Âm nhạc là một môn học mang tính nghệ thuật cao, khác rất nhiều so với môn học khác, tuy nó không đòi hỏi sự chính xác một cách tuyệt đối nhưng lại đòi hỏi người học phải có sự yêu thích, sự đam mê, thậm chí một chút năng khiếu, điều này không phải học sinh nào cũng có được. Học Âm nhạc mang đến cho học sinh những giây phút thư giãn, thoải mái, học mà chơi, chơi mà học. Thông qua những giai điệu, những câu hát, lời ca, cử chỉ, điệu bộ, Âm nhạc giúp các em nhận thức những hình tượng âm thanh, giai điệu, kích thích cảm xúc của các em, giúp các em cảm thụ những giai điệu qua từng bài hát, từng nét nhạc.
Vì vậy, để nâng cao khả năng tiếp thu âm nhạc của nhạc của học sinh, có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
- Xây dựng môi trường Âm nhạc trong lớp: để tạo nên sự hứng thú Âm nhạc, giáo viên cần tạo nên một môi trường Âm nhạc trong lớp hiệu quả hay nói cách khác cần kích thích năng lực ca hát cho học sinh. Để làm được điều này, ngay trong những tiết dạy, giáo viên cần tạo cho học sinh niềm say mê ca hát. Ngoài ra, giáo viên nên tổ chức các trò chơi, các câu đố vui giao lưu giữa các nhóm trong lớp, các thành viên trong nhóm. Mặt khác, giáo viên cần là người thấu hiểu được nguyện vọng ca hát của học sinh nhằm góp phần tạo nên tính tương tác giữa thầy và trò. Giáo viên cần tạo cho tất cả học sinh đều được tham gia ca hát, vận động đặc biệt những học sinh rụt rè, thiếu tự tin.
- Thay đổi hình thức tổ chức dạy học linh hoạt: một tiết dạy học hiệu quả là sự tổng hợp hài hòa của rất nhiều yếu tố và hình thức tổ chức dạy học là một trong những yếu tố qua trọng góp phần tạo nên tính tương tác cho học sinh. Trong quá trình dạy học, giáo viên nên tổ chức hoạt động theo dãy, theo nhóm
trong dãy và có sự phối hợp giữa các giáo viên ngoài dãy. Đặc biệt, với hình thức tự chọn nhóm ngẫu nhiên sẽ là một sự kết hợp thú vị trong dạy học Âm nhạc, cụ thể: với lớp 3B tại trường Tiểu học Sơn Lâm có 16 học sinh, giáo viên có thể đưa ra 4 nhóm bông hoa với các màu sắc khác nhau (xanh, đỏ, hồng, vàng); giáo viên cho học sinh chọn màu sắc các em ưa thích và những học sinh có chung màu sắc sẽ trở thành một nhóm.
- Luyện tai nghe cho học sinh: phát triển khả năng nghe nhạc tạo điều kiện phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc cho học sinh. Giáo viên cần cho học sinh được lắng nghe bài hát nhiều lần, có thể liên hệ bài hát này với bài hát khác để so sánh giai điệu của bài hát. Đặc biệt trò chơi: nghe giai điệu đoán lời ca là một trò chơi hữu hiệu phát triển khả năng Âm nhạc cho học sinh.