Sa Pa với điều kiện tự nhiên thuận lợi được thiên nhiên ban phú, vừa đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông- lâm nghiệp, sử dụng đất hợp lý với từng loại cây trồng để đem lại việc làm và thu nhập cho người lao động nông thôn; từng bước xóa đói, giảm nghèo; thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của các địa phương, trong vùng quy hoạch bổ sung trồng cây cao su phát triển bền vững; giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền quốc gia dọc tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Dự kiến trong thời gian tới sẽ đạt được:
- Tổng sản phẩm (TSP)/người năm 2015 đạt 31,8 triệu đồng, năm 2020 đạt 66,7 triệu đồng.
- Tăng trưởng bình quân TSP giai đoạn 2011 – 2015 đạt 16%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 đạt 14%/năm.
- Tốc độ tăng trưởng VA của từng khu vực:
+ Khu vực công nghiệp – xây dựng: đạt 18,5%/năm và 15%/năm ở từng giai đoạn phát triển.
+ Khu vực nông, lâm, thủy sản: đạt 6,2%/năm và 4%/năm ở từng giai đoạn phát triển.
+ Khu vực dịch vụ: đạt 18,2%/năm và 15,5%/năm ở từng giai đoạn phát triển.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2015 đạt trên 25%; năm 2020 đạt trên 43%. Công tác an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế của huyện Sa Pa vững chắc, lấy du lịch – dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới cần tiếp tục được sự quan tâm đầu tư phát triển theo các định hướng sau:
Một là:Du lịch - dịch vụ - thương mại tiếp tục là mũi nhọn, đột phá
để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.
TTrước hết cần đầu tư các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công truyền thống tại khu trung tâm xã Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ và các điểm nghỉ dừng chân, ngắm cảnh từ thị trấn đến các điểm du lịch kể trên, các điểm dừng chân ngắm cảnh này được xây dựng mô phỏng nét đẹp tiêu biểu trong kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc. Đồng thời với việc tạo địa điểm bán hàng, cần nghiên cứu và áp dụng chính sách hỗ trợ cho sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủ công truyền thống. Khu vực trung tâm thị trấn cần được bố trí những điểm bán hàng hợp lý để du khách có thể dạo chơi và mua những sản phẩm lưu niệm. Trên cơ sở đáp ứng nhu cầu điểm bán hàng sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp đeo bám để bán hàng trên phố cũng như dọc các tuyến đường.
Cần tậptrung phát triển các cơ sở dịch vụ lưu trú chất lượng cao. Theo đó, phải chọn được nhà đầu tư và quản lý được dự án đầu tư theo đúng cam kết. Phải thực hiện các biện pháp sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, có nhu cầu đầu tư thật, kiên quyết không chấp nhận hình thức kinh doanh lòng vòng dự án, nhà đầu tư giữ chỗ dự án bằng cách áp dụng cơ chế giao đất có thu tiền sử dụng đất, đặt cọc để đảm bảo triển khai dự án đúng như cam kết về quy mô, chất lượng dự án. Tiến hành quy hoạch chi tiết một số dự án trọng điểm, có quy mô lớn để mời gọi các nhà đầu tư có thực lực vào triển khai thực hiện tại các khu vực có thể phát triển. Từ đó, hình thành các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ và vui chơi giải trí có quy mô lớn và chất lượng cao.
Khẩn trương đầu tư các điểm du lịch có tiềm năng để quản lý và khai thác kinh doanh như thác Bạc, bãi chạm khắc đá cổ. Đây là những điểm đã có sẵn tiềm năng, cần tập trung đầu tư, tôn tạo để phục vụ khách du lịch. Khu vực bãi chạm khắc đá cổ phải được đầu tư thành một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, vừa đảm bảo quản lý, bảo tồn di sản văn hóa ; vừa khai thác cảnh quan phục vụ du lịch. Khu vực thác Bạc sẽ sớm quy hoạch, lập dự án mời gọi đầu tư để trở thành một điểm du lịch vệ tinh. Các điểm du lịch này có vai trò quan trọng là tạo sản phẩm du lịch, do đó, trong giai đoạn trước mắt cần có cơ chế vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư, vừa đảm bảo mục tiêu phục vụ.
Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, chú trọng thu hút đầu tư các dự án từ các thành phần kinh tế để phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ, nâng cấp và đầu tư mới các điểm du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch theo hướng chất lượng cao. Gắn qui hoạch mở rộng đô thị với qui hoạch phát triển du lịch.
Tạo môi trường phát triển du lịch bền vững trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước về dịch vụ, du lịch. Kiện toàn bộ máy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn; củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Phát huy vai trò của hiệp hội nghề, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trong việc xây dựng môi trường du lịch. Chú trọng vào các khâu quản lý giá cả dịch vụ; xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với quản lý đô thị nhằm khắc phục những tình trạng đeo bám khách, bán hàng rong. Tích cực bảo vệ môi trường sinh thái, khẩn trương khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực đối với các tuyến du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng.
Tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; tổ chức tốt sự kiện và các hoạt động lễ hội truyền thống, tạo sản phẩm du lịch mới và quảng bá, thu hút khách du lịch.
Hai là: Mở rộng, đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị đạt tiêu
chuẩn đô thị loại IV.
Tăng cường quản lý trật tự đô thị, củng cố và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác quản lý trật tự đô thị từ huyện đến xã, thị trấn. Điều chỉnh Quy chế quản lý đô thị phù hợp với quy hoạch mới và phù hợp với văn hóa, tập quán và điều kiện thực tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để phổ biến và nâng cao nhận thức và ý thức trong việc chấp hành Quy chế quản lý đô thị, tự giác thực hiện các hoạt động xây dựng, giữ gìn cảnh quan, môi trường. Từ đó, thực hiện nghiêm túc Quy chế đô thị và nếp sống văn minh đô thị.
Quy hoạch mở rộng thị trấn Sa Pa, trên cơ sở đó từng bước lập quy hoạch chi tiết các khu mở rộng đô thị. Về kết cấu hạ tầng đô thị: tăng cường đầu tư các khu mở rộng đáp ứng yêu cầu đất ở dân cư và bố trí, sắp xếp các công trình công cộng, các khu vực phát triển dịch vụ; cải tạo, nâng cấp và chỉnh trang các khu hiện hữu, công viên, cây xanh tạo cảnh quan, đáp ứng yêu cầu đô thị loại IV. Thực hiện các cơ chế, chính sách để khai thác các lợi thế, các nguồn lực tại chỗ về đất, kết hợp với thu hút các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đạt tiêu chuẩn đối với đô thị loại IV.
Ba là:Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng
hoá chất lượng cao; từng bước xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
Tiếp tục xác định vùng sản xuất cây trồng để có hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tạo bước chuyển biến rõ nét trong cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Đối với sản xuất nông nghiệp truyền thống: tiếp tục đưa giống mới năng suất cao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định dân sinh; qui hoạch vùng tập trung ở các xã hạ huyện để tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao, có thương hiệu như Hương thơm, Tám thơm, Bắc thơm và tập trung đẩy mạnh sản xuất tăng vụ trên đất ruộng và đất nương đồi; duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm; vận động nhân dân làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, chủ động phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đối với sản xuất nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao: khai thác có hiệu quả lợi thế về khí hậu, đất đai khu vực thị trấn và các xã lân cận để qui hoạch, từng bước khôi phục và phát triển mạnh tập đoàn cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư, mở rộng diện tích rau sạch, hoa hàng hoá, cá nước lạnh, chè cao cấp và cây dược liệu; hợp tác với các doanh nghiệp để chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng các cơ sở sơ chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; đăng ký, kiểm soát thương hiệu đối với một số sản phẩm đặc hữu của Sa Pa. Phấn đấu giá trị sản xuất trên 1 đơn vị canh tác đạt 40 triệu đồng/năm.
Tăng cường công tác quản lý, trồng và bảo vệ rừng; đảm bảo nâng cao chất lượng rừng khu bảo tồn thiên nhiên, rừng kinh tế và rừng phòng hộ; đẩy mạnh trồng rừng cảnh quan, tạo môi trường sinh thái, phục vụ cho phát triển du lịch ở trung tâm thị trấn và các điểm du lịch trên địa bàn. Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 68% vào năm 2015.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội nông thôn: tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên xã; xây dựng, mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn đến trung tâm các khu dân cư; vận động nhân dân đẩy mạnh kiên cố hoá đường liên gia và thường xuyên duy tu bảo dưỡng các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt bốn mùa. Chú trọng đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt, sử dụng có
hiệu quả các nguồn nước, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; tiếp tục xây dựng và nâng cấp các cơ sở y tế, nhà văn hoá thôn; hoàn thành chương trình kiên cố hoá trường lớp học và tiếp tục xây dựng các trụ sở hành chính xã. Qui hoạch sắp xếp dân cư gắn với bố trí, di chuyển dân cư nơi cần thiết để nhân dân ổn định cuộc sống; nâng cao năng lực và chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với nhân dân khu vực nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015, 04 xã đạt 19 tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tập trung vào những xã có tỷ lệ đói nghèo cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và thực hiện các chính sách đảm bảo việc làm cho nông dân; tập trung nguồn lực và tăng cường chỉ đạo công tác xoá đói giảm nghèo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh cho nhân dân, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở nông thôn; thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; đẩy mạnh việc thực hiện đề án cải tạo tập tục lạc hậu trong tang ma và chống tảo hôn trên địa bàn; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tăng cường công tác phòng, chống các tai tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, năng lực và vị thế phụ nữ ở nông thôn.
Bốn là: Tiếp tục đầu tư phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, phát triển công nghiệp thuỷ điện để đảm bảo khai thác có hiệu quả, không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống dân sinh và cảnh quan môi trường sinh thái những khu vực khai thác nguồn thuỷ năng .
Qui hoạch xây dựng cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý của nhà nước, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp có điều kiện thuận lợi phát triển về qui mô và nâng cao chất lượng các loại sản phẩm. Khuyến khích phát triển và khai thác có hiệu quả các ngành nghề, làng nghề truyền thống như: Thêu, dệt thổ cẩm; thủ công mỹ nghệ; chế biến nông lâm sản; khai thác vật liệu xây dựng… Đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống dân sinh và du khách.
Năm là:Khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tăng cường quản lý
các nguồn thu cho ngân sách.
Tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ như: vận tải, ngân hàng tín dụng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, tư vấn, y tế, thể thao...
Có giải pháp phát triển, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư; khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài ngân sách; chú trọng nuôi dưỡng các nguồn thu thường xuyên bền vững từ các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, thủy điện, đất đai. Quan tâm, ưu tiên mở rộng cung ứng vốn cho các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, các chương trình mục tiêu của huyện, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các xã khó khăn trên địa bàn. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân mỗi năm đạt 15%.