Về cơ sở pháp lý

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 70)

Câu chuyện tranh chấp tên miền.vn của Việt Nam đang ngày càng trở nên là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng và các nhà quản lý Internet. Đã xảy ra khá nhiều trường hợp mà các tổ chức, doanh nghiệp đã phải bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc để sử dụng được tên miền mà mình đáng lẽ có. Những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng tên miền đã có lúc trở thành đề tài khá nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mặc dù việc tìm hiểu căn nguyên của nó vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Đa số đều mong chờ câu trả lời cả về mặt pháp lý, về mặt thực tiễn lẫn về nhu cầu phát triển công nghệ thông tin nói chung và Internet nói riêng. Cơ sở pháp lý nào cho giải quyết các tranh chấp tên miền hiện nay?

Trước năm 2006, về phương diện văn bản pháp lý thì hầu như chưa có một chế định cụ thể nào điều chỉnh tranh chấp tên miền, đâu đó trong một số văn bản chuyên ngành (cấp Bộ) có nội dung liên quan đến tranh chấp nhưng chỉ dừng lại ở lĩnh vực hành chính, khiếu nại. Do vậy, khi nhắc đến tranh chấp tên miền thì các cơ quan chức năng đều có một câu trả lời khá giống nhau, đó là, thiếu quy phạm điều chỉnh, vấn đề khoảng trống pháp luật, cần phải có văn bản quy định cụ thể vấn đề này. Và những bức xúc trong thực tiễn vẫn còn đó.

Từ cuối năm 2006 trở về đây, một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đưa vào những nội dung liên quan đến tranh chấp tên miền.

Nổi bật là Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là những văn bản mang tính pháp lý cao nhất đề cập đến vấn đề này. Có thể nhận thấy một số nội dung cơ bản liên quan đến tranh chấp tên miền.vn trong các luật này:

- Luật Công nghệ thông tin đã xác định tên miền .vn là tài nguyên thông tin cần được bảo vệ theo mục đích sử dụng, đảm bảo không xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Có nghĩa rằng tên miền do Nhà nước thống nhất quản lý và chỉ trao cho tổ chức, cá nhân quyền sử dụng. Như vậy, về mặt sở hữu, tài nguyên tên miền cũng tương tự như tài nguyên đất đai, nhà nước có quyền sở hữu còn các tổ chức, cá nhân chỉ được quyền sử dụng. Và luật cũng giao cho Bộ Bưu chính Viễn thông quy định việc đăng ký, quản lý, sử dụng và giải quyết tranh chấp tên miền.vn. Xung quanh nội dung này, có nhiều ý kiến cho rằng liệu Bộ Bưu chính Viễn thông có thể quy định được những vấn đề về giải quyết tranh chấp giữa hai hay nhiều đương sự hay chỉ quy định về giải quyết khiếu nại liên quan đến tên miền theo thủ tục hành chính. Theo quan điểm của tác giả, thì Bộ Bưu chính, Viễn thông chỉ có thể quy định giải quyết tranh chấp theo con đường hành chính hoặc chỉ có thể xây dựng một cơ chế giải quyết dẫn chiếu tới các thủ tục Tòa án, trọng tài hay hòa giải hoặc phải ban hành một văn bản pháp lý luật, pháp lệnh đề giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đó, Luật Công nghệ thông tin cũng quy định cách thức giải quyết tranh chấp tên miền tại Điều 76. Điều luật này mới chỉ quy định về mặt hình thức giải quyết đối với tranh chấp liên quan tới việc đăng ký, sử dụng tên miền ".vn" mà không đề cập tới mặt nội dung của tranh chấp tên miền. Theo Điều luật này, các tranh chấp tên miền ".vn" sẽ được giải quyết bằng ba hình thức: 1) thông qua thương lượng, hòa giải; 2) thông qua trọng tài; 3) khởi kiện tại Tòa án.

Như vậy, về mặt nội dung, luật Công nghệ thông tin chưa định nghĩa được thế nào là một tranh chấp tên miền .vn.

- Luật Sở hữu trí tuệ:

Xét về bản chất, tên miền không bao giờ là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, điều này cũng đã được khẳng định tại Điều 3 của Luật Sở hữu trí tuệ khi điều luật này quy định về các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, theo đó, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

Tuy nhiên, tại điểm d, khoản 1, Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh xác định: "Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng" là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Với quy định này, việc giải quyết tranh chấp tên miền sẽ gặp không ít khó khăn khi bị điều chỉnh bởi hai hệ thống luật khác nhau. Hơn thế nữa, chỉ với quy định không đầy đủ về các yếu tố cần chứng minh để khẳng định một hành vi đăng ký, chiếm giữ hoặc sử dụng tên miền là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như vậy, sẽ làm việc giải quyết tranh chấp tên miền không còn mang tính hiệu quả cao. Tuy nhiên, ở khía cạnh thực tiễn, thì quy định này bước đầu đã tạo ra một cơ sở pháp lý về mặt nội dung cho việc giải quyết tranh chấp tên

miền nhưng chưa mang tính khả thi và triệt để. Vì vô hình chung nó cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh sẽ được đề cập dưới đây.

- Luật Cạnh tranh: Các tranh chấp tên miền ở khía cạnh liên quan tới cạnh tranh không lành mạnh là "chỉ dẫn gây nhầm lẫn" hay "quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh". Và theo pháp luật về cạnh tranh thì những vụ việc như thế này được giải quyết bằng tố tụng cạnh tranh. Và về bản chất, đây chỉ là một biện pháp mang tính hành chính - kinh tế. Những quyết định xử lý vụ việc cuối cùng của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chỉ áp dụng được với doanh nghiệp hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh hoạt động tại Việt Nam, nhưng chưa giải quyết được đối với những vụ việc là doanh nghiệp, hay tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và không đưa ra được phán quyết liên quan đến quyền sử dụng tên miền.vn.

- Văn bản chuyên ngành (cấp bộ):

Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet được ban hành kèm theo Quyết định số 27 là văn bản chuyên ngành, điều chỉnh trực tiếp việc quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, trong đó có tên miền, được ban hành trước thời điểm Luật Công nghệ thông tin và Luật Sở hữu trí tuệ ra đời. Các quy định trong đó chủ yếu điều chỉnh về mặt trình tự nội dung đăng ký, cấp phát, và quản lý tên miền ở góc độ hành chính nhà nước. Vấn đề tranh chấp tên miền chỉ được điều chỉnh tại duy nhất Điều 18 về giải quyết khiếu nại như sau: " Nếu khiếu nại có liên quan đến việc cấp tên miền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng ký, Trung tâm Internet Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các bên liên quan tự thỏa thuận giải quyết". Trong trường hợp không tự thỏa thuận được, Trung tâm Internet giải quyết khiếu nại theo thủ tục quy định. Tuy nhiên, quy định này còn thiếu và yếu ở một số điểm sau:

Thứ nhất, việc tự thỏa thuận giải quyết nếu thành công cuối cùng cũng sẽ nhằm mục đích để bên đã đăng ký sử dụng tên miền ".vn" chuyển nhượng

lại tên miền cho bên cần (thường là chủ nhãn hiệu) hoặc hủy không sử dụng tên miền (khả năng này ít có thể xảy ra khi chủ thể đã bỏ tiền ra đăng ký tên miền).

Việc chuyển nhượng, cho thuê, bán lại tài nguyên Internet (trong đó có tên miền) là bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Do đó, có tự thỏa thuận giải quyết được cũng không biết làm thế cho đúng luật để có thể chuyển tên miền từ tổ chức này qua tổ chức khác. Cách duy nhất mà các tổ chức hay cá nhân có thể "lách luật" khi chuyển nhượng tên miền cho nhau là: chủ sở hữu tên miền hiện tại hoàn trả tên miền cho VNNIC (Trung tâm Internet Việt Nam) rồi sau đó người muốn nhận chuyển nhượng đăng ký lại.

Thứ hai, nếu tranh chấp tên miền không có quy định pháp luật điều chỉnh rõ ràng, cứ có tranh chấp là thương lượng theo thỏa thuận giải quyết thì các tổ chức, cá nhân cứ nhằm vào các tên miền là nhãn hiệu nổi tiếng mà nhanh chân đăng ký rồi đợi chủ sở hữu nhãn hiệu thỏa thuận. Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và hạn chế việc phát triển lành mạnh của hệ thống tên miền ".vn".

Từ các quy định trên, có thể thấy, luật pháp Việt Nam còn thiếu các quy định pháp lý điều chỉnh toàn diện về mặt thủ tục cũng như về nội dung các tranh chấp tên miền. Việc chỉ có một số ít các quy định về mặt thủ tục, mà không có các quy định về mặt nội dung, khiến cho các tranh chấp tên miền rơi vào tình trạng bế tắc. Các tổ chức cá nhân có liên quan không biết dựa vào quy định nào để mà khởi kiện. Nói tên miền là của mình cũng không phải, nói không cũng không phải. Cơ quan có thẩm quyền, nếu nhận được đơn kiện đúng về mặt trình tự cũng không thể đưa ra phán quyết hợp tình hợp lý. Từ đó cho thấy, đã đến lúc cần phải ban hành một chính sách giải quyết tranh chấp liên quan tới tranh chấp tên miền ".vn".

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)