Mong muốn của cộng đồng

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 78 - 79)

Việc đưa ra được một cơ chế giải quyết được các tranh chấp tên miền .vn đang trở thành mối quan tâm cho các tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian tới sao cho giảm thiểu được các chi phí về mặt thời gian, tiền bạc của họ. Đồng thời cơ chế này phải đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra về tranh chấp tên miền, đó là:

Thứ nhất, chính sách giải quyết phải phải được ban hành càng sớm càng tốt. Thiếu một hành lang pháp lý, dường như các tổ chức, doanh nghiệp cảm thấy họ không được bảo vệ, mặc dù về mặt thực tiễn đó là quyền chính đáng. Dường như, họ đã bị đánh cắp thương hiệu của mình trên Internet nhưng không thể nào đòi lại và không biết kêu tới ai chỉ vì không biết ai là người bảo vệ mình. Chính sách này phải đảm bảo nhanh gọn, minh bạch đối với các bên tham gia và áp dụng được với cả các chủ thể sử dụng tên miền ở nước ngoài.

Thứ hai, phải minh bạch rõ thẩm quyền xử lý vi phạm để các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý thực hiện. Luật sở hữu trí tuệ (khoản 3, Điều 211) và Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp (điều 16) đã dẫn chiếu xử phạt các hành vi này theo quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh (Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005). Tuy nhiên Nghị định 120/2005/NĐ-CP lại chưa quy định chế tài xử phạt đối với các hành vi này. Vì vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân cũng như thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt đối với hành các vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền.

Thứ ba, phải tạo cho tên miền có giá trị pháp lý rõ ràng và tôn trọng giá trị thương mại của nó, có nghĩa rằng quyền sử dụng tên miền phải là quyền tài sản với đầy đủ đặc tính vốn có của nó như chuyển nhượng, mua bán, chuyển giao...

Thứ tư, phải xác định rõ thế nào là một tranh chấp tên miền .vn, có nghĩa rằng, phải đưa ra được các điều kiện để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thụ lý vụ việc và có cơ sở để xử lý.

Thứ năm, phải quán triệt tinh thần, Tòa án phải là cơ quan giải quyết bất cứ một tranh chấp nào phát sinh trong xã hội và không có quyền từ chối khi có đơn kiện hay yêu cầu của đương sự. Bởi tâm lý chung của người tổn thất là luôn tin tưởng Nhà nước là người bảo vệ họ trước bất kỳ một nguy cơ nào.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 78 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)