BÌNH ĐẲNG THU NHẬP GIỮA NÔNG THÔN VÀ THÀNH THỊ
3.1.Bối cảnh kinh tế chung và tác động của nó đến vấn đề bất bình đẳng thu nhập giữa nông thôn và thành thị
3.1.1.Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế
Những thách thức:
- Khi kinh tế đã phát triển, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế về mở cửa thị trường không cho phép các quốc gia, trong đó có Việt Nam trợ cấp ồ ạt hoặc bảo vệ quá mức cho nông nghiệp.
- Môi trường đã bị phá đến mức giới hạn, diễn biến khí hậu và cân bằng sinh thái không cho phép khai thác bừa bãi tài nguyên, làm ô nhiễm môi trường ngay từ giai đoạn phát triển đầu.
- Tự do hóa thương mại tạo môi trường cạnh tranh quyết liệt, không thể bán nông sản giá rẻ, chất lượng thấp của kinh tế nông thôn ngay cả ở thị trường trong nước. Chẳng hạn, sự kiện cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị kiện chống bán phá giá, làm cho lợi thế của Việt Nam về giá rẻ sẽ hạn chế rất nhiều và có những lúc người nuôi cá lâm vào cảnh rất khó khăn do không xuất khẩu được hàng, gây thất thu lớn.
- Cạnh tranh công nghệ đang tiến theo xu hướng thu hút nhiều vốn, giảm lao động, ảnh hưởng đến chủ trương phát triển một nền công nghiệp thu hút nhiều lao động dù là trong một giai đoạn nhất định. Điều này không tạo được nhiều thu nhập cho người lao động.
- Quá trình hội nhập cũng đặt người sản xuất, kinh doanh Việt Nam trước sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa và dịch vụ quốc tế có chất cao hơn và khả năng cạnh tranh mạnh hơn. Đồng thời cũng mở ra những thách thức lớn về rào cản kỹ thuật, về biến động giá cả, về đe dọa dịch bệnh và các tranh chấp thương mại đối với người sản xuất, kinh doanh Việt Nam.
Những cơ hội mới:
- Nếu bần cùng hóa nông dân, vắt kiệt tài nguyên nông thôn để tích lũy tư bản cho công nghiệp và đô thị thì mâu thuẫn quyền lợi sẽ gây bất ổn xã hội và đảo lộn chính trị.
- Vốn đầu tư linh động và dồi dào trên toàn cầu sẵn sàng đổ đến các địa phương, ngành hàng, tổ chức đầu tư có lợi nhuận cao, rủi ro thấp và thủ tục thuận lợi.
- Thị trường mở rộng và giá cao đối với nông sản, dịch vụ đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh, có giá trị văn hóa, không ô nhiễm môi trường.
- Xã hội dân sự phát triển, trình độ dân trí tăng cao, thông tin liên lạc phát triển, thuận lợi trong phát huy dân chủ ở cơ sở, trao quyền cho cộng đồng, xây dựng các tổ chức của nông dân.
- Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn, tạo ra những thị trường to lớn cho nông sản và dịch vụ nông nghiệp, sản phẩm truyền thống ở nông thôn, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, tiếp thu công nghệ và kỹ năng quản lý.
Khoa học công nghệ trong tương lai sẽ là động lực quan trọng tạo nên năng suất, chất lượng và giá thành nông sản mới, trực tiếp làm thay đổi cơ cấu và tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ hội mới mà nông dân Việt Nam nắm bắt.
Nhờ hội nhập kinh tế, chúng ta đã thu hút được nhiều dự án từ nước ngoài tài trợ cho khu vực nông thôn, cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong những năm qua người dân cũng phải rất vất vả phát huy nội lực của mình để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên đầu tư của người dân cũng ở mức hạn chế và nguồn vốn không lớn nên cơ sở hạ tầng chất lượng không đảm bảo, thiếu tính bền vững.
Thời gian qua, các nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào khu vực nông thôn liên tục tăng qua các năm. Số vốn này được tập trung chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, các dự án xóa đói giảm nghèo. Các nguồn tài trợ nước ngoài để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn gồm nguồn vốn của JICA, WB, ADB. Các chương trình dự án được tài trợ đã góp phần vào phát triển kinh tế trong khu vực nông nghiệp và nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo.
Có thể kể đến một số dự án như những dự án do ADB tài trợ đã hoàn thành và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp là: Dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn vay vốn ADB và AFD, tổng số vốn 150 triệu USD, được thực hiện từ năm 1998 đến năm 2004 tại 23 tỉnh trên phạm vi cả nước. Dự án đã nâng diện tích tưới lên 60.133 ha; đầu tư 128 trạm cấp nước, phục vụ cho 1.500.000 dân; 15 công trình chợ nông thôn…
Dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2005: Dự án này chủ yếu là khôi phục lại những công trình hạ tầng bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2005 được thực hiện tại 10 tỉnh miền Bắc và miền Trung. Tổng số vốn cho Dự án là 97 triệu USD, thời gian thực hiện dự án từ năm 2007-2011.
Bên cạnh những dự án đã hoàn thành, hiện Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp cũng đang tiếp tục triển khai Dự án phát triển cơ sở hạ tầng
nông thôn cho các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận do ADB và AFD (Cơ quan Phát triển Pháp) tài trợ với tổng số vốn là 168 triệu USD. Thời gian thực hiện từ năm 2008-2013.
Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp đang thực hiện Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc do ADB tài trợ 108 triệu USD, thời gian thực hiện từ 2011-2016. Dự án sẽ triển khai xây dựng và nâng cấp hàng loạt các công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, cấp nước, chống lũ, trường học, trạm y tế, chợ.
Những dự án đã hoàn thành mang lại những kết quả rất thiết thực, người dân ở trong vùng dự án thu nhập tăng 2,3 lần so với trước khi có dự án; đời sống xã hội về kinh tế được phát triển rất tốt, đặc biệt khu vực nào mà đường giao thông nông thôn đi qua, những vùng nào được tưới tiêu đầy đủ thì người dân được tăng sản lượng về lương thực và được đảm bảo về lương thực; những vùng nào có nước sạch thì người dân cũng ít bị bệnh tật, đời sống của họ cũng văn minh hơn rất nhiều. Các dự án đã hoàn thành được ADB đánh giá cao vì đã mang lại các lợi ích cụ thể là giảm 60% chi phí vận chuyển nông sản; rút ngắn 53% thời gian di chuyển tới những cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng. Các hoạt động thương mại phát triển dọc theo các tuyến đường trong và sau khi hoàn thành dự án, tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp tăng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo, quản lý trong ngành nông nghiệp.