Cấu trúc mạng

Một phần của tài liệu Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam (Trang 29 - 30)

Với xu hướng phát triển kinh tế tri thức, các quan hệ kinh tế thị trường truyền thống vốn được cấu trúc theo chiều ngang đang dần dần được tái tổ chức lại theo kiểu cấu trúc mạng, phức tạp. Cấu trúc mạng này được hình thành bởi: (i)sự tiến bộ của lực lượng sản xuất đặc biệt là khoa học công nghệ; (ii)sự phát triển của các chủ thể, thể chế khu vực và toàn cầu;(iii) quá trình phi tập trung hóa cấu trúc kinh tế xã hội. Trong cấu trúc mạng, cơ cấu quyền lực trong nền kinh tế có sự thay đổi. Hình thái phát triển dựa trên quan hệ lệ thuộc, cai trị của các nền kinh tế dựa vào sức người, tài nguyên (theo cách phân chia của Ngô Quý Tùng, [32,34-44]) được thay thế bằng quan hệ tham dự, bình đẳng về chức năng trong cơ cấu của các thành tố. Tuy nhiên sự bình đẳng về nguyên tắc của các bộ phận cấu trúc mạng không có nghĩa là bình đẳng trên thực tế giữa chúng tại từng thời điểm nhất định trong những quan hệ xác định do nguyên nhân chênh lệch trình độ phát triển giữa các ngành, quốc gia và khu vực.

Gắn liền với cấu trúc mạng là sự xuất hiện của phương thức tổ chức quản lý mới trong nội bộ nền kinh tế, các tổ chức và doanh nghiệp. Mô hình tổ chức hình tháp, thứ bậc phân cấp rõ rệt về chức năng với một hệ thống chỉ huy từ trên xuống theo kiểu “dây chuyền Taylor” hiện nay được thay thế bởi các loại hình tổ chức mới theo kiểu mạng lưới trong đó con người được đặt vào vị trí trung tâm để phát huy vai trò sáng tạo của từng cá thể. Kiểu tổ chức quản lý mới này đang được các nước công nghiệp phát triển coi là hết sức phù hợp đối với việc tự quản của các công ty, tập đoàn, các cơ quan và tổ chức nghiên cứu, cũng như để cạnh tranh có hiệu quả cao thông qua đổi mới công

nghệ. Trong lĩnh vực lập pháp môi trường "nối mạng" cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để thực thi dân chủ trực tiếp.

Một phần của tài liệu Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam (Trang 29 - 30)