Đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đà Nẵng (Trang 91)

Giải pháp này đòi hỏi phải có sự quan tâm của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước, đồng thời phải được triển khai đồng bộ các biện pháp xúc tiến với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành. Cần quan tâm củng cố các điều kiện cần thiết và lực lượng cán bộ cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng. Phải thường xuyên đổi mới về nội dung và phương thức vận động, xúc tiến đầu tư. Các chương trình vận động xúc tiến đầu tư phải được thực hiện theo ngành, lĩnh vực, địa bàn với các dự án và đối tác cụ thể, hướng vào các đối tác nước ngoài có tiềm lực về tài chính và công nghệ cao. Về ngành, lĩnh vực, cần tập trung vận động đầu tư vào các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử…

Về đối tác, cần mở rộng, đa phương hóa quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư thông qua các hoạt động đối ngoại, các diễn đàn quốc tế, các hoạt động xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, APEC, ASEM và các cuộc hội thảo về hợp tác đầu tư trong nước và ngoài nước. Cần xác định đối tác chiến lược của hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó rất chú trọng thu hút các công ty xuyên quốc gia, các nước có công nghệ nguồn, có năng lực tài chính, tiến tới xóa bỏ tình trạng thu hút các nhà đầu tư thiếu năng lực hay trung gian môi giới. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, cần chú ý đến đặc điểm của từng nước, từng đối tác, như đối với Hoa Kỳ chủ yếu là hoạt động của các công ty xuyên quốc gia; đối với EU chủ yếu là những quy định pháp lý trong nội bộ khối; đối với Nhật Bản là việc quan hệ chính phủ, cá nhân nguyên thủ quốc gia có tác dụng quan trọng trong việc khai thông mở đường cho hoạt động của các nhà đầu tư…

Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình kinh tế, thị trường của các nước đối tác, đặc điểm và xu thế vận động của FDI trong từng giai đoạn;

chú ý nâng cao chất lượng thông tin, nhất là thông tin về luật pháp, chính sách, kinh nghiệm của nước ngoài cũng như các địa phương trong nước, thông tin tuyên truyền, quảng cáo về môi trường đầu tư ở Đà Nẵng. Bố trí ngân sách thích đáng phục vụ hoạt động vận động, xúc tiến đầu tư, chú ý cho hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, các văn phòng đại diện của thành phố ở nước ngoài.

Hình thức vận động đầu tư nước ngoài cần được đặc biệt chú ý. Thời gian qua, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác chủ yếu vận động theo kiểu “bán cả mớ”, chủ yếu đưa ra nhiều danh mục dự án để thu hút đầu tư mà không cần biết phía đối tác quan tâm đến những lĩnh vực nào. Việc xây dựng danh mục gọi vốn đầu tư nước ngoài chưa tính đến nhu cầu và điều kiện cụ thể của nhà đầu tư nước ngoài. Nội dung, hình thức tổ chức kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài còn đơn giản, nặng về tuyên truyền luật pháp, chính sách mà chưa tập trung vào chương trình vận động, kêu gọi đối với từng đối tác, lĩnh vực hoặc dự án cụ thể, kinh phí phục vụ công tác xúc tiến đầu tư còn eo hẹp. Do vậy, cần nâng cao nghiệp vụ, tận dụng các nguồn lực bên ngoài để đa dạng hoá các hình thức vận động đầu tư.

Đà Nẵng đã có Trung tâm Xúc tiến đầu tư, do vậy các hoạt động xúc tiến đầu tư phải được tập trung thực hiện tại cơ quan này.

Để thực hiện có bài bản công tác xúc tiến đầu tư, trước hết phải tập trung hoàn thành những mục tiêu của giai đoạn 2006 - 2010, từng bước hoàn thiện kế hoạch đến năm 2020. Đây là công việc rất quan trọng, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, có tính đến cả việc mời cơ quan tư vấn có uy tín trong nước và quốc tế cùng tham gia xây dựng, nhằm tạo ra kim chỉ nam cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

Cơ sở để xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư cần bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng đến 2010; phương hướng nhiệm vụ phát triển Đà Nẵng đến năm 2020. Chiến lược cần dựa trên xu hướng đầu tư nước ngoài trên thế giới và khu vực; các yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Xác định cụ thể các ngành nghề và đối tác ưu

tiên thu hút đầu tư nước ngoài như đã trình bày ở phần định hướng về lĩnh vực và nước đầu tư.

Tiếp theo, xúc tiến đầu tư còn đòi hỏi phải xây dựng và thực thi kế hoạch hành động cụ thể, quy định rõ thời gian và các công việc cơ bản phải hoàn thành trong từng khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, cần nâng cao kỹ năng xúc tiến đầu tư, tập trung vào việc xây dựng và củng cố hình ảnh của Đà Nẵng trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao nhận thức và đi đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Các hoạt động xây dựng nhận thức và hình ảnh là nền tảng của công tác xúc tiến đầu tư, khi nhà đầu tư thiếu hiểu biết hoặc có cảm nhận tiêu cực về một địa phương thì mọi cố gắng, nỗ lực để xúc tiến đầu tư sẽ không có hiệu quả. Xây dựng và củng cố hình ảnh làm sao để nhà đầu tư luôn nghĩ rằng Đà Nẵng là một địa điểm đầu tư hấp dẫn.

Hình ảnh hiện nay về Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung trong nhận thức của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một vùng đất nghèo nàn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế - xã hội kém phát triển, thị trường tiêu thụ nhỏ bé, kết cấu hạ tầng yếu kém, ... Do vậy, Đà Nẵng cần tuyên truyền theo hướng tập trung vào những vấn đề để tác động trực tiếp, làm thay đổi nhận thức nêu trên của nhà đầu tư nước ngoài. Các thông tin phục vụ công tác tuyên truyền phải đảm bảo chính xác, trung thực và nhất quán; trong đó cần làm nổi bật những lợi thế so sánh của Đà Nẵng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chẳng hạn về du lịch, Đà Nẵng có lợi thế là nằm giữa vùng có các di sản văn hoá thế giới là Hội An, Mỹ Sơn, Huế; có bãi biển được tạp chí Forbes (Hoa Kỳ) bầu chọn là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh với hàng loạt bãi tắm sạch đẹp như Non Nước, Bắc Mỹ An, Mỹ Khê; khu vực bán đảo Sơn Trà đặc biệt thích hợp cho du lịch lặn; có Cảng biển nước sâu Tiên Sa công suất 5 triệu tấn/năm, đón được các tàu du lịch biển loại lớn; có sân bay quốc tế duy nhất ở Miền trung; là điểm cuối hành lang kinh tế Đông - Tây nối dài từ Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào, theo đường 9 ra quốc lộ 1, xuyên qua Hầm đường bộ Hải Vân về Cảng Tiên Sa.

Cần sử dụng tổng hợp nhiều công cụ để xây dựng, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng với các nhà đầu tư, gọi chung là công cụ quảng bá, tuyên truyền.

Theo Công ty tư vấn Quốc tế Đức (có tên là Regionomica) thì các công cụ được các cơ quan xúc tiến đầu tư trên thế giới sử dụng nhiều nhất theo thứ tự như sau: tờ gấp giới thiệu, Internet, viếng thăm các công ty, hội chợ, các bài đăng trên tạp chí, quảng cáo, triển lãm, trao đổi thư từ, hội thảo, tiếp thị qua điện thoại và các công cụ khác.

Đối với Đà Nẵng, công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua đã sử dụng nhiều công cụ quảng bá, quảng cáo như tờ gấp, sách giới thiệu, các bản tin, các bài viết trên tạp chí, CD-ROM, Internet, hội thảo, triển lãm giới thiệu thông tin cơ bản về Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2006 - 2010, Đà Nẵng cần hướng ưu tiên vào việc tổ chức hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, triển lãm, hội chợ, giao dịch qua thư từ, điện thoại. Thông tin quảng bá giới thiệu cần chuyển hướng từ tổng quan sang chi tiết. Đặc biệt phải chọn lựa, viếng thăm các công ty để tiếp cận, theo đuổi đến cùng những nhà đầu tư nước ngoài cụ thể; hạn chế dần việc tiếp đón các nhà đầu tư vãng lai thường có năng lực kém. Sử dụng các nhà đầu tư lớn, đang làm ăn có uy tín ở Việt Nam hoặc ở Đà Nẵng để lôi kéo các nhà đầu tư khác, đây cũng là cách làm hiệu quả. Mặt khác, những nhà lãnh đạo cao nhất của thành phố như: Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp tiếp kiến các nhà đầu tư cũng là cách xúc tiến đầu tư cần được chú trọng.

Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư với các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài. Hiện nay, với vai trò là cơ quan ngang sở trực thuộc UBND thành phố thì mối quan hệ phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư với các cơ quan, tổ chức trong nước không đáng lo ngại, tuy nhiên mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức nước ngoài còn yếu. Đà Nẵng cần tập trung thiết lập quan hệ với các tổ chức xúc tiến, thương mại của các nước như JETRO (Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản), KOTRA (Cơ quan Xúc tiến đầu tư của Hàn Quốc). Đây là những tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, có khả năng cung cấp thông tin chính

xác về các nhà đầu tư tiềm năng ở nước sở tại, là một kênh quảng cáo về Đà Nẵng, về môi trường và cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng đến với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại TOKYO, làm cầu nối quan trọng để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh đang có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới. Thêm vào đó, cũng cần chú trọng việc thiết lập, duy trì mối quan hệ với các tổ chức xây dựng năng lực về xúc tiến đầu tư như MIGA (Cơ quan Đảm bảo đầu tư đa biên), UNESCAP (Uỷ ban Kinh tế và Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để học hỏi kinh nghiệm cũng như tranh thủ nguồn tài trợ cho việc tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư ở nước ngoài, đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư. Có chính sách khen thưởng, đãi ngộ thích đáng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động vận động, xúc tiến đầu tư.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đà Nẵng (Trang 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)