Tính từ năm 1988 đến ngày 19/12/2008, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có 2834 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 26.266,7 triệu USD, đứng đầu danh sách các địa phương về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong nhiều năm liền. Điều đó cho thấy vị trí đầu tàu của Thành phố trong nền kinh tế đất nước nói chung cũng như trong thu hút FDI nói riêng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc thu hút FDI của Tp.Hồ Chí Minh đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt của một số địa phương lân cận: Bình Dương, Đông Nai, Bà Rịa Vũng Tàu...
Để tiếp tục duy trì và khuyến khích FDI, Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, những giải pháp dưới đây là những kinh nghiệm rất bổ ích đối với Đà Nẵng trong thu hút FDI:
Một là: Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính phục vụ doanh nghiệp, coi đây là khâu đột phá để hoàn thiện môi trường đầu tư:
+ Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa trong đầu tư. Một cửa tại Ban Quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất (đối với dự án trong khu) hoặc tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư (đối với dự án khác). Thực hiện triệt để cơ chế "một cửa" đối với nhà đầu tư nước ngoài.
+ Làm thủ tục cấp phép đầu tư qua mạng và rút ngắn hơn nữa thời gian cấp phép đầu tư. Từ đầu năm 2006 đến nay, số lượng doanh nghiệp mới thành lập theo Luật Doanh nghiệp là hơn 1.700 doanh nghiệp, trong đó khoản 50% là đăng ký kinh doanh qua mạng.
+ Lập quy hoạch và công khai thông tin về quy hoạch, chính sách ưu đãi, quy trình giải quyết dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Lần đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được danh mục dự án kêu gọi đầu tư khá chi tiết để trình bày tại Hội chợ Đầu tư vừa diễn ra trong tháng 11/2005.
+ Công khai quy hoạch, điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh, để người dân tham gia kinh doanh và giám sát cơ quan quản lý Nhà nước.
Hai là: Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp:
"Ðồng hành cùng doanh nghiệp" không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành nội dung công tác của chính quyền Thành phố.
+ Hình thành cửa làm thủ tục xuất nhập cảnh dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài tại sân bay Tân Sân Nhất. Để đi qua cửa ưu tiên, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần xuất trình Thẻ chứng nhận nhà đầu tư nước ngoài do Sở Kế hoạch đầu tư cấp. Trường hợp nhà đầu tư đang làm hồ sơ dự án, phải đi lại nhiều lần sẽ được cấp thẻ ưu tiên có giá trị từ 3 đến 6 tháng. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn được phòng xúc tiến đầu tư trợ giúp tìm thông tin về quỹ đất, cách thức lập dự án…
+ Lập bộ phận thường trực làm đầu nối với các doanh nghiệp để giúp chính quyền thành phố gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
+ Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả sau khi đăng ký kinh doanh. Tôn trọng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các
nhà đầu tư và doanh nghiệp. Thành phố tiếp tục áp dụng một số chính sách như hỗ trợ vay vốn kích cầu đổi mới công nghệ thiết bị, quỹ hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm chủ lực... Tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có được mặt bằng sản xuất theo đúng yêu cầu. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp góp vốn, thế chấp vay vốn đầu tư tái sản xuất mở rộng.
Ba là: Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư.
Xây dựng có hiệu quả cơ chế xúc tiến đầu tư là thành lập Tổ liên ngành để phối hợp các sở, ngành làm việc này. Tổ liên ngành hàng tháng quyết định ngay các vấn đề của nhà đầu tư và nếu sở, ngành nào vắng mặt không có lý do cũng phải chịu trách nhiệm về các vấn đề của Tổ. Năm 2005, Tổ liên ngành đã tổ chức hơn 60 cuộc họp và lãnh đạo các sở luôn có mặt đầy đủ.
Tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, họp mặt doanh nhân để nắm bắt nhu cầu đầu tư.
Theo nhận định của một số chuyên gia, các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư ở thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản là khá tốt, nhưng triển khai còn chậm chạp và thiếu liên kết với các bộ ngành chức năng trên địa bàn. Bên cạnh đó, những vướng mắc chính của tiến trình đầu tư là thiếu đất, thiếu nhân lực có trình độ cao, … rất cần phải khắc phục để cải thiện môi trường đầu tư.