Trách nhiệm bồi thường thiệt hạ

Một phần của tài liệu Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 78)

Theo quy định tại Điều 7, Hiệp ước quốc tế về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm cả Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967, tất cả các quốc gia thành viên của Hiệp ước này khi tiến hành hoặc cho tiến hành phóng một vật thể vào khoảng không vũ trụ, kể cả Mặt trăng, các thiên thể khác và mọi quốc gia thành viên có lãnh thổ, trang thiết bị được sử dụng cho việc phóng vật thể vào vũ trụ, đều phải chịu trách nhiệm quốc tế về các thiệt hại do vật thể đó hoặc các bộ phận cấu thành của vật thể đó gây ra trên Trái đất, trong khí quyển hay trong khoảng không vũ trụ, kể cả Mặt trăng, các thiên thể

khác, cho một quốc gia thành viên khác của Công ước hay cho các cá nhân, pháp nhân của quốc gia thành viên đó.

Thuật ngữ thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra được hiểu là “các thiệt hại về tính mạng, các tổn thương về thân thể hay các thiệt hại khác đối với sức khoẻ của con người, làm hỏng hoặc làm hư hại tài sản của Nhà nước, thể nhân, pháp nhân, các thiệt hại về tài sản của các tổ chức quốc tế liên chính phủ” [18] (theo quy định tại Điều 1, Công ước về chịu trách nhiệm quốc tế đối với các thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra năm 1972).

Như vậy, khái niệm thiệt hại theo quy định của luật vũ trụ quốc tế được xác định bao gồm các thiệt hại về tài sản, sức khoẻ và tính mạng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật vũ trụ quốc tế cũng có những nét đặc trưng riêng.

- Trách nhiệm hoàn toàn, tuyệt đối đối với các thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra trong những trường hợp nhất định là nét đặc trưng riêng biệt trong luật vũ trụ quốc tế so với các ngành luật khác.

Đối với thiệt hại xảy ra trên mặt đất, quốc gia phóng vật thể vũ trụ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn tuyệt đối với những thiệt hại xảy ra, ngay cả khi không chứng minh được lỗi thì quốc gia phóng vật thể vũ trụ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tại Điều 2, Công ước về chịu trách nhiệm quốc tế đối với các thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra năm 1972 quy định: “quốc gia phóng vật thể vũ trụ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và tuyệt đối trong việc bồi thường thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra trên bề mặt Trái đất hay cho các máy bay đang bay” [18].

Đối với những thiệt hại xảy ra trong khoảng không vũ trụ, quốc gia phóng vật thể chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp có lỗi, có thể nói trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong khoảng không vũ trụ cũng được xem xét theo phương thức truyền thống như các ngành luật

khác. Trách nhiệm bồi thường này được ghi nhận tại Điều 3, Công ước về chịu trách nhiệm quốc tế đối với các thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra năm 1972: “Trong trường hợp vật thể vũ trụ của một quốc gia phóng vật thể gây thiệt hại tại một nơi ngoài bề mặt Trái đất cho một vật thể vũ trụ của một quốc gia phóng vật thể khác hoặc cho người hoặc tài sản nằm trong khoang của vật thể vũ trụ đó, thì quốc gia có vật thể gây thiệt hại chỉ chịu trách nhiệm bồi thường, nếu thiệt hại xảy ra là do lỗi của quốc gia đó hoặc do lỗi của người chịu sự quản lý của quốc gia đó” [18].

Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân gây ra những thiệt hại xảy ra trong khoảng không vũ trụ ở những độ cao lớn không dễ dàng nên việc xác định lỗi để áp trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại xảy ra là rất khó khăn.

Trong trường hợp vật thể vũ trụ của một quốc gia phóng vật thể gây thiệt hại tại một nơi ngoài bề mặt Trái đất cho một vật thể vũ trụ của một quốc gia phóng vật thể khác hoặc cho người hoặc tài sản nằm trong khoang của vật thể vũ trụ đó, và việc này lại gây thiệt hại cho một quốc gia thứ ba hoặc cho các cá nhân hay pháp nhân của quốc gia thứ ba đó, thì hai quốc gia phóng vật thể phải chịu trách nhiệm liên đới đối với quốc gia thứ ba.

Trách nhiệm liên đới đối với quốc gia thứ ba của hai quốc gia phóng vật thể vũ trụ cũng được xác định theo hai chế độ. Một là trách nhiệm hoàn toàn và tuyệt đối đối với thiệt hại xảy ra cho quốc gia thứ ba trên bề mặt Trái đất và trên các máy bay đang bay. Hai là trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo lỗi của hai quốc gia phóng vật thể vũ trụ đối với thiệt hại của quốc gia thứ ba đã xảy ra ngoài khoảng không vũ trụ. Điều này được quy định rất rõ tại điểm a, b, Khoản 1, Điều 4, Công ước về chịu trách nhiệm quốc tế đối với các thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra năm 1972:

“a. Nếu thiệt hại xảy ra đối với quốc gia thứ ba xảy ra trên bề mặt Trái đất hoặc trên các máy bay đang bay, thì hai quốc gia phóng vật thể phải chịu trách nhiệm tuyệt đối đối với quốc gia thứ ba.

b. Nếu thiệt hại gây ra cho một vật thể vũ trụ của quốc gia thứ ba hay cho người hoặc tài sản nằm trong khoang của vật thể vũ trụ đó đã xảy ra ngoài bề mặt Trái đất, thì trách nhiệm bồi thường của hai quốc gia có vật thể gây thiệt hại được xác định dựa trên lỗi của một trong hai quốc gia đó hoặc lỗi của người thuộc quyền quản lý của một trong hai quốc gia đó” [18].

Trong trường hợp phải chịu trách nhiệm liên đới theo quy định trên, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được phân chia giữa hai quốc gia có vật thể gây thiệt hại tỷ lệ với mức độ lỗi của mỗi quốc gia, nếu không thể xác định được mức độ lỗi của mỗi quốc gia thì nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được chia đều cho hai quốc gia. Việc phân chia nghĩa vụ bồi thường không được xâm hại đến quyền được yêu cầu của quốc gia thứ ba đối với bất kỳ quốc gia nào trong hai quốc gia có vật thể gây thiệt hại, bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra theo quy định tại Công ước này.

Trong trường hợp hai hay nhiều quốc gia cùng tiến hành phóng một vật thể vũ trụ, thì các quốc gia đó phải chịu trách nhiệm liên đới về mọi thiệt hại có thể xảy ra.

Một trong các quốc gia phóng vật thể vũ trụ đã bồi thường thiệt hại có quyền yêu cầu quốc gia khác tham gia phóng vật thể hoàn trả phần bồi thường thiệt hại mà các quốc gia đó phải chịu.

Các quốc gia tham gia phóng vật thể có thể ký kết các thoả thuận về việc phân chia nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà họ phải chịu trách nhiệm liên đới. Các thoả thuận đó không được xâm hại đến quyền của quốc gia chịu thiệt hại được yêu cầu bất kỳ quốc gia nào trong số các quốc gia phóng vật thể

hoặc yêu cầu tất cả các quốc gia phóng vật thể bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra, theo quy định của Công ước này.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên không áp dụng cho công dân của chính quốc gia phóng vật thể và cho công dân nước ngoài, trong thời gian các công dân này đang tham gia thao tác vận hành vật thể vũ trụ, tính từ thời điểm phóng vật thể hoặc một thời điểm sau này cho đến khi vật thể rơi xuống hoặc trong thời gian các công dân đó đang có mặt gần khu vực dự kiến phóng hoặc thu hồi vật thể, theo lời mời của quốc gia phóng vật thể.

Ngoài việc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra, quốc gia phóng vật thể còn phải chịu trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với vật thể vũ trụ có mang theo nguồn năng lượng hạt nhân trong nó. Hai hay nhiều quốc gia tham gia phóng vật thể vũ trụ có mang theo nguồn năng lượng hạt nhân sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường thiệt hại do nguồn năng lượng hạt nhân trong vật thể vũ trụ gây ra.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 78)