Đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, xóa bỏ các hủ tục

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho lao động các dân tộc ít người trên địa bàn huyện Sa Pa – tỉnh Lào Cai (Trang 89)

các hủ tục

3.2.1.1 Giáo dục đào tạo

Mở rộng chương trình, nội dung dạy nghề phù hợp với yêu cầu của từng nhóm đối tượng.

Nhóm lao động thuần nông có nhu cầu đào tạo nghề ngắn hạn, tập trung chủ yếu vào các nội dung kỹ thuật nông-lâm-ngư nghiệp, thú y, bảo vệ thực vật và sơ chế bảo quản nông sản.

Nhóm lao động tiểu thủ công nghiệp: may mặc, dệt, mộc, thêu, đan. Việc duy trì và phát triển các làng nghề không chỉ nhằm bảo tồn, gìn giữ nét đẹp truyền thống bản sắc văn hoá các dân tộc mà còn giải quyết được lượng lớn lao động ở địa phương, góp phần tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn.

Nhóm dịch vụ tập trung chủ yếu vào ăn uống, thương mại, dịch vụ nhất là du lịch, sửa chữa thiết bị đồ dân dụng, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đào tạo lao động có chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao. đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với đơn vị sử dụng lao động. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo (dài hạn, ngắn hạn) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực của thị trường lao động. Đa dạng hóa các loại hình trường lớp (công lập, bán công lập, dân lập, tư thục) để huy động mọi tiềm năng, mọi lực lượng xã hội tham gia đào tạo tìm kiếm việc làm. Đa dạng hóa nguồn kinh phí cho đào tạo: từ ngân sách, từ đóng góp của người học, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, từ nguồn viện trợ hoặc vay nước ngoài, từ hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ của cơ sở đào tạo. Đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa cần đầu tư ngân sách cho một số cơ cở dạy nghề lưu động, để tổ chức nâng cao mạng lưới đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ ở các thôn bản. Cần có cơ chế chính sách khuyến khích học nghề. Sa Pa là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông đi lại chưa được thuận tiện, thu nhập người dân còn thấp, do vậy cần có chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí trong thời gian đào tạo (nếu đào tạo tập trung). Trong thời gian học, nếu làm ra sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường sẽ được hưởng lợi từ sản phẩm đó.

Hoạt động dạy nghề cần gắn chặt với thị trường. Dạy nghề theo nhu cầu của thị trường, của các doanh nghiệp, chính vì vậy việc phối hợp giữa cơ sở đào tạo và nơi tuyển dụng là rất quan trọng. Chính quyền các cấp trong tỉnh cần xây dựng được kênh thông tin cần thiết này.

Phát triển phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phát triển trung học phổ thông. Cần đặc biệt chú ý phát triển hình thức trường dân tộc nội trú và bán trú, tạo nguồn cho đào tạo, phát triển lao động chuyên môn kỹ thuật, để thực hiện được mục tiêu tạo nguồn lực trình độ cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh với chất lượng cao.

Những học sinh có năng lực tư duy cần được bồi dưỡng, lựa chọn, định hướng để tiếp tục chuyển lên học ở trường năng khiếu hoặc trường dân tộc nội trú của tỉnh - nơi có điều kiện học tập tốt hơn. Tại trường dân tộc nội trú của tỉnh, học sinh tiếp tục được phân luồng thành nhiều loại: những học sinh xuất sắc cần bồi dưỡng để có đủ năng lực thi thẳng vào các trường đại học hoặc chuyển sang hệ dự bị đại học. Những học sinh có năng lực và tư duy trung bình trở xuống cần định hướng thi vào các trường trung học chuyên nghiệp hoặc trường dạy nghề. Sau khi tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, trải qua thực tiễn công tác, năng lực tư duy phát triển hơn, có thể tiếp tục học lên bậc cao đẳng, đại học thông qua nhiều hình thức phi chính quy rất phong phú như hiện nay.

3.2.1.2. Xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu

Hủ tục của người dân tộc Mông, trong việc cưới, người Mông thường dựng vợ, gả chồng cho con khi tuổi đời còn rất trẻ (13 - 14 tuổi). Do không được tìm hiểu trước khi hôn nhân hoặc hôn nhân cùng huyết thống, nên chưa đủ khả năng gánh vác trách nhiệm gia đình dẫn đến đói nghèo, bệnh tật, giống nòi chậm phát triển, gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và thế hệ tương lai.

Ví dụ: Để đời sống của người dân thay đổi, xóa bỏ các hủ tục, xã Bản Hồ chọn làm điểm về cải tạo hủ tục trong việc cưới, việc tang. Cùng với nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, huyện còn tổ chức cho già làng, trưởng thôn, bản và hai dòng họ Thào và họ Lù đi tham quan, học tập tại xã Sín Chéng (Si Ma Cai)… Nhờ sự nỗ lực, những hủ tục, thói quen cũ của người dân Bản Hồ, như tảo hôn, mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi dài ngày, thói quen ăn ở mất vệ sinh... đã giảm rõ rệt.… Trong các buổi họp thôn, lãnh đạo xã trực tiếp dự và tuyên truyền, vận động để bà con hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình, phối hợp với trưởng thôn, bản rà soát các trường hợp nam, nữ ở độ tuổi sắp kết hôn… Khi phát hiện gia đình nào định tổ chức cưới cho con khi chưa đủ tuổi, trưởng thôn lập danh sách báo cáo xã, cử người đến gặp gia đình giải thích và yêu cầu ký cam kết… Do thực hiện quyết liệt, đến nay trên địa bàn thôn không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, cần xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu trong lao động sản xuất. Về công cụ sản xuất lương thực: hiện nay hầu hết các hộ gia đình vẫn sử dụng công cụ lao động là cày, bừa truyền thống để sản xuất lương thực mà người miền xuôi đã ít sử dụng nó từ lâu rồi. Sử dụng cày, bừa truyền thống mất nhiều thời gian mà năng suất lại thấp. Đây là một phong tục, tập quán lạc hậu. Nhưng, thực tế thì nhiều nơi dù có muốn sử dụng công cụ sản xuất tiên tiến, hiện đại thì họ cũng không thực hiện được bởi hai lý do: Thứ nhất, họ không có tiền để mua và thứ hai, là đối với các loại ruộng nước ở những nơi đất trũng, các ruộng bậc thang, có diện tích nhỏ, thì máy móc hiện đại như máy cày, máy bừa rất khó sử dụng.

Về chăn nuôi giá súc, gia cầm: hiện nay còn một phận hộ gia đình thực hiện phong tục, tập quán chăn nuôi vẫn còn lạc hậu ở hai khía cạnh: Một là,

chăn thả tự do và hai là, không có chuồng nuôi, nhốt riêng. Với trâu, bò thì khi được hỏi một số người trả lời họ buộc ở đầu nhà hoặc những gia đình có

nhà sàn thì nhốt ở gầm nhà sàn. Đây là một phong tục, tập quán lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người dân cũng như sức sản xuất, nhưng các dân tộc thiểu số vẫn thực hiện mà chưa thể chuyển thành chăn thả tại nơi quy định.

Về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, dân số Sa Pa chủ yếu là người Mông. Kinh tế truyền thống của người Mông là kinh tế nương rẫy, đòi hỏi cường độ lao động cơ bắp rất cao. Do đó sức lao động trở thành nguồn tài sản quan trọng nhất. Gia đình nào có nhiều lao động thì số lương thực thu về càng nhiều. Trong xã hội truyền thống, gia đình đông con, dòng họ lớn là gia đình có điều kiện sản xuất tốt. Vì vậy đã hình thành một tâm lý cần đông con nhiều cháu. Tâm lý này càng được củng cố ở các làng H’Mông còn du canh du cư. Sự đông con, nhiều cháu, dòng họ, gia đình phát triển là một tiêu chí củng cố mối quan hệ xã hội. Tâm lý đông con hiện nay vẫn chi phối số đông người H’Mông ở các vùng còn sản xuất nương rãy. Chính vì vậy đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng con cái không có điều kiện đi học thừa lao động, thiếu việc làm, nghèo đói. Vì vậy cần có chính sách kế hoạch hóa tuyên truyền cho người dân về chính sách dân số. xóa bỏ dần phong tục này.

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho lao động các dân tộc ít người trên địa bàn huyện Sa Pa – tỉnh Lào Cai (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)