Nội dung của chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDRP)

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 36 - 44)

thống nhất (UDRP)

Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền đưa ra các điều khoản và điều kiện về việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc đăng ký và sử dụng tên miền. Quy trình giải quyết tranh chấp theo thủ tục này được quy định tại phần 4 của UDRP sẽ được thực hiện theo Điều lệ giải quyết tranh chấp tên miền (Rules for Uniform Domain Name Dispute Resolution Policy) và Điều lệ giải quyết tranh chấp của các cơ quan cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp.

* Chủ thể đăng ký phải đảm bảo và thực hiện đúng đắn tên miền

Thông qua việc nộp đơn đăng ký, yêu cầu duy trì hoặc gia hạn việc đăng ký tên miền, chủ thể đăng ký phải cam kết và đảm bảo rằng (1) các thông tin mà chủ thể đăng ký đưa ra trong Hợp đồng đăng ký là hoàn toàn đúng và đầy đủ; (2) theo sự hiểu biết của người đăng ký, việc đăng ký tên miền sẽ không xâm phạm hoặc vi phạm quyền của bất cứ bên thứ ba nào; (3) việc đăng ký tên miền không nhằm bất cứ mục đích bất hợp pháp nào; (4) chủ thể đăng ký sẽ không cố ý sử dụng tên miền vi phạm bất cứ quy tắc, quy định nào pháp luật.

* Thay đổi, hủy bỏ hoặc chuyển nhượng

Việc đăng ký tên miền sẽ được thay đổi, hủy bỏ hoặc chuyển nhượng trong các trường hợp sau đây:

a. Khi cơ quan quản lý và cấp phát tên miền nhận được đề nghị hợp lý bằng văn bản hoặc thư điện tử từ phía chủ thể hoặc tổ chức được chủ thể đăng ký ủy quyền.

b. Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền nhận được yêu cầu của trọng tài hoặc lệnh của tòa án yêu cầu thực hiện việc thay đổi, hủy bỏ hoặc chuyển nhượng;

c. Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền nhận được một quyết định của Hội đồng hành chính yêu cầu thực hiện thay đổi, hủy bỏ hoặc chuyển nhượng; Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền cũng có thể thay đổi, hủy bỏ hoặc chuyển nhượng việc đăng ký các tên miền theo các điều khoản quy định trong Hợp đồng đăng ký hoặc theo bất cứ yêu cầu hợp pháp nào khác.

* Thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc

Theo UDRP, các chủ thể đăng ký tên miền được yêu cầu tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp khi bên khiếu nại gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp ra một Nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền mà ICANN ủy nhiệm (administrative dispute resolution service provider).

Các loại tranh chấp được giải quyết

Chủ thể đăng ký sẽ được yêu cầu tham gia vào thủ tục này khi một bên thứ ba gửi đơn kiện theo đúng quy định đến Nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền được ICANN uỷ nhiệm cho rằng:

(i) Tên của chủ thể đăng ký trùng hoặc gây nhầm với một nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ mà bên khiếu nại có quyền sở hữu theo các quy định của pháp luật hiện hành.

(ii) Chủ thể đăng ký không có các quyền và lợi ích hợp pháp đối với tên miền đó;

Bằng chứng của việc đăng ký và sử dụng với ý đồ xấu.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu Hội đồng hành chính (Administrative Pannel) tìm được các chứng cứ sau đây thì sẽ chứng tỏ tên miền được đăng ký và/hoặc sử dụng với ý đồ xấu:

- Chủ thể đăng ký tên miền chủ yếu nhằm mục đích bán, cho thuê hoặc chuyển nhượng tên miền cho bên khiếu nại hoặc chuyển nhượng tên miền đó cho đối thủ cạnh tranh của bên khiếu nại nhằm mục đích thu lợi nhuận;

- Chủ thể đăng ký tên miền nhằm cản trở bên khiếu nại đăng ký tên miền tương tự;

- Chủ thể đăng ký tên miền nhằm cản trở hoạt động kinh doanh của bên khiếu nại;

- Bằng việc sử dụng tên miền, chủ thể đăng ký vì mục đích thương mại đã cố ý thu hút người sử dụng Internet truy cập tới trang web của họ hoặc các địa chỉ khác trên mạng thông qua việc tạo ra sự tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của nguyên đơn khiến người sử dụng Internet hiểu nguyên đơn như là nơi cung cấp nguồn hoặc nhà bảo trợ, tài trợ, bảo đảm cho sản phẩm hoặc dịch vụ trên trang web của chủ thể đăng ký.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể đăng ký tên miền trước đơn kiện của một bên thứ ba.

Nếu Hội đồng hành chính tìm được các chứng cứ sau thì sẽ chứng tỏ được quyền sở hữu hợp pháp của chủ thể đăng ký đối với tên miền:

- Trước khi xảy ra tranh chấp, chủ thể đăng ký tên miền đã sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền nhằm cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ với thiện ý tốt

- Chủ thể đăng ký (là một cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức) đã được nhiều người biết đến qua tên miền này, kể cả trường hợp chủ thể chưa đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.

- Chủ thể đăng ký sử dụng tên miền với mục đích phi thương mại, không nhằm mục đích lừa gạt khách hàng để thu lợi nhuận hoặc bôi nhọ, làm giảm uy tín của nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ.

Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền

Nguyên đơn có thể chọn Nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền trong danh sách các cơ quan được ICANN ủy nhiệm. Cơ quan này sẽ thực hiện việc giải quyết tranh chấp theo quy chế riêng của mình. Nếu đang phải thụ lý nhiều vụ tranh chấp và xét thấy không có khả năng xử lý, nhà cung cấp có thể từ chối nhận đơn. Trong trường hợp này, bên khiếu nại có thể gửi đơn lên một nhà cung cấp dịch vụ xử lý tranh chấp khác trong số 4 cơ quan được ICANN ủy nhiệm.

Đơn khiếu nại phải gửi bằng văn bản tới nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp với những nội dung cơ bản sau:

- Yêu cầu giải quyết tranh chấp theo UDRP và "Nguyên tắc giải quyết tranh chấp tên miền".

- Cung cấp đầu đủ thông tin về bên khiếu nại và như: tên công ty, địa chỉ liên hệ, e-mail, số điện thoại, số fax, đại diện bên khiếu nại..v.v.

- Lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bởi tổ trọng tài gồm 1 chuyên gia hoặc 3 chuyên gia.

- Cung cấp thông tin về bên bị (chủ sở hữu tên miền tranh chấp) mà bên khiếu nại có được.

- Cho biết tên miền đang bị tranh chấp và tên của cơ quan quản lý và cấp phát tên miền.

- Cung cấp đầu đủ các thông tin về nhãn hiệu hàng hóa hoặc dịch vụ mà bên khiếu nại sở hữu và cung cấp các bằng chứng tỏ tất cả các trường hợp sau: (1) tên miền tranh chấp trùng hoặc dễ gây nhẫm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa hoặc dịch vụ của bên khiếu nại; (2) bị đơn là chủ sở hữu tên miền không

có quyền hợp pháp với tên miền đó; (3) tên miền tranh chấp được đăng ký và sử dụng trái phép hoặc với mục đích chiếm dụng.

- Đề xuất phương thức giải quyết đối với tranh chấp (đề nghị chuyển giao, hoặc hủy bỏ tên miền tranh chấp).

- Cung cấp thông tin tố tụng đã được bắt đầu hoặc kết thúc có liên quan đến tên miền đăng tranh chấp

- Thông báo đã gởi một bản sao đến chủ sở hữu tên miền.

Nếu sau khi thụ lý hồ sơ, nhận thấy thông tin cung cấp chưa đầy đủ, Nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền có trách nhiệm thông báo đến bên khiếu nại. Trong vòng 5 ngày sau khi thông báo, bên khiếu nại phải hoàn tất hồ sơ. Quá thời hạn trên, hồ sơ giải quyết tranh chấp không có giá trị.

Quyết định của Hội đồng hành chính

Đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý tranh chấp tên miền sau khi chấp nhận thụ lý hồ sơ khiếu nại sẽ cử một Hội đồng gồm các chuyên gia để tiến hành giải quyết. Chủ thể đăng ký tên miền hoặc bên khiếu nại có thể yêu cầu mời thêm chuyên gia tham gia vào Hội đồng những tổng số không quá 3 người. Hội đồng sẽ ra quyết định dựa trên các văn bản và tài liệu do hai bên gửi đến theo quy định của UDRP và quy định của cơ quan cung cấp dịch vụ xử lý tranh chấp tên miền. Trong vòng 14 ngày kể từ ngày được bổ nhiệm, Hội đồng phải đệ trình lên cơ quan xử lý tranh chấp quyết định của mình bằng văn bản. Trong trường hợp tranh chấp được xử lý bởi Hội đồng gồm 3 thành viên, quyết định của Hội đồng sẽ dựa trên nguyên tắc đa số.

Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp

Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp tên miền sẽ là ngôn ngữ được sử dụng trong bản khai đăng ký tên miền. Trong trường hợp các văn bản được gửi tới là các ngôn ngữ khác, các chủ thể phải gửi theo bản dịch sang ngôn ngữ được sử dụng trong bản khai đăng ký tên miền.

Bắt đầu thủ tục và quy trình và chỉ định Hội đồng hành chính

Điều lệ giải quyết tranh chấp chỉ ra thủ tục bắt đầu, quy trình giải quyết vụ kiện và quy định về việc chỉ định Hội đồng để giải quyết tranh chấp sẽ là cơ sở để điều chỉnh quá trình giải quyết tranh chấp.

Giải quyết hợp nhất các tranh chấp tên miền

Trong trường hợp có nhiều tranh chấp xảy ra giữa chủ thể đăng ký và nguyên đơn, chủ thể đăng ký hoặc nguyên đơn có thể đề nghị kết hợp các tranh chấp này để cùng giải quyết tại một Hội đồng hành chính. Yêu cầu này phải được đưa ra trước Hội đồng hành chính đầu tiên đã được các bên tranh chấp chỉ định.

Hội đồng hành chính có thể giải quyết một hoặc nhiều tranh chấp trong một thủ tục giải quyết, tuy nhiên các tranh chấp này đều phải cùng được điều chỉnh bằng chính sách này hoặc Chính sách mới nhất được ICANN đưa ra để giải quyết các tranh chấp.

Lệ phí

Lệ phí giải quyết tranh chấp sẽ do bên khiếu nại chịu theo quy định của Chính sách (nộp lệ phí kèm với tài liệu khiếu nại). Trong trường hợp chủ thể đăng ký yêu cầu mời thêm chuyên gia vào tổ trọng tài (tổng số không quá 03 người) thì chi phí sẽ do mỗi bên chịu một nửa (chủ sở hữu tên miền nộp lệ phí kèm theo tài liệu trả lời cơ quan xử lý tranh chấp).

Sự ảnh hưởng của cơ quan quản lý và cấp phát tên miền đối với thủ tục giải quyết tranh chấp

Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền sẽ không tham gia vào các thủ tục hành chính hoặc tiến hành bất cứ thủ tục nào trước Hội đồng hành chính. Ngoài ra, cơ quan quản lý và cấp phát tên miền sẽ không có nghĩa vụ trước các quyết định mà Hội đồng hành chính đưa ra.

Chế tài

Hội đồng hành chính có quyền áp dụng các chế tài đối với chủ thể đăng ký và sử dụng bất hợp pháp tên miền tuy nhiên chế tài chỉ giới hạn trong việc hủy bỏ tên miền hoặc chuyển nhượng tên miền cho nguyên đơn.

Thông báo và công bố

Cơ quan cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền sẽ thông báo đến cơ quan quản lý và cấp phát tên miền bất cứ quyết định nào của Hội đồng hành chính liên quan đến tên miền đã được cơ quan quản lý và cấp phát tên miền đăng ký. Tất cả các quyết định này sẽ được công bố đầy đủ trên Internet trừ phi cơ quan cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp hoặc pháp luật có quy định khác.

Khả năng khiếu nại ra Tòa án

Trước hoặc sau khi Hội đồng hành chính ra quyết định hoặc sau khi thủ tục này kết thúc, nguyên đơn và chủ thể đăng ký khi tham gia vào thủ tục hành chính bắt buộc, đều có quyền đưa tranh chấp này ra giải quyết tại Tòa án.

Nếu Hội đồng hành chính ra quyết định rằng tên miền của chủ thể đăng ký bị hủy bỏ hoặc chuyển nhượng, cơ quan quản lý và cấp phát tên miền sẽ đợi trong mười (10) ngày làm việc sau khi cơ quan quản lý và cấp phát tên miền nhận được thông báo chính thức về quyết định của Hội đồng hành chính trước khi quyết định này được thực hiện. Sau đó cơ quan quản lý và cấp phát tên miền sẽ thực hiện quyết định này trừ phi nhận được văn bản thông báo khiếu nại lên cơ quan pháp luật của chủ thể đăng ký tên miền trong khoảng thời gian mười (10) ngày làm việc nêu trên. Trong trường hợp nhận được quyết định này cơ quan quản lý và cấp phát tên miền sẽ duy trì nguyên trạng tên miền cho đến khi nhân được (i) bằng chứng về việc đồng ý hòa giải giữa các bên (ii) bằng chứng khẳng định rằng đơn kiện của chủ thể đăng ký đã bị bác hoặc rút đơn; hoặc (iii) bản sao lệnh của Tòa án bác đơn kiện của chủ thể đăng ký hoặc yêu cầu chủ thể đăng ký không được tiếp tục sử dụng tên miền.

* Các tranh chấp và kiện tụng khác

Tất cả các tranh chấp khác giữa chủ thể đăng ký và bên thứ ba liên quan đến việc đăng ký tên miền mà không được giải quyết theo thủ tục hành chính bắt buộc này sẽ được giải quyết theo bất cứ thủ tục tố tụng của Tòa án, trọng tài hoặc thủ tục có thẩm quyền khác.

* Vai trò của cơ quan quản lý và cấp phát tên miền trong việc giải quyết các tranh chấp

Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền không tham gia vào các tranh chấp phát sinh giữa chủ thể đăng ký và các bên thứ ba khác liên quan đến việc đăng ký và sử dụng tên miền. Chủ thể đăng ký không có quyền chỉ định cơ quan quản lý và cấp phát tên miền tham gia với tư cách là một bên hoặc một bên có liên quan đến tranh chấp tham gia vào bất cứ thủ tục giải quyết tranh chấp tên miền nào. Trong trường hợp vẫn bị chỉ định, cơ quan quản lý và cấp phát tên miền sẽ sử dụng mọi biện pháp hợp pháp để bảo vệ mình.

* Duy trì tình trạng của tên miền

Cơ quan quản lý và cấp phát tên miền sẽ không hủy bỏ, chuyển nhượng, kích hoạt hoặc đình chỉ hoạt động hoặc thực hiện bất cứ sự thay đổi nào liên quan đến tình trạng đăng ký tên miền trừ các trường hợp được quy định tại Phần 3 nêu trên.

* Chuyển nhượng tên miền trong thời gian có tranh chấp

Chuyển nhượng tên miền cho một chủ sở hữu mới

Chủ sở hữu tên miền không được chuyển nhượng tên miền cho một người khác (i) trong quá trình tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp hoặc trong vòng 15 ngày làm việc sau khi thủ tục này kết thúc hoặc (ii) trong suốt quá trình tòa án giải quyết các tranh chấp hoặc trọng tài bắt đầu giải quyết tranh chấp tên miền liên quan đến chủ thể đăng ký trừ phi có được sự đồng ý cho phép chuyển nhượng bằng văn bản của tòa án hoặc trọng tài.

Thay đổi Nhà đăng ký tên miền

Chủ thể đăng ký tên miền không được chuyển việc đăng ký tên miền cho người khác trong thời gian tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc hoặc trong vòng 15 ngày làm việc, sau khi thủ tục này kết thúc.

Chủ thể đăng ký không được chuyển nhượng việc đăng ký tên miền cho một Nhà đăng ký tên miền khác trong thời gian tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc hoặc trong vòng 15 ngày làm việc, sau khi thủ tục này kết thúc.

Tuy nhiên, chủ thể đăng ký vẫn phải tiếp tục theo vụ giải quyết tranh chấp liên quan đến tên miền theo các quy định của chính sách này. Thậm chí trong trường hợp chủ thể đăng ký chuyển nhượng việc đăng ký tên miền đang có tranh chấp cho Nhà đăng ký tên miền trong quá trình giải quyết tranh chấp của tòa án hoặc trọng tài, tranh chấp này vẫn phải được giải quyết theo chính sách giải quyết tranh chấp của cơ quan quản lý và cấp phát tên miền ban đầu.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 36 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)