Hệ thống chỉ tiêu đo lường kinh tế tri thức của Ngân hàng thế giới ( Knowledge Assessment Matrix KAM )

Một phần của tài liệu Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam (Trang 34 - 36)

Chương trình “Tri thức vì phát triển” của Ngân hàng thế giới (WB) sử dụng phương pháp Ma trận đánh giá tri thức - KAM (Knowledge Assessment

Matrix), bao gồm một bộ chỉ tiêu đánh giá cơ cấu và tính chất kinh tế- xã hội

của một quốc gia về trình độ kinh tế tri thức. Tất cả các chỉ tiêu được quy về thang điểm 10. Mục tiêu của KAM là xác định các vấn đề và cơ hội mà một nước phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế tri thức, cũng như những trọng tâm chính sách và đầu tư trong tương lai.

Trong lần giới thiệu đầu tiên KAM gồm 61 chỉ tiêu. Đến thời điểm này, sau khoảng 2 năm , WB đã có 2 lần thay đổi và bổ sung một số biến số. KAM năm 2002 có 69 biến số, bao gồm : 7 chỉ tiêu đo lường thành tựu kinh tế, 11 chỉ tiêu đo lường chế độ kinh tế, 7 chỉ tiêu đo lường chế độ thể chế, 15 chỉ tiêu đo lường nguồn lực con người, 15 chỉ tiêu đo lường hệ thống đổi mới và 14 chỉ tiêu đo lường kết cấu hạ tầng thông tin. ( Cụ thể các chỉ tiêu trong phụ lục 2 )

Nếu đi sâu phân tích các biến số, sự thay đổi số lượng, loại chỉ tiêu và cách sắp xếp có thể thấy rõ hơn sự thay đổi trong quan điểm đánh giá và làm thế nào để tạo ra, phổ biến, thực sự sử dụng tốt tri thức cho phát triển của WB. Tuy nhiên có thể thấy ngay hệ thống các chỉ tiêu này đo lường bốn mảng thiết yếu trong sự phát triển một nền kinh tế dựa trên tri thức, đó là:

- Một môi trường kinh tế và thể chế cung cấp nhiều sự khuyến khích đối với việc sử dụng có hiệu quả những tri thức hiện có và tri thức mới, và thúc đẩy sự nẩy nở tinh thần kinh doanh.

- Một lực lượng lao động có giáo dục và có kỹ năng để sản xuất, chia sẻ và sử dụng tốt tri thức.

- Một kết cấu hạ tầng thông tin năng động để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc, truyền bá và xử lý hữu hiệu thông tin.

- Một hệ thống đổi mới có hiệu quả gồm các hãng, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, các nhà tư vấn và các tổ chức khác để khai thác khối tri thức toàn cầu, cập nhật và đồng hoá chúng nhằm phục vụ cho những nhu cầu địa phương.

Thêm vào đó, KAM còn bao gồm các chỉ số theo dõi thành tựu của nền kinh tế. Những chỉ số này cho thấy một nền kinh tế đã thực sự sử dụng tốt tri thức như thế nào vì sự phát triển kinh tế xã hội chung.

Ba hệ thống đo lường trên cho thấy sự thừa nhận chung trên thế giới về vai trò ngày càng quan trọng của tri thức và công nghệ trong phát triển kinh tế. Mặc dù có một số khác biệt nhưng cơ bản các hệ thống chỉ tiêu do OECD, APEC và WB xây dựng đều thống nhất ở quan điểm để phát triển kinh tế tri thức đòi hỏi phải thiết lập một môi trường kinh tế – văn hóa – xã hội có những đặc tính phù hợp và tạo thuận lợi nhất cho việc học hỏi, đổi mới và sáng tạo. Xét theo nghĩa này kinh tế tri thức có thể được hiểu như một giai đoạn phát triển mới của toàn bộ nền kinh tế.

Trong điều kiện nền móng lý thuyết liên quan tới kinh tế tri thức vẫn chưa được xác định rõ ràng, chương 2 sẽ phân tích một số chiến lược quốc gia hướng tới kinh tế tri thức như là những quan niệm thực tế để củng cố luận điểm lý thuyết đã nêu nhằm nhận diện nền kinh tế này.

Chương 2: CHIẾN LƯỢC HƯỚNG TỚI KINH TẾ TRI THỨC

Một phần của tài liệu Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam (Trang 34 - 36)