Nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo cho việc tiếp thu công nghệ mới, làm chủ kỹ thuật và quy trình công nghệ đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài có thể sử dụng lao động tại chỗ và thực hiện triển khai công nghệ tiên tiến. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu đối mặt với khó khăn do thiếu lao động kỹ thuật lành nghề. Tình trạng này không chỉ diễn ra đối với lao động lành nghề mà ngay cả cán bộ quản lý và cán bộ làm việc trong các
doanh nghiệp liên doanh. Do đó, chính sách phát triển nguồn nhân lực là yếu tố tạo tính hấp dẫn của chính sách thu hút FDI.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cần chú trọng công tác cán bộ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Theo hướng này, thành phố Đà Nẵng cần có khẩn trương xây dựng, triển khai các đề án tổ chức đào tạo (bao gồm đào tạo mới và đào tạo lại) cán bộ kinh doanh, quản lý, công nhân kỹ thuật để có thể làm việc tốt trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cơ quan làm công tác xúc tiến đầu tư. Cụ thể:
Thứ nhất: Đào tạo công nhân lành nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Hiện nay, lao động rẻ không còn là yếu tố hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Khu vực FDI ngày càng có nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn cao. Để thu hút vốn FDI có hiệu quả, cần chú ý tới việc nâng cao năng lực, trình độ tay nghề, kỹ năng cho người lao động. Muốn vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
+ Nâng cấp hệ thống giáo dục phổ thông, phổ cập giáo dục trung học, làm cho chất lượng lao động phổ thông ở các ngành có trình độ trung học phổ thông.
+ Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục: Thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển giáo dục và đào tạo. Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề ngoài công lập.
+ Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục và dạy nghề. Trong đó, chú trọng nội dung đào tạo, nâng cao trình độ của giáo viên và cơ sở vật chất, kỹ thuật của các trường dạy nghề.
+ Đà Nẵng cần nghiên cứu xác định rõ nhu cầu lao động của các ngành nghề hiện tại và dự đoán cho tương lai để định hướng cho cơ sở đào tạo nghề xác định nội dung, chương trình đào tạo nghề cho phù hợp. Trong đó, cần đào tạo phát triển nhân lực có kỹ thuật và nâng cao tay nghề cho các ngành công
nghiệp, kỹ thuật chính xác, thiết kế công nghiệp, tự động hóa và công nghệ tiên tiến, điện tử công nghiệp...
+ Khuyến khích các doanh nghiệp, nhà máy tham gia phối hợp với các trường đào tạo nghề trong đào tạo nghề để có điều kiện đào tạo và thực hành trực tiếp tại chỗ mới đáp ứng được yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp.
Thứ hai: Đào tạo và đào tạo lại đối với cán bộ quản lý và cán bộ làm việc trong các doanh nghiệp liên doanh.
Những năm qua, cán bộ quản lý FDI đã phát huy vai trò to lớn trong việc thu hút và quản lý vốn FDI vào thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển nền kinh tế hiện đại cùng với sự phát triển của KH-CN đã nhanh chóng làm lỗi thời và mai một kiến thức một cách vô hình. Một số cán bộ chúng ta yếu về năng lực, thiếu kinh nghiệm trong công tác huy động và quản lý FDI. Chính vì vậy việc nâng cao năng lực và kiến thức là việc cần làm thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa to lớn.
Theo nhận xét, đánh giá của các chuyên gia, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cán bộ Việt Nam chỉ luôn luôn ở vào vị trí thứ yếu. Một mặt là do, bên Việt Nam góp vốn với tỷ lệ còn thấp (chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất), nên người nước ngoài đã và đang quyết định toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một mặt là do, cán bộ Việt Nam còn nhiều yếu kém cả về năng lực, kinh nghiệm quản lý và ngoại ngữ. Đó là vấn đề bức xúc, đòi hỏi cần phải gấp rút đào tạo tạo đội ngũ cán bộ của Việt Nam.
Tổ chức đào tạo cho cán bộ cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài có thể theo nhiều hình thức như tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, luật pháp, ngoại ngữ… nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về chuyên môn, tinh thần trách nhiệm trong công việc và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thứ ba: Phát triển thị trường lao động.
Phát triển một thị trường lao động có hiệu quả ở địa phương là nhân tố hết sức quan trọng để tăng tốc độ phát triển và khả năng cạnh tranh của Đà
Nẵng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đà Nẵng cần thực hiện một số biện pháp sau:
+ Nâng cao hiệu quả và tính linh hoạt của thị trường lao động bằng cách tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch các thủ tục tuyển mộ lao động, ký kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật lao động.
+ Phát triển hệ thống cung ứng, tư vấn việc làm.
+ Chính quyền thành phố cần có chính sách ưu đãi mạnh hơn nữa đối với các ngành công nghiệp đang giải quyết nhiều việc làm.
+ Chính quyền thành phố đảm bảo giải quyết việc làm cho công nhân kỹ thuật và sinh viên khá giỏi mới ra trường.
+ Chính quyền thành phố có những chính sách phù hợp để thu hút nhân tài các nơi, trước hết là những chuyên gia, các nhà quản trị giỏi của các ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn (như công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, luyện kim) hoặc đã có kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.