Chiến lược của Hàn Quốc

Một phần của tài liệu Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam (Trang 49)

Trong vòng ba thập kỷ, Hàn Quốc từ một nước chậm phát triển đã trở thành một nước công nghiệp phát triển, đứng thứ 12 trong khối OECD với mức thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 100 lần. Nhưng cuộc khủng hoảng cuối những năm 90 cho thấy nhiều vấn đề nghiêm trọng đã nảy sinh trong nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng truyền thống. Trong nỗ lực cải cách nhằm khôi phục nền kinh tế, Tổng thống Hàn Quốc đã uỷ quyền cho Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế (MOEF) cùng với 13 tổ chức nghiên cứu lớn chuẩn bị một loạt tài liệu về bối cảnh và một báo cáo phác thác về việc chuyển Hàn Quốc thành một nền kinh tế dựa trên tri thức. Tháng 4/2000, Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia (NEAC) đã thông báo công khai tầm nhìn dài hạn và kế hoạch lớn về phát triển Hàn Quốc thành một KBE. Các văn kiện này khẳng định quyết tâm xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức như là một chiến lược trung hạn và dài hạn để phát triển nền kinh tế và xã hội Hàn Quốc. Dưới đây là tóm tắt Báo cáo về bối cảnh và Kế hoạch Lớn chuyển Hàn Quốc thành một nền kinh tế dựa trên tri thức:

Báo cáo về bối cảnh : “Kế hoạch toàn diện về việc chuyển Hàn Quốc sang một KBE” quan niệm việc chuyển thành một nền kinh tế dựa trên tri thức có nghĩa là làm cho toàn bộ xã hội phù hợp hơn với việc sản xuất, phổ biến và khai thác tri thức. Năm mục tiêu chiến lược cụ thể đối với Hàn Quốc trong Kế hoạch lớn về phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức là:

- Làm cho Hàn Quốc trở thành một trong 10 siêu cường hàng đầu về thông tin và tri thức.

- Phát triển thế hệ tiếp theo của Internet và xa lộ thông tin cao tốc vào năm 2005.

- Khuyến khích sinh viên, giáo viên và quân đội sử dụng máy tính, tiến hành cải cách sâu sắc về giáo dục để trang bị cho đất nước khả năng tự chuyển sang nền kinh tế tri thức.

- Vận dụng sáng tạo những tiến bộ mới của một xã hội Internet trong một nền dân chủ trên cơ sở các quyền con người.

- Xoá bỏ sự phân chia theo trình độ phát triển qua sự thịnh vượng về năng suất và phát triển khu vực một cách cân đối.

Để đạt mục tiêu đó thì định hướng chính sách và phương hướng thực hiện như sau:

- Phát triển các nguồn nhân lực: (i) Xây dựng hệ thống giáo dục

cạnh tranh, mở rộng sự tham gia của các trường tư tự quản, trả lương trên cơ sở thành tích giảng dạy, thuê nhân viên giảng dạy hợp đồng, và định hướng giáo dục theo khách hàng (sinh viên) ở các trường đại học; (ii) Xây dựng một chế độ học tập suốt đời có thể tiếp cận được ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ lúc nào; (iii) Đào tạo hướng nghiệp và hệ thống phát triển nguồn lực con người; (iv) Cải cách hệ thống đào tạo nghề, tư nhân hoá các tổ chức đào tạo nghề công cộng sau khi chuyển họ sang các hệ thống kế toán tự hỗ trợ; (v) Chủ

động phòng tránh sự chia rẽ số hoá; (vi) Hệ thống đào tạo nghề phải được cá nhân hoá, tính đến những khả năng và tính cách của từng học viên.

- Cải thiện hiệu quả các khoản đầu tư R&D của chính phủ:

(i)Tăng cường chức năng điều phối của Hội đồng Khoa học và công nghệ quốc gia đối với các nghiên cứu của các bộ, ngành khác nhau; (ii) Xây dựng hệ thống quản lý và đánh giá R&D một cách công bằng và khách quan, chuyển Hàn Quốc từ “R&D định hướng bắt chước sang R&D sáng tạo”.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin: (i) Trở thành một quốc gia

dẫn đầu thế giới về sử dụng Internet; (ii) Sắp xếp lại các luật lệ liên quan đến tích lũy các nguồn thông tin cơ bản ở giai đoạn đầu.

- Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phần mềm: (i)

Khuyến khích mở rộng nhu cầu phần mềm; (ii) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ thông tin; (iii) Tăng cường khả năng cạnh tranh của công nghiệp phần mềm.

- Phân cấp quản lý tri thức: (i) Các công ty phải có chiến lược

kinh doanh rõ ràng và thực hiện quản lý tri thức để hỗ trợ cho những chiến lược kinh doanh này; (ii) Các nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn rộng về tri thức và phổ biến tri thức; (iii) Các công ty phải đóng vai trò chính trong việc thực hiện quản lý tri thức. Chính phủ có vai trò hỗ trợ và tạo ra môi trường thuận lợi cho việc quản lý tri thức của các công ty. Vai trò của Chính phủ có thể tóm tắt lại là tiến hành cải cách những quy định và luật pháp liên quan và xây dựng một cơ sở hạ tầng cho quản lý tri thức.

- Phát triển thị trường tri thức cơ bản và tri thức tiên tiến. (i)

Chính phủ phải có một tinh thần và khả năng đổi mới; (ii) Chính phủ phải tránh đóng vai trò của một tác nhân giám sát các hoạt động kinh tế của khu vực tư nhân và của người cung cấp hàng hoá công cộng. Thay vào đó, Chính

phủ phải đóng vai trò tạo ra môi trường và hệ thống khích lệ, điều sẽ tạo ra một khuôn khổ thể chế khuyến khích sự sáng tạo và truyền bá tri thức; (iii) Trong chi tiêu tài chính, Chính phủ phải tập trung chi tiêu của mình vào việc xây dựng vốn tri thức, thay cho việc xây dựng toàn bộ vốn xã hội; (iv) Cải tiến hệ thống thuế phù hợp với khuôn khổ kinh tế mới dựa trên tri thức; (v) Tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ; (vi) Tiêu chuẩn hoá phù hợp với thông lệ quốc tế; (vii) Nâng cấp hệ thống của Chính phủ để xây dựng hệ thống đánh giá vốn tri thức. Cần phải áp dụng một hệ thống đánh giá công nghệ và phát triển các chuyên gia về đánh giá các công nghệ khác nhau để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các công nghệ, nói cách khác là vốn tri thức.

Nhận xét

Chiến lược hướng tới kinh tế tri thức của Hàn Quốc là một chiến lược “từ trên xuống”, có tính tập trung hoá cao. Việc hoạch định chiến lược này chủ yếu thể hiện ý chí và quyết tâm của chính phủ, thiếu sự tham gia của người dân và doanh nghiệp và chỉ là một tập hợp các mảng chính sách và chương trình riêng rẽ nhưng có mối liên quan chung tới phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Thông qua mục tiêu chiến lược có thể thấy cách hiểu của Hàn Quốc về kinh tế tri thức là một môi trường kinh tế- văn hoá- xã hội mới với những đặc tính phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc học hỏi, đổi mới và sáng tạo. Trong môi trường đó, tri thức tất yếu sẽ trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên các biện pháp thực hiện cụ thể của chiến lược lại đi theo cách tiếp cận với quan niệm hẹp về tri thức như tập trung vào việc phát triển khoa học và công nghệ, không chú trọng đủ mức tới việc xây dựng một xã hội học tập, nâng cao tinh thần kinh doanh, và đặc biệt là không nhắc nhiều tới việc phát triển một thị trường cạnh tranh và mở cửa quốc tế.

Một phần của tài liệu Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam (Trang 49)