khóa đến thâm hụt ngân sách, người ta thường sử dụng ngân sách trong điều kiện nền kinh tế hoạt động ở mức sản lượng tiềm năng.

Phân biệt 3 khái niệm thâm hụt ngân sách:

(1) Thâm hụt ngân sách thực tế: Đó là thâm hụt khi số chi thực tế vượt số thu thực tế trong một thời kỳ nhất định.

(2) Thâm hụt ngân sách cơ cấu: Đó là thâm hụt tính toán trong trường hợp nếu nền kinh tế hoạt động ở mức sản lượng tiềm năng.

(3) Thâm hụt ngân sách chu kỳ: Đó là thâm hụt ngân sách bị động do tình trạng của chu kỳ kinh doanh.

Thâm hụt chu kỳ bằng hiệu số giữa thâm hụt thực tế và thâm hụt cơ cấu.

Trong ba loại thâm hụt trên, thâm hụt cơ cấu phản ánh kết quả hoạt động chủ quan của chính sách tài khóa như: định ra thuế suất phúc lợi, bảo hiểm...vì vậy, để đánh giá kết quả của chính sách tài khóa phải sử dụng thâm hụt cơ cấu.

- Chính sách tài khóa cùng chiều và chính sách tài khóa ngược chiều

Từ (4.19) ta thấy hàm ngân sách đơn giản có dạng sau: B = -G + tY

Trong đó: B – Cán cân ngân sách G – Chi tiêu ngân sách tY – Thu ngân sách

Nếu chính phủ thiết lập một chính sách thu chi ngân sách sao cho tại mức sản lượng tiềm năng thì ngân sách là cân bằng, lúc đó ta có:

B = -G + tY = 0 Hay tY = G

Như vậy, với bất kỳ mức thu nhập hay sản lượng nào nhỏ hơn sản lượng tiềm năng, ngân sách sẽ thâm hụt. Ngược lại, với bất kỳ mức thu nhập hay sản lượng nào lớn hơn sản lượng tiềm năng, ngân sách sẽ thặng dư. Chỉ tại điểm sản lượng tiềm năng, ngân sách sẽ cân bằng.

Nếu mục tiêu của Chính phủ là luôn đạt được ngân sách cân bằng dù sản lượng có thể thay đổi thế nào cũng được, thì chính sách đó gọi là chính sách tài khóa cùng chiều. Lúc đó, khi nền kinh tế suy thoái, ngân sách thâm hụt. Chính phủ phải giảm chi tiêu, hoặc tăng thuế, hoặc sử dụng cả hai biện pháp, ngân sách sẽ trở nên cân bằng. Đổi lại, chi tiêu của nền kinh tế sẽ giảm đi, sản lượng cũng sẽ giảm theo, suy thoái sẽ sâu sắc thêm. Ngược lại, nếu mục tiêu của Chính phủ là giữ cho nền kinh tế luôn ở mức sản lượng tiềm năng với mức việc làm đầy đủ, thì chính phủ phải thực hiện chính sách tài khóa ngược chiều (với chu kỳ kinh doanh).

Lúc đó, khi nền kinh tế suy thoái, chính phủ cần tăng chi tiêu hoặc giảm thuế, hoặc áp dụng cả hai biện pháp nhằm giữ cho chi tiêu ở mức cao, sản lượng tăng lên đến sản lượng tiềm năng. Đổi lại ngân sách sẽ bị thâm hụt. Thâm hụt đó gọi là thâm hụt cơ cấu, do chính sách chủ quan của chính phủ.

Việc chính phủ theo đuổi chính sách cùng chiều hay ngược chiều (với chu kỳ kinh doanh) phụ thuộc rất nhiều vào chu kỳ chính trị , vào các tình huống kinh tế cụ thể của mỗi nước ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vĩ mô ĐH Trà Vinh (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)