CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ TÊN MIỀN.VN 1 Vị trí của tên miền vn

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 68)

3.2.1. Vị trí của tên miền .vn

Tên miền.vn không phải là hàng hóa. Khác với các tên miền cấp cao dùng chung và một số tên miền của một số quốc gia khác, tên miền.vn được coi là tài nguyên thông tin quốc gia, có nghĩa rằng tên miền.vn do nhà nước quản lý và sở hữu. Quyền định đoạt và chiếm hữu do nhà nước nắm, nhà nước chỉ trao quyền sử dụng cho người có nhu cầu. Quan điểm này được thể hiện trong Luật Công nghệ thông tin, Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và đặc biệt là Quyết định số 27/2005/QĐ-BCVT ban hành về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Theo Quyết định này, việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tên miền.vn là hành vi bị cấm. Và như vậy tên miền.vn mất đi giá trị thương mại của nó và tạo điều kiện cho việc "đi đêm" của những kẻ đầu cơ tên miền, những kẻ chiếm đoạt tên miền cho mục đích trục lợi.

Quyền sử dụng tên miền không phải là tài sản. Theo pháp luật của ta, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản, và quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Như vậy, từ những đặc tính của tên miền có thể thấy quyền sử dụng tên miền không phải là tài sản của người đã đăng ký. Quyền sở hữu không được khẳng định vì, đối với tên miền quyền chiếm hữu, quyền định đoạt thuộc về Nhà nước tương tự như đất đai. Tuy nhiên, có một điểm khác giữa đất đai và tên miền (đều là tài nguyên) thì quyền sử dụng đất được coi là tài sản còn quyền sử dụng tên miền thì không. Khi một doanh nghiệp có sự thay đổi về pháp nhân như sáp nhập, thành lập lại,.. thì quyền sử dụng tên miền không được chuyển giao mà bắt buộc phải đăng ký lại, đây là điểm tạo ra nhiều tranh chấp trong thời gian qua. Theo quan điểm của tác giả thì quyền sử dụng tên miền phải được chuyển giao và quyền sử dụng tên miền phải được chuyển nhượng. Tóm lại quyền sử dụng tên miền phải được coi là một loại tài sản.

3.2.2. Quản lý tên miền .vn

Sử dụng tên miền ngày càng trở thành nhu cầu của xã hội trong thời đại giao dịch điện tử, thương mại điện tử. Chủ trương của nhà nước được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật là khuyến khích sử dụng tài nguyên Internet Việt Nam trong đó có tên miền .vn, nhưng phải đảm bảo tạo môi trường Internet phục vụ nhu cầu phát triển và hạn chế những tiêu cực từ Internet.

Việc quản lý tên miền phải gắn liền với việc phát triển tài nguyên nhằm không để lãng phí tài nguyên, có nghĩa rằng tài nguyên phải được khai thác, sử dụng tối đa, thúc đẩy các nhu cầu sử dụng tên miền .vn. Chính vì vậy, thủ tục đăng ký cũng đã và đang được cải tiến sao cho thời gian đăng ký nhanh nhất và tiết kiệm chi phí cho người sử dụng. Và đăng ký trực tuyến đã và đang được ứng dụng phổ biến hiện nay trên thế giới thông qua mạng lưới các nhà đăng ký (registrars). Việt Nam cũng đang dần ứng dụng công nghệ này cho việc đăng ký. Đây là bước tiến mới trong quản lý nhưng cũng sẽ gây ra nhiều xung đột vì, khi thanh toán điện tử được ứng dụng thì việc cấp phát tên miền hầu như là tự động với nguyên tắc mà hệ thống tuân thủ duy nhất đó là đăng ký trước cấp trước và đương nhiên là "trâu chậm uống nước đục".

Cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm tra cứu xem việc đăng ký tên miền có xâm phạm đối tượng sở hữu trí tuệ không rồi mới áp dụng nguyên tắc cấp phát, vì nếu không vô hình chung cơ quan quản lý tiếp tay cho việc xâm phạm tên thương mại, nhãn hiệu,... của chủ thể khác. Ý kiến khác cho rằng, việc làm đó là không thể vì, các chủ thể phải có trách nhiệm tự bảo vệ mình và chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ đăng ký. Hơn nữa, tên miền không phải là đối tượng sở hữu trí tuệ mà chỉ hành vi đăng ký tên miền mới có thể là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và phải được phán xét của cơ quan có thẩm quyền thì mới có cơ sở pháp lý kết luận việc đăng ký đó là đúng hay sai.

Quan điểm của cơ quan quản lý thì cho rằng, việc đăng ký, cấp phát thì thì cứ thực hiện theo trình tự quy định, đảm bảo nhanh gọn, có mục đích, còn việc có tranh chấp hay có vi phạm đến quyền và lợi ích của người khác hay không là trách nhiệm của cơ quan giải quyết tranh chấp và cơ quan có thẩm quyền khác. Khi tranh chấp đã được phán xét thì Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ thực thi theo phán quyết hợp lệ đó.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)