Môi trường pháp lý thuận lợi được tạo lập bằng cách ban hành và thực thi nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật và hệ thống các chính sách liên quan đến FDI, để dựa vào đó, các nhà đầu tư có thể chủ động trong việc lựa chọn phương án đầu tư được an toàn, ổn định; đồng thời đó cũng là căn cứ để giải quyết các quan hệ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư. Hệ thống pháp
luật và chính sách hoàn chỉnh, minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tôn trọng chính sách, pháp luật của nước chủ nhà. Ngược lại, các quy chế chính sách, bất hợp lý sẽ là rào cản nguồn vốn FDI.
Chính sách về tài chính là một trong những công cụ quan trọng mà Chính Phủ các nước dùng để cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút FDI. Chính sách tài chính thể hiện ở các mức thuế, thời gian miễn giảm thuế, ưu đãi tín dụng,… hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ở nước ta, trong khi thuế suất phổ biến về thuế thu nhập doanh nghiệp trong nước là 32% thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng thuế suất phổ biến là 25% . [45] Về chính sách sở hữu và đảm bảo đầu tư, các nước tiếp nhận đầu tư luôn phải cân đối tỷ lệ sở hữu vốn đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm đảm bảo tính bền vững trong quá trình phát triển của thị trường vốn và thị trường chứng khoán. Tuỳ vào từng điều kiện cụ thể, nước tiếp nhận đầu tư điều chỉnh tỷ lệ sở hữu vốn sao cho vừa thu hút được ngày càng nhiều vừa không để nền kinh tế quá phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị và có triển vọng thu được lợi nhuận cao.
Định hướng thu hút FDI và các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, các nước tiếp nhận FDI quy định rất cụ thể về những ngành và khu vực được đầu tư. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin và chủ động quyết định chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.
Ngoài các chính sách cơ bản đã phân tích ở trên, các nước tiếp nhận đầu tư còn có một số chính sách quan trọng khác như: chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, nhập khẩu thiết bị, cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, sử dụng đất, nhập cảnh… Trong thời gian tới, nước ta cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ cho hoạt động FDI nói riêng cũng như cho sự vận hành của nền kinh tế nói chung, và một số chính sách cơ bản mà các nhà đầu tư đang quan tâm là: chính sách đất đai, chính sách về thuế, chính sách về chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, chính sách đối ngoại.