Phương pháp Manta tow tổng quan và xác định diện tích rạn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nguồn lợi và một số đặc điểm sinh học của loài trai tai tượng vẩy (Tridacna squamosa lamarck, 1819) tại Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Nam Yết, Phú Quốc ở biển Việt Nam (Trang 41)

Manta tow lựa trọn mặt cắt đại diện

Từ các tài liệu thống kê cho thấy sự phân bố của loài trai tai tượng vẩy chủ yếu trên nền rạn san hô sống và rạn san hô chết, áp dụng phương pháp Manta tow là phương pháp chuẩn dùng trong việc đánh giá nhanh hiện trạng rạn san hô trong mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu, phương pháp có thể đánh giá nhanh hiện trạng trên một diện tích rộng lớn.

Quá trình tiến hành được thực hiện nhờ xuồng kéo người quan sát đã được chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị bao gồm bảng Manta, giấy viết dưới nước và được kéo trên mặt nước, đường kéo song song với đới gờ rạn, sườn dốc. Tốc độ kéo phù hợp giao động trong khoảng 3-5km/h, các thông số chủ yếu dùng để đánh giá nhanh hiện trạng một rạn san hô bao gồm: độ phủ san hô sống, san hô mềm và san hô chết theo quy ước của phương pháp phân loại độ phủ như sau:

Phân bậc độ phủ bằng phương pháp Manta tow Bậc 0: 0% độ phủ Bậc 1: 1-10% Bậc 2: 11-30% Bậc 3: 31-50% Bậc 4: 51-75% Bậc 5: 76-100%

Các thông số thành phần độ phủ này được ghi lại và phân tích ngay trên thực địa giúp đánh giá tổng quan hiện trạng các khu vực rạn san hô. Từ đó giúp nhóm khảo sát lựa chọn địa điểm đặt những mặt cắt thích hợp mang tính đại diện cho tổng thể mỗi khu vực rạn để tiến hành khảo sát chi tiết [73].

Manta tow xác định diện tích rạn san hô

Diện tích rạn san hô được xác định bằng phương pháp kéo Manta-tow theo quy trình hướng dẫn của English & Baker (1994), Kenchington (1984) và kết hợp dùng máy định vị vệ tinh GPS để ghi tọa độ trong quá trình khảo sát.

Đường kéo Manta tow dọc theo vùng chân rạn để thu thập số liệu các điểm toạ độ chân rạn san hô bằng máy định vị vệ tinh GPS. Các điểm tọa độ được ghi nhận ngoài thực địa trên máy GPS sẽ được nhập vào bản đồ nền số hóa MapInfor tại các khu vực nghiên cứu, sử dụng các trình tiện ích của phần mềm MapInfor 7.5 để ước tính diện tích rạn san hô. Ngoài ra các điểm bấm GPS được kiểm chứng đo đạc ngoài thực địa nhằm giảm thiểu sai số trong quá trình tính toán.

Ngoài ra kết hợp giữa thiết bị máy đo độ sâu, máy định vị và phương pháp Manta tow thiết lập đường kéo tại các vùng rạn có độ sâu khoảng 9 mét nước để xác định diện tích rạn san hô.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nguồn lợi và một số đặc điểm sinh học của loài trai tai tượng vẩy (Tridacna squamosa lamarck, 1819) tại Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Nam Yết, Phú Quốc ở biển Việt Nam (Trang 41)