Các quy định về việc nghiên cứu, sử dụng Mặt trăng

Một phần của tài liệu Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 73)

- Các quy định liên quan đến trách nhiệm thông báo việc khai thác, sử dụng Mặt trăng và các thiên thể khác trong hệ Mặt trời.

Bất kỳ quốc gia nào thực hiện các hoạt động nghiên cứu, khai thác và sử dụng Mặt trăng, các thiên thể khác thuộc hệ Mặt trời (ngoại trừ Trái đất) phải thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, cho cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo này theo quy định tại Điều 5, Công ước về hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1979 gồm có các thông tin: thời gian, mục đích, địa điểm phóng, các tham số quỹ đạo, các thông tin hoạt động trong thời gian thực hiện một hoạt động trên Mặt trăng hoặc các thiên thể và kết quả của hoạt động đó bao gồm cả các kết quả khoa học [20].

Trong trường hợp một hoạt động trên Mặt trăng hoặc các thiên thể khác kéo dài hơn 60 ngày thì việc thông báo các thông tin theo quy định trên phải được thực hiện theo định kỳ 30 ngày/lần. Nếu hoạt động kéo dài quá 6 tháng chỉ phải thông báo bổ sung về các thông tin và sẽ phải đưa vào báo cáo sau khi hoạt động đó kết thúc [20].

Trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiên cứu, khai thác và sử dụng Mặt trăng và các thiên thể khác, nếu phát hiện ra các hiện tượng có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, cuộc sống của con người hay bất kỳ chỉ số cơ bản nào của cuộc sống thì quốc gia thực hiện hoạt động trên phải thông báo ngay cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, cho cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học.

Nếu một quốc gia biết được quốc gia khác cũng có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng một khu vực trên Mặt trăng, hoặc một quỹ đạo, hoặc đường đi của vật thể vũ trụ xung quanh Mặt trăng, thì phải lập tức thông báo cho quốc gia đó về thời gian và kế hoạch các hoạt động của quốc gia mình.

- Các quy định về việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học trên Mặt trăng hay các thiên thể khác trong hệ Mặt trời:

+ Mọi quốc gia đều được tự do thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học trên Mặt trăng trên cơ sở bình đẳng và phù hợp với luật pháp quốc tế, không có sự phân biệt đối xử giữa các quốc gia trong hoạt động này.

+ Quốc gia được thu thập các mẫu khoáng chất và các chất khác từ Mặt trăng để nghiên cứu đích khoa học và để thực hiện các hoạt động khác phù hợp với các quy định của Luật vũ trụ quốc tế [20].

Các quốc gia khác có thể được sử dụng phần còn dư lại của các mẫu khoáng chất và các chất trên để nghiên cứu khoa học. Các quốc gia, Liên minh các nhà khoa học thế giới quan tâm đến việc có mẫu có thể phân chia các mẫu trên để nghiên cứu khoa học. Các quốc gia khác được sử dụng các khoáng chất và các chất mẫu từ Mặt trăng với một số lượng thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ khoa học.

- Các quy định liên quan đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng và các thiên thể khác trong hệ Mặt trời.

Mặt trăng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Mặt trăng là những di sản chung của nhân loại. Bề mặt Mặt trăng, lớp dưới của bề mặt Mặt trăng, hoặc bất kỳ vùng nào trên Mặt trăng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Mặt trăng đều không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào, hay trở thành tài sản của bất kỳ một quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nào. Mọi quốc gia đều có quyền khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Mặt trăng một cách bình đẳng và trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế [20].

Quốc gia khám phá được nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Mặt trăng có trách nhiệm thông báo với Tổng thư ký Liên hợp quốc, liên minh các nhà khoa học quốc tế công chúng.

Việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên trên Mặt trăng phải được thực hiện theo một thủ tục nhất định nhằm đảm bảo việc khai thác đó được

hiệu quả; đảm bảo trật tự, an toàn cho sự phát triển của các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Mặt trăng, các thiên thể; đảm bảo việc quản lý một cách hợp lý các nguồn tài nguyên này; đồng thời tạo cơ hội cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên và sự chia sẻ công bằng giữa các quốc gia đối với các lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn tài nguyên trên cơ sở xem xét đến lợi ích của các quốc gia đang phát triển và các nỗ lực của các quốc gia đã thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên này [20].

- Các quy định liên quan đến việc lắp đặt các các trạm, các thiết bị, tàu vũ trụ trên Mặt trăng và thiên thể khác thuộc hệ Mặt trời.

Vị trí mà các phi hành gia, tàu vũ trụ chiếm giữ, việc xây dựng hoặc lắp đặt các máy móc thiết bị, phương tiện nhà ga trên hay dưới bề mặt Mặt trăng, thiên thể khác thuộc hệ Mặt trời không xác định được quyền sở hữu của bất cứ quốc gia nào trên bề mặt hoặc lớp dưới của bề mặt hoặc bất kỳ vùng nào trên Mặt trăng.

Các phi hành gia, tàu vũ trụ, các máy móc thiết bị, phương tiện nhà ga trên hay dưới bề mặt Mặt trăng hay thiên thể khác thuộc hệ Mặt trời được di chuyển tự do trên bề mặt hoặc lớp dưới bề mặt của Mặt trăng hay bất kỳ thiên thể nào trong hệ Mặt trời.

Phương thức lắp đặt trạm trên tất cả các vùng của Mặt trăng phải đảm bảo không cản trở các phi hành gia, các phương tiện và thiết bị của quốc gia khác tiến hành các hoạt động truy cập một cách tự do trên Mặt trăng theo quy định của Hiệp ước quốc tế về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò, sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm Mặt trăng, các thiên thể khác năm 1967 và theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Công ước về hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1979.

Các quốc gia có quyền tài phán và quyền kiểm soát đối với các phi hành gia, tàu vũ trụ, máy móc, thiết bị, phương tiện, các trạm do mỗi quốc gia đó thiết lập trên Mặt trăng. Các quốc gia này có quyền sở hữu đối với thiết bị vũ trụ, máy móc, tiện nghi, phương tiện và các trạm được thiết lập trên Mặt trăng.

Các thiết bị vũ trụ, các loại máy móc, tiện nghi, phương tiện và các trạm được thiết lập trên Mặt trăng nếu nằm lệch khỏi vị trí mà quốc gia sở hữu đã thông báo thì được xử lý theo phương thức đã được trình bày tại mục “2.1.2. Trách nhiệm hoàn trả trên”.

- Quy chế đối với việc sử dụng các thiết bị vũ trụ, các loại máy móc, tiện nghi, phương tiện và các trạm được thiết lập trên Mặt trăng, thiên thể khác trong hệ mặt trời:

Tất cả các trạm, các thiết bị lắp đặt, các trang thiết bị, các tàu vũ trụ trên Mặt trăng hay các thiên thể khác, đều có thể được các đại diện của các quốc gia khác tiếp cận, sử dụng, theo nguyên tắc có đi có lại. Các đại diện này phải thông báo trước chuyến tiếp cận dự định tiến hành, để tham khảo ý kiến và để áp dụng mọi biện pháp đề phòng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn, tránh làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường tại nơi có thiết bị cần tiếp cận theo quy định tại Điều 12, Hiệp ước quốc tế về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò, sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm cả Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967 [16].

Điều này được quy định chi tiết hơn tại khoản 1, Điều 9, Công ước về hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1979:

“Một quốc gia có thể được thiết lập trạm do con người điều khiển hoặc trạm điều khiển tự động. Khi quốc gia thiết lập một trạm trên Mặt trăng chỉ được sử dụng một khu vực cần thiết cho các nhu cầu thiết lập trạm đó và ngay lập tức phải thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về địa điểm và mục

đích của trạm được thiết lập. Sau đó, hàng năm quốc gia đã thiết lập trạm phải thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về việc tiếp tục sử dụng trạm, cũng như các mục đích đã thay đổi của trạm” [20].

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 10, Công ước về hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1979, các trạm, thiết bị, phương tiện được thiết lập trên Mặt trăng còn được sử dụng làm nơi trú ẩn cho phi hành gia của bất kỳ quốc gia nào trong trường hợp nguy cấp. Đây là quy định mang tính nhân văn, được áp dụng nhằm đảm bảo sự sống và sức khoẻ cho các phi hành gia [20].

Các thiết bị vũ trụ, các loại máy móc, tiện nghi, phương tiện và các trạm được thiết lập trên Mặt trăng của một quốc gia không hạn chế các quốc gia khác đến thăm. Tuy nhiên, quốc gia muốn thăm phải thông báo trước về kế hoạch ghé thăm, theo một phương thức thích hợp nhằm đảm bảo tối đa sự an toàn và việc không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các thiết bị được ghé thăm.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)