Vai trò của ontology trong các cổng thông tin giáo dục cộng đồng

Một phần của tài liệu trình bày lý thuyết về web có ngữ nghĩa, ontology và các thế hệ phát triển của world wide web (Trang 76 - 78)

Các chuẩn của công nghệ Web có ngữ nghĩa đã gợi ra nhiều hướng tiếp cận mới để thiết kế Cổng thông tin cộng đồng. Đặc biệt là các chuẩn biểu diễn thông tin. RDF đưa ra khuôn dạng siêu dữ liệu linh hoạt và có thể mở rộng để mô tả tài nguyên; OWL hỗ trợ biểu diễn rõ ràng các ontology được sử dụng để phân loại và cấu trúc siêu dữ liệu.

Ontology được xem là trục xương sống (backbone) của Cổng thông tin giáo dục cộng đồng BKEduPortal. Ontology được sử dụng để tạo lược đồ phân loại linh hoạt nhằm mục đích phân loại các nguồn tài nguyên siêu dữ liệu. Ontology biểu diễn tri thức và các mối quan tâm chung trong cộng đồng.

Ontology được áp dụng trong các hệ thống hỗ trợ giáo dục cộng đồng với 3 mục đích sau:

 Giúp mô hình hóa dễ dàng các tri thức chung trong từng lĩnh vực học tập nghiên cứu, các nguồn tài nguyên được chia sẻ trong cộng đồng người sử dụng. Mục đích áp dụng ontology nhằm hỗ trợ tiến trình tạo siêu dữ liệu mô tả những gì tồn tại và cần thiết phải có trong hệ thống. Ngoài ra, ontology còn giúp mô hình hóa các đối tượng sử cuối trong cộng đồng với nhiều vai trò khác nhau. Thông tin về người sử dụng đã được mô tả trong mục 3.2.6, gồm các mục như họ tên, ngày sinh, giới tính, ... và vai trò trong cộng đồng như chuyên gia lĩnh vực, chuyên gia tư vấn, người được tư vấn, người sử dụng cuối, ...

 Tổ chức đánh chỉ mục hỗ trợ tìm kiếm theo ngữ nghĩa các tài nguyên học tập. Tài nguyên học tập trong hệ thống được diễn giải dựa trên các lớp và thuộc tính trong ontology. Mỗi tài nguyên học tập được gắn kèm 1 siêu dữ liệu mô tả, gồm các mục thông tin như tiêu đề, ngôn ngữ, mô tả nội dung, thể loại tài nguyên theo mục đích sử dụng, chủ đề phân loại tài liệu theo nội dung, … và có kiểu dữ liệu cụ thể. Mỗi mục thông tin trong hồ sơ có giá trị là dữ liệu số hoặc tương ứng là 1 lớp trong ontology, tùy thuộc vào kiểu dữ liệu.

 Mô hình hóa một mạng xã hội thể hiện sự đóng góp chia sẻ của các cá nhân trong cộng đồng. Ontology có thể hỗ trợ việc lập mô hình mạng xã hội bởi một số lý do sau:

o Thứ nhất, mục đích áp dụng chung của ontology là đặc tả và phát triển các khái niệm và quan hệ thuộc về một lĩnh vực cho trước. Mạng xã hội cũng có cùng mục đích, nhưng tập trung vào các thực thể và quan hệ xã hội. Do đó có thể thiết kế và áp dụng ontology lĩnh vực vào việc xây dựng các thực thể và quan hệ xã hội. Ontology được sử dụng để mô hình hóa các loại đối tượng sử dụng khác nhau trong cộng đồng người sử dụng để tạo thành một mạng xã hội, qua đó chúng ta có thể xác định được các chuyên gia và mối quan hệ của họ trong một lĩnh vực. Trong mô hình mạng xã hội, ontology giúp mô tả và phát hiện các mối quan hệ không tường minh giữa các thực thể.

o Thứ hai, thông qua cơ chế suy diễn và suy luận, ontology không cho phép lập mô hình chứa thông tin có thuộc tính mâu thuẫn hoặc không nhất quán. Lập mô hình mạng xã hội dựa trên ontology đảm bảo tính xác thực của thông tin đã được mã hóa trong hệ thống.

o Cuối cùng, với các kỹ thuật suy diễn, ontology cho phép tạo thông tin mới thông qua việc áp dụng các luật suy diễn. Với mạng xã hội dựa trên ontology, kỹ thuật

suy diễn có thể hỗ trợ phát hiện các khái niệm và quan hệ mới trên cơ sở những thực thể xã hội đang tồn tại như con người, tổ chức, sự kiện, địa điểm, …

Dựa trên các quan hệ xã hội, các thành viên trong cộng đồng có thể gắn kết với nhau hơn, và cung cấp thêm nhiều thông tin quí giá và làm tăng tính bảo mật về thông tin hơn.

Một phần của tài liệu trình bày lý thuyết về web có ngữ nghĩa, ontology và các thế hệ phát triển của world wide web (Trang 76 - 78)