Mục tiêu của chính sách tiền tệ

Một phần của tài liệu hoàn thiện nghiệp vụ thị trường mở tại ngân hàng nhà nước việt nam (Trang 26 - 28)

Nội dung của CSTT thể hiện thông qua việc thiết kế hệ thống mục tiêu CSTT trong từng thời kỳ bao gồm mục tiêu cuối cùng, mục tiêu trung gian và mục tiêu hoạt động.

- Mục tiêu cuối cùng:

Thông thường, mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ quốc gia được NHTW ở các nước lựa chọn là ổn định giá trị tiền tệ, trên cơ sở đó góp phần tăng trưởng kinh tế, rộng hơn là thúc đẩy tạo công ăn việc làm trong xã hội.

Ngoài các mục tiêu vĩ mô trên, một số nước còn tập trung vào các mục tiêu cụ thể, tùy thuộc vào đặc điểm phát triển kinh tế đặc của họ. Tuy nhiên, trong hoạt động điều hành CSTT của mình, không phải lúc nào NHTW cũng

đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra; trong ngắn hạn, đôi khi NHTW phải tạm từ bỏ mục tiêu chủ yếu để tập trung khắc phục tình trạng thất nghiệp cao đột ngột hoặc các ảnh hưởng của các cú sốc cung đối với sản lượng. Chính vì vậy, phần lớn NHTW đều chủ trương theo đuổi một mục tiêu trong dài hạn là ổn định giá cả và đa mục tiêu trong ngắn hạn khi thực thi và điều hành CSTT của mình. Khi thực hiện CSTT nới lỏng (hay CSTT mở rộng) nhằm tăng lượng tiền cung ứng, cũng có nghĩa là ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và chấp nhận lạm phát ở mức độ nào đó. Ngược lại, thực hiện CSTT thắt chặt nhằm giảm lượng tiền cung ứng, hạn chế đầu tư, kìm hãm sự phát triển quá đà của nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.

- Mục tiêu trung gian:

Bằng việc sử dụng các công cụ CSTT, NHTW không thể tác động trực tiếp và ngay lập tức đến các mục tiêu cuối cùng là giá cả, sản lượng và công ăn việc làm. Ảnh hưởng của CSTT chỉ xuất hiện sau một khoảng thời gian nhất định. Để khắc phục hạn chế này, NHTW của tất cả các nước thường xác định các chỉ tiêu cần đạt được trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng. Các chỉ tiêu này trở thành mục tiêu trung gian và mục tiêu hoạt động.

Tiêu chí để lựa chọn mục tiêu trung gian là có thể đo lường được một cách chính xác và nhanh chóng; có thể kiểm soát được để có thể điều chỉnh mục tiêu đó cho phù hợp với định hướng của CSTT và có mối liên hệ chặt chẽ với mục tiêu cuối cùng. Tổng lượng tiền cung ứng và lãi suất đều thỏa mãn các tiêu chuẩn trên, tuy nhiên NHTW chỉ có thể chọn một trong hai chỉ tiêu này làm mục tiêu trung gian. Bởi lẽ, nếu đạt được mục tiêu về tổng lượng tiền cung ứng thì phải chấp nhận sự biến động của lãi suất và ngược lại.

Mục tiêu hoạt động là các chỉ tiêu có phản ánh tức thời với sự điều chỉnh của công cụ CSTT, được xác định trên cơ sở các tiêu chí: Có thể đo lường được nhằm tránh những suy diễn thiếu chính xác làm sai lệch dấu hiệu của CSTT; có mối quan hệ trực tiếp và ổn định với các công cụ của CSTT và có mối quan hệ chặt chẽ, ổn định với mục tiêu trung gian được lựa chọn để tác động. Trên cơ sở các tiêu chí trên, các chỉ tiêu thường được lựa chọn làm mục tiêu hoạt động của NHTW bao gồm lãi suất liên ngân hàng, dự trữ không vay và dự trữ đi vay.

Một phần của tài liệu hoàn thiện nghiệp vụ thị trường mở tại ngân hàng nhà nước việt nam (Trang 26 - 28)