Nghệ thuật độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu cảm quan sinh thái trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 78 - 80)

9. Bố cục của luận văn

3.1.Nghệ thuật độc thoại nội tâm

Theo Từ điển Thuật ngữ văn học: “Độc thoại nội tâm là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [10; tr.122].

Trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp viết về mối quan hệ giữa tự nhiên và con người đã khảo sát, chúng tôi nhận thấy một số truyện sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm rất thành công. Trong Muối của rừng là những ý nghĩ, những lời tự nhủ của nhân vật ông Diểu khi một mình đối diện với thiên nhiên, đối diện với những tình huống xảy ra trong cuộc đi săn của mình. Không một ai trả lời cho những suy nghĩ, những do dự, những quyết định của ông Diểu, chỉ có mình ông vật lộn với ngổn ngang những toan tính, suy nghĩ và hành vi của mình. Để

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu 73 http://www.lrc-tnu.edu.vn/

nhân vật tự đối diện với chính mình, tự độc thoại đã mang lại hiệu quả nghệ thuật cao cho truyện ngắn này. Nhân vật ông Diểu tự cảm nhận được không khí trong lọc của rừng, tự quyết định chọn con mồi, quyết định thời điểm nổ súng bắn hạ con khỉ. Đến khi bắn được con mồi ưng ý rồi, chính ông ta lại băng bó vết thương cho nó, vác nó xuống núi định mang về như một chiến lợi phẩm đáng tự hào sau cuộc đi săn. Nhưng cũng chính ông ta lại phóng sinh cho con vật tội nghiệp mà không có sự khuyên nhủ hay răn đe của bất cứ nhân vật nào khác. Điều này là một ý đồ nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp. Ông muốn để nhân vật của mình tự đối diện với chính bản thể của mình, tự đấu tranh cho cái Thiện và cái Ác tồn tại trong chính con người nhân vật, tự nhận ra sai lầm của mình và tự quyết định sửa sai bằng hành động cụ thể.

Cuộc đi săn một mình của ông Diểu trong rừng khiến ta liên tưởng đến ông già Ti-a-gô một mình đối diện với biển trong Ông già và biển cả (Enest Hemingway). Ông Diểu một mình đối diện với rừng, tự nhủ một mình trong nhiều tình huống, tự quyết định, tự chửi rủa, tự xấu hổ… Việc lựa chọn phương pháp độc thoại nội tâm là một công cụ hữu ích cho việc miêu tả tâm lý cho người đọc thấy được sự phức tạp về tâm trạng nhân vật trong hoàn cảnh.

Nguyễn Huy Thiệp viết về những suy nghĩ, những lời tự vấn lương tâm của nhân vật trong truyện ngắn Muối của rừng với những câu văn rất dài. Đó là cách thể hiện những ý nghĩ đau đáu, miên man của một con người khi đối diện với chính mình. Không có một đoạn hội thoại nào, chỉ đơn thuần là những lời độc thoại nội tâm. Đó là sự nghi ngờ lòng chung thủy của vợ chồng khỉ lúc ông Diểu đã bắn bị thương con khỉ đực: “Đồ gian dối, mày chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như một bà trưởng giả! Sự tan rã đạo đức bắt đầu từ những tấn bi kịch thế này, lừa ông sao được?”[45; tr.62]. Và: “Thôi Diểu ơi… - Ông buồn bã nghĩ, - với đôi chân thấp khớp thế này thì làm sao mày chạy nhanh bằng lòng tận tụy, thủy chung của khỉ?”[45; tr.63].

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu 74 http://www.lrc-tnu.edu.vn/

Thực chất trong cuộc đi săn của mình, ông Diểu đã một mình đối diện với rừng, với thế giới tự nhiên hoang dã. Cũng có thể coi đó là sự giao tiếp của ông ta với rừng. Nhưng thiên nhiên lại thể hiện tiếng nói của mình bằng cách riêng của nó chứ không giao tiếp bằng lời với con người, vì vậy, ông Diểu đã độc thoại trong suốt cuộc săn. Nguyễn Huy Thiệp để cho nhân vật mặc sức trải lòng và bày tỏ suy nghĩ của mình với các tình huống diễn ra trong suốt quá trình đi săn. Tác giả đứng ngoài những diễn biến tâm lý của nhân vật. Công chúng bóc từng lớp nghĩa đằng sau những suy nghĩ và hành động của nhân vật để hiểu dụng ý nghệ thuật của nhà văn.

Độc thoại nội tâm là lời thầm kín của nhân vật, khiến người đọc tin rằng những gì mình đọc được là sự thật, giúp người đọc hiểu hơn về thế giới nội tâm của nhân vật. Chính bởi vậy, trong truyện ngắn Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng thủ pháp này một cách hiệu quả trong việc lột tả bản chất của nhân vật ông Diểu. Những cuộc đấu tranh bên trong con người khi đối diện với tự nhiên, nhận ra được vẻ đẹp của tự nhiên; đồng thời cũng nhận thức được sự tàn nhẫn của mình khi tác động tiêu cực vào tự nhiên và cũng chính nhân vật tự nhận ra được cái sai của mình. Độc thoại nội tâm đã trở thành một công cụ hữu hiệu cho nhà văn khi mượn nhân vật để thể hiện cảm quan sinh thái của mình.

Một phần của tài liệu cảm quan sinh thái trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 78 - 80)