Về thẩm quyền giải quyết

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 74 - 78)

Theo pháp luật của ta, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện qua ba con đường là Tòa án, trọng tài và tài phán hành chính. Mỗi cách thức đều

có những ưu điểm và nhược điểm riêng, có thể khái quát mang tính so sánh như sau:

- Phương thức tòa án đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản quy phạm khác có tính chế tài cao, do nhà nước phán xét và phạm vi áp dụng lớn, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho các đương sự. Tuy nhiên, các thẩm phán không phải ai cũng hiểu được về bản chất của tên miền (không phải chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin) nên việc thụ lý vụ việc hầu như không hiệu quả. Về mặt pháp lý, thẩm quyền của tòa án là có thể, tuy nhiên, về mặt thực tiễn là khó khăn.

- Việc phân xử bằng trọng tài chỉ có thể được thực hiện nếu cả hai bên thống nhất sử dụng nó bằng một thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài này phải được ghi nhận thành một điều khoản trong hợp đồng để áp dụng cho các tranh chấp tương lai phát sinh từ hợp đồng hoặc là một thỏa thuận riêng được ký sau thời điểm phát sinh tranh chấp. Sau khi thỏa thuận trọng tài đã được xác lập một cách hợp pháp, một bên không thể đơn phương rút khỏi thỏa thuận trọng tài. Cũng trên cơ sở thỏa thuận, các bên có thể tự mình lựa chọn hình thức trọng tài với điều kiện phải thể hiện cụ thể trong thỏa thuận trọng tài xem hình thức nào được lựa chọn (trọng tài vụ việc hay trọng tài quy chế) và tên đầy đủ, chính xác của tổ chức trọng tài được lựa chọn (nếu chọn hình thức trọng tài quy chế). Các bên có thể cùng nhau lựa chọn trọng tài độc lập hoặc mỗi bên có quyền chỉ định 1/3 thành viên của Hội đồng trọng tài để tìm ra các chuyên gia dày dạn trong việc giải quyết tranh chấp, am hiểu cả pháp luật lẫn các khía cạnh kỹ thuật của tên miền. Điều này đáp ứng được đặc điểm phức tạp của các tranh chấp tên miền, điều mà tố tụng tòa án khó có thể thỏa mãn được bởi không phải tất cả các thẩm phán đều có chuyên môn về tên miền hoặc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan. Tranh chấp tên miền thường có yếu tố nước ngoài. Nhằm đạt được sự công bằng, khách quan trong phán quyết trọng tài, các bên có thể lựa chọn các trọng tài có quốc tịch trung lập, lựa chọn các yếu tố quan trọng như là luật và ngôn ngữ áp dụng, nơi thực hiện

việc phán xử trọng tài, cho phép họ đảm bảo rằng 2 không có bên nào được hưởng các lợi thế của cơ quan tài phán cùng quốc gia. Điều này là không thể thực hiện đối với tòa án.

Việc lựa chọn một tòa án quốc gia ở nước thứ ba hầu như không thích hợp. Đồng thời, mặc dù thẩm phán quốc gia có thể khách quan nhưng họ vẫn buộc phải sử dụng ngôn ngữ và áp dụng quy tắc tố tụng quốc gia họ và thường có cùng quốc tịch với một bên.

Trọng tài là một trình tự tố tụng bí mật. Các phiên xét xử tại tòa cũng như các phán quyết là công khai. Trong khi đó, các phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài không được tổ chức công khai và chỉ có các bên nhận được quyết định. Đây là một ưu điểm lớn của trọng tài đặc biệt khi vụ kiện liên quan tới các bí mật thương mại và sáng chế.

Quyết định của hội đồng trọng tài là chung thẩm. Phán quyết của tòa án thường bị kháng cáo. Còn đa số các quyết định của trọng tài không bị kháng cáo mà chỉ bị tuyên vô hiệu. Nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra. Phán quyết của Tòa án thường rất khó đạt được sự công nhận quốc tế và thường phải thông qua một hiệp định song phương hoặc theo các quy tắc rất nghiêm ngặt trừ một số ngoại lệ khu vực. Đối với trọng tài, quyết định trọng tài đạt được sự công nhận quốc tế thông qua một loạt các công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước NEW YORK năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài và Việt Nam là thành viên.

Trình tự tố tụng của trọng tài cũng ngắn gọn hơn so với tố tụng tòa án nơi mọi thủ tục đều phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt mang tính quốc gia.

Như vậy, có thể thấy rằng, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt đã nêu trên, phương pháp giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài là phù hợp với hầu hết các tranh chấp tên miền, bởi lẽ biện pháp này đáp ứng được các yêu cầu mang tính đặc thù của loại tranh chấp này (yếu tố nước ngoài,

tính phức tạp, kỹ thuật…), biện pháp sử dụng trọng tài vẫn được ưa chuộng và trên thực tế tỏ ra rất có hiệu quả. Mặc dù vậy, khi lựa chọn con đường trọng tài, cần hết sức lưu ý rằng quyết định của trọng tài không có giá trị ràng buộc với bên thứ ba mà chỉ có giá trị ràng buộc các bên đã ký thỏa thuận trọng tài.

Hiện theo pháp luật Việt Nam, thì không phải tranh chấp nào cũng thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại (Pháp lệnh Trọng tài thương mại), mà tranh chấp tên miền cũng chưa có cơ sở pháp lý để khẳng định là một tranh chấp thương mại. Nghị định 25/2004/NĐ-CP ngày 15/01/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Trọng tài thương mại đã quy định rõ thẩm quyền của Trọng tài thương mại là giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại mà các bên tranh chấp là pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Như vậy nhiều khi các bên trong tranh chấp tên miền không phải là đối tượng trên, nên cũng không có cơ sở pháp lý để thụ lý vụ việc. Do vậy, trọng tài thương mại cũng chưa thể giải quyết những vụ tranh chấp tên miền trong giai đoạn hiện nay.

- Việc khiếu nại các quyết định hành chính của cơ quan quản lý tên miền .vn hầu như không mang lại kết quả. Bởi một cơ quan nhà nước hiếm khi thừa nhận mình làm sai và sự thật về mặt pháp lý cũng không có cơ sở để cho rằng họ sai. Nên những vụ việc theo con đường hành chính thường không mang lại kết quả gì đối với đương sự.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy rằng, câu chuyện về thẩm quyền giải quyết tranh chấp tên miền vẫn là vấn đề phức tạp mà nhiều khi các bên cũng như cơ quan có thẩm quyền phải mất rất nhiều thời gian và công sức để xác định thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp này.

Và câu hỏi thẩm quyền giải quyết tranh chấp cần phải được xác định như thế nào, ở đâu, để phù hợp với những đặc trưng của tranh chấp tên miền Internet Việt Nam.vn vẫn tiếp tục chờ câu trả lời.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)