Để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong điều hành chính sách tiền tệ, sau một quá trình chuẩn bị, ngày 12/7/2000, NHNN đã chính thức khai trương nghiệp vụ thị trường mở. Đây là một bước tiến mới trong điều hành CSTT theo hướng sử dụng các công cụ trực tiếp sang công cụ gián tiếp để phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của kinh tế đất nước. NVTTM là công cụ tạo cho NHTW cụ thể, linh hoạt, chủ động tác động đến dự trữ của các TCTD từ đó tác động đến lượng tiền cung ứng theo ý đồ của CSTT thông qua việc NHNN mua, bán các loại GTCG với các đơn vị thành viên của thị trường mở. Từ đó đến nay, NVTTM ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu nhất định góp phần thực hiện mục tiêu CSTT quốc gia, là công cụ ngày càng hữu hiệu trong việc điều hành CSTT của NHNN. Trên cơ sở đó, các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định tạo cơ sở pháp lý cho
NVTTM hoạt động cũng được chỉnh sửa, đổi mới cho phù hợp với sự phát triển của thị trường. Một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất tạo nên khuôn khổ pháp lý cho hoạt động NVTTM tại Việt Nam bao gồm: Quy chế quản lý vốn khả dụng, Quy chế nghiệp vụ thị trường mở, Quy chế lưu ký giáy tờ có giá và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
- Luật Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010
Theo Điều 10 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ.”
Theo quy định tại Điều 15, Luật NHNN năm 2010: “Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với tổ chức tín dụng. NHNN quy định loại giấy tờ có giá được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở.”
- Quy chế quản lý vốn khả dụng ban hành kèm theo Quyết định số 37/2000/QĐ-NHNN1 ngày 24/1/2000 của Thống đốc NHNN
Quyết định “bơm” hay “hút” tiền của NHNN thông qua nghiệp vụ thị trường mở phải căn cứ vào vốn khả dụng của toàn hệ thống ngân hàng, vì vậy việc quản lý và dự báo vốn khả dụng nhằm phục vụ cho điều hành hoạt động thị trường mở là vô cùng quan trọng. Điều 1, Quy chế Quản lý vốn khả dụng quy định: “Quản lý vốn khả dụng là sự kiểm soát của NHNN đối với sự thay đổi tiền gửi của các TCTD tại NHNN và thông qua việc sử dụng các công cụ của CSTT, đặc biệt là NVTTM để tác động vào khả năng thanh toán của các TCTD nhằm đạt được mục tiêu CSTT quốc gia trong từng thời kỳ”. NHTW có nhiệm vụ dự đoán sự biến động nhu cầu vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng cũng như những nhân tố ảnh hưởng đến nguồn cung ứng, từ đó mà có
các quyết định chính xác để bơm thêm hay hút bớt vốn khả dụng từ các ngân hàng. Theo Quy chế này, Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) có trách nhiệm tập hợp số liệu và thông tin về thu chi ngân sách từ Bộ Tài chính, các số liệu và thông tin từ các đơn vị thuộc NHNN và các nguồn thông tin khác để dự báo vốn khả dụng của các TCTD tại NHNN, xác định mức vốn khả dụng cần duy trì của các TCTD và kiến nghị khối lượng GTCG cần mua hoặc bán tại phiên giao dịch của NVTTM theo kỳ dự báo.
- Quy chế nghiệp vụ thị trường mở ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-NHNN ngày 5/01/2007 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Quy chế nghiệp vụ thị trường mở và Quyết định số 27/2008/QĐ-NHNN ngày 30/9/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế nghiệp vụ thị trường mở cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của NHNN và sự thay đổi của nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính, tiền tệ nói riêng.
- Quy chế lưu ký GTCG tại NHNN ban hành kèm theo Quyết định số 1022/2004/QĐ-NHNN ngày 17/8/2004. Phạm vi điều chỉnh của Quy chế này quy định việc lưu ký tại NHNN các loại GTCG được phát hành qua NHNN và các loại GTCG khác thuộc quyền sở hữu của khách hàng sử dụng để tham gia các nghiệp vụ thị trường tiền tệ, bao gồm: Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố GTCG, chiết khấu, thấu chi và cho vay qua đêm, thiết lập hạn mức nợ ròng, NVTTM giữa NHNN với các TCTD; nghiệp vụ tái chiết khấu, cho vay giữa các thành viên thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại NHNN.
- Quy định về mã khóa bảo mật của các nghiệp vụ đấu thầu tín phiếu, trái phiếu và nghiệp vụ thị trường mở ban hành kèm theo Quyết định số 738/2004/QĐ-NHNN ngày 16/6/2004. Theo Quy định này mã khóa bảo mật áp dụng trong các nghiệp vụ đấu thầu tín phiếu, trái phiếu và nghiệp vụ thị trường mở trên mạng máy tính để kiểm soát truy nhập, xác thực nguồn gốc,
bảo mật và kiểm tra tính toàn vẹn của dữ liệu giao dịch điện tử dùng trong các nghiệp vụ này.
Theo Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC ngày 22/10/2007, Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản trực tiếp tại TTLKCK để lưu ký chứng khoán là các loại giấy tờ có giá thuộc sở hữu của chính Ngân hàng Nhà nước và các khách hàng lưu ký của Ngân hàng Nhà nước nhằm phục vụ cho mục đích giao dịch trên thị trường tiền tệ.