Lịch sử hình thành chính sách giải quyết tranh chấp tên miền gTLD

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 33 - 36)

miền gTLD

Vào ngày 05/6 /1998, trong cuốn White Paper Chính phủ Mỹ đã kêu gọi việc hình thành một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích tạo ra một cơ sở đồng nhất trong việc quản lý kỹ thuật đối với cơ sở hạ tầng của Internet. Đồng thời, cuốn sách này khẳng định rằng Chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thực hiện việc nghiên cứu tư vấn các vấn đề có liên quan đến tên miền và nhãn hiệu. Từ ngày 08/7/1998 đến ngày 30/8/1999, WIPO thực hiện vai trò tư vấn của mình và đã gửi Bản báo cáo cho ICANN (The Internet Corporation for Assigned Names and Numbers). Bản Báo cáo bao gồm rất nhiều vấn đề, đặc biệt trong đó tại Chương 3 chứa đựng nhiều nội dung về việc giải quyết tranh chấp tên miền. Liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp, bản Báo cáo của WIPO khuyến nghị hình thành một chính sách được tất cả các cơ quan đăng ký tên miền cấp cao dùng chung như.com,.net và.org áp dụng thống nhất.

Ngày 27/5/1999, Hội đồng của ICANN đã thông qua Nghị quyết về phần khuyến nghị tại Chương 3 trong bản Báo cáo của WIPO đối với Tổ chức hỗ trợ tên miền của ICANN (DNSO). Hội đồng của DNSO đã hình thành nên Nhóm A (Working Group A) với mục đích thực hiện việc nghiên cứu liên quan đến các khuyến nghị về việc giải quyết tranh chấp của WIPO. Qua quá trình nghiên cứu, nhóm làm việc này đã đưa ra một bản Báo cáo và đề xuất hình thành một Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất áp dụng

cho tất cả các Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền. Ngày 04/8/1999, Hội đồng DNSO đã thông qua bản Báo cáo của nhóm làm việc và gửi bản Báo cáo đó tới Hội đồng của ICANN. Ngay sau đó, vào ngày 20/4/1999, một nhóm các cơ quan quản lý và cấp phát tên miền đã đệ trình "Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền được các Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền tự nguyện chấp nhận "(Model Domain Name Dispute Resolution Policy for Voluntary Adoption by Registrars).

Vào ngày 24/8/1999, một ngày trước khi ICANN tổ chức diễn đàn công khai về chính sách giải quyết tranh chấp tên miền tại Santiago, Chile, các chuyên viên của ICANN cũng đã gửi tới các tổ chức Internet và Hội đồng của ICANN "Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền áp dụng cho các Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền tên miền cấp cao dùng chung" (Uniform Dispute Resolution Policy for gTLD Registrars). Ngày 26/8/1999, Hội đồng của ICANN đã chấp nhận đề xuất của DNSO về việc hình thành một chính sách thống nhất về giải quyết tranh chấp tên miền, đồng thời chỉ thị các chuyên viên của mình triệu tập một cuộc họp trù bị và chuẩn bị các tài liệu bổ sung phục vụ cho việc phê chuẩn sau khi có được ý kiến của công chúng, sử dụng Mẫu chính sách giải quyết các tranh chấp tên miền của các Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền làm cơ sở. Ngày 29/9/1999, các chuyên viên của ICANN đã đăng tải "Bản báo cáo của các nhân viên ICANN về các tài liệu bổ sung cho chính sách giải quyết tranh chấp tên miền" cùng các tài liệu bổ sung bao gồm UDRP và quy định thống nhất về việc lấy ý kiến của công chúng cho đến hết ngày 13/10/1999. Ngày 24/10/1999, Hội đồng của ICANN thông qua các tài liệu bổ sung đã được chỉnh lý phù hợp với ý kiến của công chúng. Việc thông qua này được dựa trên "Báo cáo lần thứ hai của các chuyên viên về các tài liệu bổ sung cho Chính sách đồng nhất về việc giải quyết các tranh chấp tên miền".

Trên cơ sở khuyến nghị của WIPO, ICANN đã chính thức thông qua UDRP. Chính sách này tạo cho chủ sở hữu của nhãn hiệu hàng hóa một cơ

chế hành chính để giải quyết một cách có hiệu quả các tranh chấp phát sinh từ việc đăng ký với mục đích xấu và việc xâm phạm đến quyền về nhãn hiệu hàng hóa thông qua việc sử dụng tên miền của một bên thứ ba.

Để giải quyết đúng đắn các tranh chấp tên miền, ICANN còn phê chuẩn "Điều lệ giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất" (Rules for Uniform Dispute Resolution Policy) nhằm mục đích quy định cụ thể hơn các điều khoản trong UDRP, đặc biệt là các quy định về quá trình giải quyết tranh chấp, phương thức lựa chọn trọng tài, thời gian xử lý, ngôn ngữ sử dụng, phí dịch vụ…

Sau khi phê chuẩn UDRP và Điều lệ giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất, ICANN đã chỉ định 4 tổ chức sau đây làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền, bao gồm:

- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - Diễn đàn trọng tài quốc gia (NAF)

- Công ty CRP (ADR IN INDUSTRY & PRACTICE AREAS) - Công ty eResolution.

Đây là các Tổ chức quốc tế và công ty luật đã có uy tín và kinh nghiệm trong việc giải quyết hàng loạt các tranh chấp có liên quan đến tài chính, ngân hàng, xây dựng, chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh, thương mại, ngoại thương. Nhận thấy uy tín, kinh nghiệm cũng như sự mở rộng nghiên cứu, phát triển sang lĩnh vực sở hữu trí tuệ có liên quan đến tên miền, vì vậy ICANN đã ủy nhiệm cho các tổ chức và công ty này quyền và trách nhiệm trong việc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến tên miền. Tuy nhiên, để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình các cơ quan này không chỉ đơn thuần tuân thủ các quy định của UDRP mà còn trên cơ sở chính sách này phát triển và xây dựng quy chế giải quyết tranh chấp tên miền riêng áp dụng trong nội bộ tổ chức.

Nguyên tắc quan trọng trong sự phối hợp và phân định trách nhiệm giữa các tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tên miền thể hiện ở nguyên tắc: các tổ chức quản lý và cấp phát tên miền không chịu trách nhiệm xử lý các tranh chấp mà chỉ tiến hành chuyển giao hoặc hủy bỏ tên miền theo quyết định của tổ chức cung cấp dịch vụ giải quyểt tranh chấp tên miền được ICANN ủy nhiệm hoặc theo quyết định của các cơ quan pháp luật.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)