Phương hướng xây dựng và phát triển pháp luật vũ trụ ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 122)

đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu phục vụ cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng;

- Xây dựng, phát triển pháp luật vũ trụ dựa trên cơ chế quản lý, khai thác và phát triển hoạt động thương mại vũ trụ theo nguyên tắc tự do cạnh tranh thị trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

3.2.2. Phương hướng xây dựng và phát triển pháp luật vũ trụ ở Việt Nam Việt Nam

3.2.2.1. Tham gia ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về luật vũ trụ. Hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ có tính đặc thù riêng, mọi quốc gia trên thế giới đều có quyền tự do khai thác và sử dụng vì mục đích hoà bình, lợi ích của toàn nhân loại, vũ trụ là khu vực mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng không được chiếm dụng làm của riêng bằng các hành vi tuyên bố chủ quyền, chiếm giữ, sử dụng. Liên hợp quốc đã thông qua các công ước quốc tế và các bộ nguyên tắc chung về hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ, xây dựng một hành lang pháp lý cho các hoạt động này đảm bảo tính công bằng, quyền và lợi ích cho mỗi quốc gia trong việc nghiên cứu, khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ; đồng thời, đảm bảo mọi hoạt động tiến hành ngoài khoảng không vũ trụ đều được thực hiện vì mục đích hoà bình, không làm ảnh hưởng đến môi trường Trái đất và sự sống của nhân loại. Vì vậy, khi tham gia các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ, Việt Nam không thể đi ngược lại các nguyên tắc, các quy định của pháp luật vũ trụ quốc tế mà cần phải tuân thủ các nguyên tắc chung của pháp luật vũ trụ quốc tế, tham gia ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, hoà nhập vào sân chơi chung của lĩnh vực này.

3.2.2.2. Hoàn thiện các quy phạm pháp luật của các ngành ứng dụng công nghệ vũ trụ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với pháp luật vũ trụ quốc tế như: xây dựng và hoàn thiện văn bản về vấn đề phát các chương trình truyền hình qua vệ tinh, hoàn thiện các văn quản lý hoạt động viễn thám … trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác trong lĩnh vực này bao gồm nguyên tắc không can thiệp, tăng cường sự hợp tác, hiểu biết lẫn nhau giữa tất cả các quốc gia và dân tộc, vì mục tiêu duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

3.2.2.3. Xây dựng luật vũ trụ để đảm bảo quản lý thống nhất các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ của Việt Nam, nội luật hoá các quy định của pháp luật vũ trụ quốc tế, đảm bảo các quy định về quản lý hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này.

* Cần xây dựng những nguyên tắc chung của luật vũ trụ Việt Nam là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện các quy định về việc quản lý hoạt động khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ.

Trong luật vũ trụ và hàng không quốc gia năm 1958 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đưa ra những nguyên tắc chung đối với các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ như đã trình bày tại mục 2.9.1.1.

Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 của Vương quốc Anh cũng đặt ra nguyên tắc chung đối với hoạt động khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ. Các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ của Chính phủ hay cá nhân, pháp nhân, tổ chức của Vương quốc Anh chỉ được thực hiện nếu đảm bảo được các nghĩa vụ quốc tế mà Vương quốc Anh đã cam kết thực hiện khi tham gia ký

kết, gia nhập các điều ước quốc tế và các bộ nguyên tắc về việc sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm cả trách nhiệm pháp lý đối với các thiệt hại gây ra bởi các vật thể vũ trụ, việc đăng ký đưa các vật thể vào khoảng không vũ trụ và các nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới Trái đất.

Qua thực tiễn xây dựng pháp luật về khoảng không vũ trụ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đồng thời nội luật hoá các nguyên tắc cơ bản của luật vũ trụ quốc tế, trên cơ sở hướng tới việc xây dựng một ngành công nghệ vũ trụ hiện đại phục vụ hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ một cách hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích khoa học, kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng cho quốc gia nhất, Việt Nam nên xây dựng một số nguyên tắc chung cho toàn bộ hệ thống quy phạm luật vũ trụ như sau:

- Nguyên tắc các hoạt động vũ trụ phải được tiến hành vì mục đích hoà bình, lợi ích của toàn nhân loại; đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết; đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia; nâng cao tính hữu ích và hoạt động hiệu quả, tốc độ, mức độ an toàn của các phương tiện vũ trụ;

- Khi thực hiện các hoạt động vũ trụ phải đảm bảo thiết lập được những nghiên cứu có tính chiến lược, có tiềm năng thu lại những lợi ích, tạo ra các cơ hội và những vấn đề liên quan khác vì mục đích hoà bình và phục vụ nghiên cứu khoa học;

- Hoạt động vũ trụ được khuyến khích để mang lại những lợi ích về thương mại; đảm bảo khai thác tối đa các ứng dụng từ kết quả của các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ đảm bảo phát triển nguồn năng lượng và giảm thiểu sự suy thoái môi trường trên Trái đất;

- Mọi hoạt động vũ trụ do một cơ quan dân sự có thẩm quyền kiểm soát và quản lý, ngoại trừ các hoạt động liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia hay các hoạt động quân sự.

* Với tiêu chí quản lý thống nhất các hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ cần quy định cơ quan quản lý cho mọi hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ, thực hiện các hoạt động quản lý như cấp, thay đổi, huỷ bỏ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ; quản lý sổ đăng ký phóng vật thể vũ trụ; giúp Chính phủ chuẩn bị việc đăng ký phóng vật thể vũ trụ với COPUOS; kiểm tra, giám sát các hoạt động này.

Hiện nay, Việt Nam đã thành lập Viện công nghệ vũ trụ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, tuy nhiên cơ quan này không có chức năng quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ mà chỉ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ, phát triển cơ sở hạ tầng về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ, tư vấn với các cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách phát triển ứng dụng công nghệ vũ trụ, các vấn đề pháp lý trong việc sử dụng khoảng không vũ trụ.

Trong dự thảo Luật tần số vô tuyến điện gửi kèm Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật tần số vô tuyến điện số 521/UBKHCNMT12 ngày 20/3/2009 của Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường trình phiên họp thứ 18 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội có quy định về vấn đề cấp phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại Điều 21, Dự thảo Luật tần số vô tuyến điện quy định:

“1. Đối tượng được cấp phép: tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài được thành lập hoặc được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện cấp phép

a. Có năng lực về kinh tế, kỹ thuật để phóng vệ tinh vào quỹ đạo.

b. Có phương án sử dụng quỹ đạo vệ tinh hiệu quả, khả thi vào các mục đích và nghiệp vụ vô tuyến điện mà pháp luật không cấm.

c. Cam kết tuân thủ các quy định về sử dụng tần số, quỹ đạo vệ tinh và khoảng không vũ trụ của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

Như vậy, theo quy định tại dự thảo Luật tần số vô tuyến điện thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có thẩm quyền cấp phép đối với việc sử dụng quỹ đạo vệ tinh – nguồn tài nguyên vũ trụ.

Hiện tại, công nghệ vũ trụ của Việt Nam mới đạt được trình độ khai thác, sử dụng, kiểm soát được các trạm vệ tinh và vệ tinh, hoạt động chế tạo vệ tinh và phóng vệ tinh còn đang trong quá trình nghiên cứu chế tạo, nhưng trong tương lai cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ vũ trụ trong nước, cũng như sự hợp tác với các quốc gia khác hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ của Việt Nam còn tiến xa hơn nữa. Vì vậy, hoạt động sử dụng quỹ đạo vệ tinh chỉ là một khía cạnh nhỏ trong pháp luật vũ trụ, nếu Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền cấp phép đối với việc sử dụng quỹ đạo, thì đối với các hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ khác thẩm quyền cấp phép thuộc cơ quan quản lý nào hay cũng thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông? nếu hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Thông tin và Truyền thông thì Bộ có đủ năng lực chuyên môn để quản lý hoạt động này không?

Việc quy định một cơ quan có đủ năng lực chuyên môn cũng như năng lực quản lý để quản lý thống nhất các hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ, có đủ quyền hạn đại diện cho quốc gia chịu trách nhiệm quốc tế đối với các hoạt động này là rất quan trọng và cần thiết. Ngoài ra, việc quy định quyền hạn và trách nhiệm cho cơ quan quản lý hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ cũng cần được xem xét cụ thể, đảm bảo cơ quan có đầy đủ thẩm quyền để thực hiện tốt hoạt động quản lý những cũng tạo được cơ chế quản lý

thông thoáng tạo điều kiện cho các hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ ngày càng phát triển.

* Việc cấp phép đối với các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng các quy định pháp luật về vũ trụ.

Tiêu chí tự do cạnh tranh theo cơ chế thị trường nếu được áp dụng vào việc xây dựng, hoàn thiện luật vũ trụ thì sẽ được thể hiện rõ nét nhất trong hoạt động cấp phép. Đối tượng được cấp phép để đảm bảo được tính tự do cạnh tranh theo cơ chế thị trường thì cần được mở rộng cho nhiều đối tượng, tổ chức, cá nhân, pháp nhân thuộc các thành phần kinh tế nếu các đối tượng này có đủ các điều kiện nhất định.

Điều kiện để được cấp phép đối với các hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ phải thể hiện được những nội dung cơ bản mà Nhà nước cần phải quản lý trong lĩnh vực này. Theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 của Vương quốc Anh các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ được cấp phép khi thoả mãn ba điều kiện sau:

- Không gây nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng hay sự an toàn của con người và đất đai; (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia;

- Đảm bảo việc tiến hành các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ này phải phù hợp với việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của Vương quốc Anh.

Điều 21, dự thảo Luật tần số vô tuyến điện gửi kèm Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật tần số vô tuyến điện số 521/UBKHCNMT12 ngày 20/3/2009 của Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường trình phiên họp thứ 18 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội có quy định về điều kiện cấp phép đối với hoạt động sử dụng quỹ đạo vệ tinh – một khía cạnh trong luật vũ trụ cho các đối tượng xin cấp phép gồm 3 điều kiện:

“1. Có năng lực về kinh tế, kỹ thuật để phóng vệ tinh vào quỹ đạo; 2. Có phương án sử dụng quỹ đạo vệ tinh hiệu quả, khả thi vào các mục đích và nghiệp vụ vô tuyến điện mà pháp luật không cấm;

3. Cam kết tuân thủ các quy định về sử dụng tần số, quỹ đạo vệ tinh và khoảng không vũ trụ của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

Việc quy định các điều kiện để được cấp phép trong bản dự thảo Luật tần số vô tuyến điện, mặc dù chỉ là một khía cạnh nhỏ của luật vũ trụ song đã thể hiện được những nội dung cơ bản cần quản lý đối với hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ.

* Đăng ký vật thể phóng vào vũ trụ theo quy định của pháp luật vũ trụ quốc tế là trách nhiệm của tất cả các quốc gia khi đưa bất kỳ vật thể nào vào khoảng không vũ trụ.

Công ước về đăng ký các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ năm 1975 quy định quốc gia phóng vật thể phải đăng ký vật thể vào sổ đăng ký mà quốc gia đó có trách nhiệm lưu giữ khi vật thể vũ trụ đó được phóng vào quỹ đạo Trái đất hoặc xa hơn quỹ đạo Trái đất. Quốc gia phóng vật thể có trách nhiệm thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc biết về việc thành lập sổ đăng ký này. Việc lưu giữ, quản lý sổ đăng ký vật thể vũ trụ và các điều kiện lưu giữ, quản lý do quốc gia đăng ký xác định.

Theo quy định tại Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 của Vương quốc Anh thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ cũng đồng thời là cơ quan duy trì việc đăng ký các vật thể phóng vào vũ trụ. Khi đăng ký vật thể phóng vào vũ trụ đơn vị đăng ký phải trả một khoản phí theo quy định.

Để xây dựng các quy định về việc đăng ký vật thể phóng vào khoảng không vũ trụ, Việt Nam cần xem xét một số nội dung cơ bản sau:

- Mở sổ đăng ký vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ với nội dung là các thông số cơ bản của vật thể đó;

- Quy định cơ quan có thẩm quyền quản lý việc đăng ký vật thể phóng vào vũ trụ, lưu giữ, quản lý sổ đăng ký vật thể vũ trụ;

- Quy định mức phí khi đăng ký vật thể phóng vào khoảng không vũ trụ;

- Xây dựng các điều kiện để được phóng vật thể vào khoảng không vũ trụ và chỉ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện này mới đăng ký việc phóng vật thể đó vào khoảng không vũ trụ.

Các điều kiện phóng vật thể vào khoảng không vũ trụ có phạm vi hẹp hơn các điều kiện cấp phép cho các đơn vị được hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ. Các điều kiện để được đăng ký phóng vật thể vào khoảng không vũ trụ có thể là điều kiện về việc đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện khi tham gia các điều ước quốc tế về lĩnh vực vũ trụ; hay việc phóng vật thể đó phải đảm bảo an ninh quốc gia; an toàn với môi trường trái đất và sức khoẻ con người.

Có thể nói việc xây dựng các quy định về đăng ký vật thể phóng vào khoảng không vũ trụ là một vấn đề quan trọng nhằm nội luật hoá các quy định của pháp luật quốc tế về vấn đề đăng ký vật thể vũ trụ và xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về vũ trụ.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 122)