Về bản chất, kinh tế tự nhiên là nền kinh tế mà các quan hệ kinh tế bị giới hạn trong phạm vi địa phương. Kinh tế thị trường truyền thống dựa trên nền tảng công nghiệp “ống khói” là nền kinh tế quốc gia. Kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu vì nó dựa chủ yếu trên việc tạo ra và sử dụng tri thức vốn mang bản chất năng động, lan toả không biên giới nên các hoạt động kinh tế ngày càng được quốc tế hoá và đa phương hoá. Mặt khác, xuất phát từ các đặc điểm riêng, hoạt động sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức phải được tiến hành trên phạm vi toàn cầu thì mới đem lại kết quả. Các hoạt động này được hỗ trợ và thúc đẩy bởi tiến bộ của công nghệ thông tin, nhất là mạng Internet.
Đặc điểm này đặt ra cho các quốc gia yêu cầu phát huy năng lực nội sinh, tạo lập các điều kiện cần thiết như thể chế, nhân lực, hạ tầng thông tin... để khai thác và sử dụng hữu hiệu khối tri thức toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Các đặc điểm nêu trên là những thuộc tính chủ yếu của kinh tế tri thức. Dựa trên những đặc điểm này mà người ta cho rằng kinh tế tri thức là một vận hội đối với các nước đang phát triển cũng như đặt ra nhiều thách thức mà nghiêm trọng nhất là nguy cơ tụt hậu. Khái niệm nền kinh tế tri thức phản ánh một quan điểm phát triển mới về chất của nền kinh tế thế giới khi mà tri thức vừa trở thành nội dung, vừa là động lực của sản xuất. Xưa nay, về cơ bản tri thức được coi là của cải tinh thần, tức là một thứ sản phẩm. Nhưng tri thức còn tồn tại như một nguồn lực vật chất, nằm trong con người, được vật chất hoá trong các phương tiện công nghệ - kỹ thuật. Nó được tạo ra do con người,
thông qua con người và các nguồn lực khác để can dự trực tiếp vào quá trình tạo ra của cải vật chất và tinh thần. Do trong nền kinh tế tri thức, tri thức đóng vai trò là lực lượng sản xuất quyết định nhất nên quy trình hiện thực hoá tri thức với năm công đoạn ( tạo ra, thu nhận, đồng hóa, sử dụng, truyền bá) cũng là quy trình sản xuất chủ yếu quyết định sự phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, nhận xét trên gợi ý hướng lựa chọn trọng tâm của chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Đối với những nước nghèo có trình độ phát triển thấp, để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách tụt hậu phát triển thì không nhất thiết phải trải đều nguồn lực ít ỏi mà có thể tập trung nỗ lực vào bốn khâu cuối là thu nhận, đồng hóa, sử dụng và truyền bá tri thức. Tuy nhiên để hấp thụ và sử dụng tri thức có hiệu quả các nước đang phát triển cần phải chú trọng một số vấn đề:
Thứ nhất, tăng cường phát triển năng lực nội sinh làm cơ sở chọn lọc,
thu nhận, đồng hóa, sử dụng và truyền bá tri thức trong phạm vi quốc gia. Ví dụ Trung Quốc nhập một nhà máy lọc dầu, trong quá trình vận hành nhờ nắm vững nguyên lý và có nghiên cứu cơ bản nên đã tiến hành cải tiến, làm tăng công suất nhà máy, sau đó tự chế tạo, lắp đặt nhà máy lọc dầu khác có công suất lớn hơn với chi phí thấp 2-3 lần. Ngoài ra tri thức tại chỗ đôi khi tỏ ra hữu hiệu hơn trong giải quyết các vấn đề đặt ra tại địa phương. Đây là những tri thức truyền thống có ích cần được phát huy như việc chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, các giống cây trồng vật nuôi bản địa...
Thứ hai, phát triển dựa trên tri thức đòi hỏi và cho phép việc học tập
được tiến hành liên tục. Thích ứng với điều kiện đó, hệ thống giáo dục ở các nước đang phát triển cần phải được đổi mới theo hướng: giáo dục cơ bản tập trung phát triển những năng lực làm nền tảng cho việc học tập suốt đời; giáo dục đại học tập trung xây dựng tri thức cho một xã hội dựa vào thông tin; mở
rộng các hình thức đào tạo, coi trọng đào tạo hướng nghiệp và học hỏi thông qua việc làm.
Thứ ba, ứng dụng các thể chế mới đảm bảo độ tin cậy của thông tin sẽ
vừa có tác dụng khắc phục các hạn chế cản trở giao dịch trong nước vừa tạo sự khuyến khích giao lưu thông tin với quốc tế. Công việc cụ thể là phát triển hệ thống tiêu chuẩn - đo lường – chất lượng, xây dựng những chuẩn mực về kế toán – kiểm toán, dảm bảo các luồng thông tin hai chiều, tăng cường năng lực của hệ thống pháp lý cũng như các quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế khẳng định khả năng ứng dụng các thể chế tiên tiến đảm bảo độ tin cậy của thông tin ngay tại các nền kinh tế kém phát triển. Khảo sát của Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) cho thấy trong số 53 doanh nghiệp chủ yếu được xem xét ở Braxin có 55% đã tăng năng suất do kết quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO9000, 35% đã cải tiến việc tiêu chuẩn hóa các qui trình sản xuất, 31% đã tăng cường sự tham gia của nhân viên trong kiểm soát chất lượng và hơn 20% đã báo cáo là làm tăng sự thỏa mãn của khách hàng [17,47].