Ban hành chính sách riêng giải quyết tranh chấp

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 81)

Với đặc thù về tranh chấp tên miền, về chính sách quản lý tên miền.vn và về hệ thống pháp luật của ta thì việc ban hành chính sách riêng của Việt Nam là hợp lý và mang tính khả thi nhất. Bởi tranh chấp lúc này không đơn thuần là tranh chấp giữa các đương sự với nhau, mà còn có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về tên miền như là người có quyền và nghĩa vụ liên quan và đương nhiên cơ quan nhà nước này chỉ thực hiện theo pháp luật Việt Nam và thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc ban hành một chính sách giải quyết tranh chấp tên miền.vn cần đáp ứng được những yêu cầu sau:

 Đảm bảo rằng, tranh chấp tên miền có thể giải quyết bằng các hình thức mà pháp luật Việt Nam cho phép. Có nghĩa là, có thể giải quyết bằng con đường Tòa án, con đường trọng tài thương mại, khiếu nại, tố cáo. Nếu là tranh chấp mang tính dân sự thì có thể giải quyết qua Tòa án hoặc trọng tài. Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hành chính thì phải giải quyết qua con đường khiếu nại, tố cáo. Như vậy, để có căn cứ pháp lý cho việc thụ lý giải quyết tranh chấp tên miền.vn thì chính sách này phải đưa ra được tiêu chí làm căn cứ để giải quyết một tranh chấp tên miền.vn theo hướng:

- Tên miền tranh chấp trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hoặc tên thương mại hoặc tên mà bên nguyên có quyền hoặc lợi ích;

- Chủ thể đang sử dụng tên miền không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan tới tên miền hoặc một phần của tên miền tranh chấp;

- Người nắm giữ tên miền đã sử dụng tên miền đó vào mục đích không chính đáng. Và mục đích không chính đáng ở đây cũng phải được xác định rõ theo hướng:

+ Đăng ký tên miền.vn với mục đích bán, cho thuê, chuyển giao lại cho bên khởi kiện hoặc để trục lợi;

+ Người đang sử dụng tên miền đăng ký, sử dụng tên miền nhằm ngăn cản bên khởi kiện sử dụng quyền sở hữu trí tuệ;

+ Người đang sử dụng tên miền có hành vi phá hoại uy tín, cản trở hoạt động kinh doanh bình thường của bên khởi kiện;

+ Gây ra sự nhầm lẫn cho cộng đồng bằng chỉ dẫn của tên miền.

 Đảm bảo rằng, các bên trong tranh chấp có thể tự do thỏa thuận lựa chọn hoặc ấn định phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vì những ưu điểm phù hợp với tranh chấp tên miền. Ở đây không phải là trọng tài thương mại mà giải quyết theo mô hình trọng tài và không nhất thiết phải có thỏa thuận theo pháp luật về trọng tài thương mại vì, các bên trong tranh chấp tên miền chỉ biết nhau khi tranh chấp xảy ra, trước đó họ không hề biết nhau nên không thể thỏa thuận trước được. Còn sau khi phát sinh tranh chấp thì việc thỏa thuận với nhau về trọng tài là hoàn toàn không thể. Do vậy, cần có một cơ chế giải quyết riêng theo phương thức trọng tài (mô hình của UDRP hoặc Trung Quốc). Như vậy, cần phải ban hành một văn bản tầm luật hoặc pháp lệnh về cơ chế giải quyết tranh chấp theo phương thức này.

 Đảm bảo rằng, phán quyết của trọng tài hay hội đồng giải quyết được cơ quan quản lý nhà nước về tên miền.vn thực thi vì, theo pháp luật hiện hành phán quyết của trọng tài thương mại chỉ có giá trị thi hành với các bên, không có giá trị với bên thứ ba, đặc biệt là cơ quan nhà nước.

 Đảm bảo rằng, chính sách giải quyết tranh chấp tên miền .vn có thể áp dụng đối với các tranh chấp mà các bên là người nước ngoài (không cư trú tại Việt Nam) hoặc ở nước ngoài. Như vậy, nên công nhận UDRP đối với các tranh chấp loại này nhằm tạo điều kiện cho các bên thực thi quyền tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, đó chỉ là công nhận về mặt thủ tục còn việc áp dụng luật nội dung (thực định) phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về tên miền .vn. Và phán quyết phải được công nhận và thi hành bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

 Đảm bảo rằng, thủ tục hòa giải sẽ được áp dụng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Đây là một trong những biện pháp giải quyết thuận lợi cho các bên.

 Đảm bảo rằng, trong những trường hợp các bên không thể thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp thì phải có một chủ thể chỉ định được nơi giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài hoặc một mô hình tương tự như mô hình của Trung Quốc.

 Đảm bảo rằng, cơ quan giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam không thể là cơ quan quản lý nhà nước về tên miền, tránh được tính khép kín và thiếu khách quan trong quá trình xử lý.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp tên miền Internet Việt Nam (Trang 81)