Phong trào Cần Vương ở Quảng Bình sau khi Nguyễn Phạm Tuân bị bắt

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 67 - 111)

7. Bố cục của đề tài

3.2.2.3. Phong trào Cần Vương ở Quảng Bình sau khi Nguyễn Phạm Tuân bị bắt

Trận đánh ở thác Đài (thác Dài) đã giúp cho Nguyễn Phạm Tuân nhận ra rằng căn cứ vùng rừng núi tây Bắc Quảng Bình không còn nơi đóng quân an toàn của vua Hàm Nghi và nghĩa quân. Do đó, Nguyễn Phạm Tuân đã cùng với Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Thiệp, nhất trí tìm đường đưa vua Hàm Nghi ra Hà Tĩnh, kết hợp với nghĩa quân Phan Đình Phùng đang hoạt động ở Đức Thọ, Hương Khê. Sau đó, sẽ đi ra vùng rừng núi Thanh Nghệ mà theo Nguyễn Phạm Tuân ở đó các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa thuận lợi hơn nhiều so với ở Tuyên Hóa để xây dựng căn cứ kháng Pháp lâu dài. Trên đường đi ra Hà Tĩnh cùng với hai lãnh binh và khoảng năm, sáu chục nghĩa quân để xây dựng lại lực lượng, nhưng nửa đường ông bị ốm nặng phải lui về Cổ Liêm để điều trị. Tuy nhiên, sau trận ở Thác Đài, nghĩa quân gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn về lương thực, vũ khí. Trong cuộc chiến đấu gay go và gian khổ ấy không khỏi có người đã lung lạc tinh thần và đầu hàng địch, trở thành tay sai đắc lực của chúng như tên Dừa. Tên Dừa biết Nguyễn Phạm Tuân bị ốm về nằm nghỉ ở Cổ Liêm đã bí mật dẫn địch vây bắt. Nguyễn Phạm Tuân và những đồng chí của ông tuy bị địch tấn công bất ngờ nhưng đã chiến đấu rất kiên cường. Hai lãnh binh trong đội đã hy sinh rất anh dũng. Nguyễn Phạm Tuân bị thương ở tay và bị địch bắt. Chúng đưa ông về Minh Cầm để cứu chữa. Tại đây thực dân Pháp đã dùng mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, khuyên ông đầu hàng. Nhưng ông đã tỏ ra rất kiên cường trước quân thù và đã thể hiện được lòng trung thành vô hạn của ông đối với dân với nước. Ông nhịn ăn nhịn uống, không chịu để cho địch băng bó, thuốc men. Đêm 17 tháng 3 năm Đinh Hợi (10 - 4 - 1887) vào lúc 2 giờ sáng, ông đã qua đời, địch tức giận quẳng xác ông xuống sông. Một nghĩa quân cũ của ông đã vớt được xác và mang chôn ở Kinh Thanh [89].

Nguyễn Phạm Tuân hy sinh đã đẩy nghĩa quân vào tình thế ngày càng khó khăn, nhất là sự thiếu thốn về lương thực và vũ khí. Ông hy sinh là một tổn thất lớn cho phong trào Cần Vương ở Quảng Bình. Địch lần lượt chiếm đóng các làng Cổ Liêm, Yên Lương trên sông Rào Nam và lên đánh vùng thượng lưu sông Gianh. Đêm 16 rạng sáng 17 tháng 4 năm 1887 Pháp tiến đánh căn cứ Hà Trung (Lệ Sơn). Cuối tháng 4, bọn chúng càn quét vùng Troóc và tiến đánh căn cứ của lãnh binh Mai Tập. Nghĩa quân phân tán thành những toán quân nhỏ chặn đường tiến của giặc rồi về họp với quân của Tôn Thất Đàm. Tôn Thất Đàm đóng quân ở Vàng Liêu, một vùng có địa

thế rất hiểm trở. Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 6 năm 1887, một đội quân do Đại úy Mouteaux dẫn đầu nhờ có gián điệp chỉ đường đã tấn công căn cứ của Lê Trực ở Thanh Thủy. Giặc đến bất ngờ trong đêm tối, nhiều người trong đồn bị bắt trong đó có cả vợ Lê Trực và lãnh binh Phạm Tường. Lê Trực cùng hai con gái may mắn thoát được. Phạm Tường là một trợ thủ đắc lực của Lê Trực, chúng đưa ông về quê ở Thổ Ngọa xử tử, những anh em nghĩa quân khác bị giết hết ở Minh Cầm. Giặc Pháp dùng vợ Lê Trực để kêu gọi ông ra đầu hàng nhưng ông không chịu khuất phục. Đại úy Ch. Gosselin, người đã điều khiển nhiều cuộc càn quét trong những năm đánh dẹp quân Cần Vương và tìm vua Hàm Nghi đã phải thú nhận như sau:

Mặc dầu chúng tôi đã tìm kiếm và theo đuổi (hai ông Lê trực và Tôn Thất Đàm) và binh sĩ hết sức mệt mỏi, chúng tôi không sao bắt được hai địch thủ này; chúng tôi phải ngợi khen họ, tuy phương tiện eo hẹp, binh sĩ đơn sơ mà họ vẫn chiến đấu hăng hái. Họ đã có những cử chỉ cao quý, có lòng trung kiên đối với quốc gia đang ở vào một tình trạng tuyệt vọng, khiến chúng tôi phải kính mến hết sức [67, tr. 87].

Sau trận thua ấy, nghĩa quân Lê Trực vẫn tiếp tục chiến đấu, tuy không còn đánh những trận lớn, nhưng tổ chức đánh hạ những đồn lẻ tẻ như đồn Hòa Ninh, đồn Hướng Phương, giết bọn làm tay sai cho Pháp. Vào những tháng cuối năm, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ngày một quyết liệt. Trong tháng 8 năm 1887, quân ta chặn đánh địch nhiều trận. Cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ và gặp rất nhiều khó khăn nhưng không làm họ nản lòng thoái chí. Nghĩa khí của họ khiến kẻ thù phải khâm phục. “Và lúc bấy giờ những nỗi vất vả của họ thật là nhiều. Những trận đột kích và phục kích mà họ tiến hành đòi hỏi họ những cuộc hành quân dài trên những con đường khó khăn và trong một khí hậu nặng nề, oi bức” [89].

Ba cuộc tấn công của giặc Pháp vào căn cứ của Lê Trực đều bị thất bại. Nhưng lực lượng của nghĩa quân cũng hao mòn dần. Đề đốc Dương Môn, Hiệp quản Thước cùng một số nghĩa quân khác bị bắt. Lãnh binh Nguyễn Phiên là một người theo công giáo, đã theo phong trào Cần Vương từ những ngày đầu cũng bị bắt và đã hy sinh anh dũng. Lúc này, thực dân Pháp càng tăng cường mộ quân, lập thêm nhiều đồn để đàn áp phong trào làm cho hoạt động của nghĩa quân Cần Vương ngày một giảm dần. Lúc bấy giờ, chỉ có vùng Thanh Lạng, thượng lưu sông Gianh do

nghĩa quân làm chủ, còn ở vùng đồng bằng phần nhiều đã bị giặc chiếm đóng. Chúng lấy thóc lúa của nghĩa quân để phân phát cho những người theo công giáo, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa hai bên lương giáo. Vua Hàm Nghi chần chừ không rời căn cứ ra phía Thanh Nghệ Tĩnh mà cứ ở mãi trong vùng rừng núi chật hẹp [22, tr. 581].

Nguyễn Phạm Tuân hy sinh, nhưng phong trào Cần Vương chống Pháp vẫn được duy trì trên địa bàn Quảng Bình. Những đóng góp của ông là vô cùng to lớn, ông giữ vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp ở Quảng Bình. Vì vậy, sau khi ông mất, phong trào ở đây ngày càng yếu đi, nhiều trận tập kích diễn ra rời rạc, thiếu tính thống nhất nên phần lớn các cuộc khởi nghĩa đều bị giặc Pháp đàn áp. Điều đó nói lên rằng, Nguyễn Phạm Tuân giữ một vai trò rất quan trọng trong cục diện phong trào Cần Vương ở Quảng Bình.

Sang năm 1888, Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp cùng Lê Trực ra sức xây dựng lại lực lượng. Nhân dân tuy bị đàn áp khủng bố nhưng vẫn một lòng một dạ ủng hộ phong trào, phò vua Hàm Nghi, che chở cho nghĩa quân vượt qua nhiều đợt vây bắt của kẻ thù. Họ giữ bí mật, thực hiện “vườn không nhà trống” và tiếp tục tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. “Các làng đều tản cư đi đâu hết, tuyệt đối không phục tùng các quan của triều đình Huế mà chúng ta đã đặt để” [22, tr. 582]. Đây là nguồn cổ vũ lớn lao cho nghĩa quân Cần Vương cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, họ đã đánh lui được những trận càn ác liệt của địch trong năm 1888.

Tháng 2 năm 1888, căn cứ vào những tin tức nắm được, thực dân Pháp mở cuộc càn quét vùng thượng lưu sông Nậy đồng thời cũng là để dọn đường cho việc thiết lập những đồn bốt mới, xiết chặt thêm vòng vây tiêu diệt nghĩa quân. Nhưng nhờ sự bảo vệ của nhân dân, cuộc tấn công của địch đã thất bại. Tháng 4 năm 1888, địch lại tổ chức tiếp một chiến dịch tấn công vào vùng thượng lưu sông Nậy để vây bắt vua Hàm Nghi nhưng chúng không đạt được kết quả như mong muốn. Ngày 15 tháng 5, chúng tiến vào Vàng Liêu và bản Môn nhưng chỉ bắt được một tùy tướng của Tôn Thất Đàm. Ngày 17 tháng 5, chúng tổ chức càn quét ở vùng Roòn để vây bắt Lê Trực nhưng cũng bị thất bại. Đến tháng 8 năm 1888, địch lại tiến quân vào sông Nậy. Chúng đã dùng chính sách đốt sạch, giết sạch để làm áp lực tra hỏi nhân dân nơi ở của vua Hàm Nghi. Chúng giết cả làng bản Môn nhưng vẫn không bắt

được nhà vua hay hỏi được nơi vua đang ẩn dấu. Dân làng bản Môn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với nhà vua, nêu cao truyền thống yêu nước, không chịu khuất phục trước kẻ thù.

Về phía nghĩa quân, sau khi Nguyễn Phạm Tuân hy sinh, phong trào Cần Vương ở Quảng Bình vẫn được Lê Trực duy trì ở lưu vực giữa miền Tuyên Hóa. Nhưng để tránh sự truy đuổi của giặc Pháp, căn cứ ẩn nấp của nhà vua phải rút sâu vào rừng, mọi hoạt động đều phải bí mật. Còn về phía thực dân Pháp, đến cuối mùa hè năm 1888, quân Pháp tuy cố gắng nhiều mà vẫn không thể tiến nổi một bước. Quan và lính đều mệt mỏi, tình thế đối với họ như kéo dài vô tận. Gần mùa thu vì sợ thời tiết xấu, chúng phải bỏ bớt những đồn tiền tuyến đặt sát nơi rừng núi mà chúng ngờ có vua Hàm Nghi ẩn nấp. Đây là những đồn mới lập hồi trong năm, chúng phải rút về cứ điểm sát bể (Đồng Hới). Nghĩa quân bèn lấy lại phần đất đã mất [67, tr. 91].

3.2.2.4. Phong trào Cần Vương ở Quảng Bình tạm thời lắng xuống sau khi vua Hàm Nghi bị bắt

Trong cuộc chiến đấu khó khăn và gian khổ ấy đã xuất hiện những kẻ phản bội, cam tâm làm tay sai cho giặc và chống lại đồng đội, chống lại nhân dân. Chiều ngày 12 tháng 10 năm 1888, một viên đội trong đoàn hộ giá vua Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình ra đầu thú giặc ở đồn Đồng Ca. Tiếp đó là tên Trương Quang Ngọc trong đội bảo vệ vua Hàm Nghi ra hàng và mưu phản trắc.

Thông qua tên phản bội Phạm Văn Mỹ, thực dân Pháp biết được Trương Quang Ngọc là kẻ tiểu nhân sẵn sàng bán rẻ vua vì danh lợi nên Pháp đã chớp lấy cơ hội hiếm có này. Chúng tìm cách gửi thư cho Ngọc để dụ dỗ, sau đó Đại úy Mouteaux sai người đưa đến cho Ngọc gạo trắng và thuốc phiện để nhờ cậy thuyết phục vua Hàm Nghi quay về. Trương Quang Ngọc đã nhận những thứ mà Pháp đưa tới, ngày 12 - 10 - 1888 Y bí mật ra hàng với Trung úy Lagarrue hứa sẽ hết lòng giúp “quan Pháp”. Vì vậy, đêm mồng 1 tháng 11 năm 1888, chúng được sự giúp đỡ của bọn kì hào Thanh Lạng, Thanh Cuộc, Tha Mạc và được bọn Pháp vũ trang bí mật đột nhập vào chỗ ở của vua Hàm Nghi. Đây là nơi mà vua Hàm Nghi chỉ mới ở 6 tháng nay, đó là một ngôi nhà rất đơn sơ. Chúng đã giết chết Tôn Thất Thiệp, người luôn bên cạnh bảo vệ vua Hàm Nghi. Khi vua Hàm Nghi bị bắt ngài đã tỏ ra

rất khẳng khái mắng vào mặt tên Ngọc: “Mày giết tao đi cho rồi chớ đừng bắt nộp cho Tây” [67, tr. 93]. Lời nói đó đã làm cho tên phản bội cũng phải xấu hổ. Bắt được vua Hàm Nghi, bọn chúng đưa vua về các đồn Thanh Lạng, Đồng Ca rồi sang Quảng Khê. Mặc dù được quân Pháp chào đòn rất long trọng, nhưng ngài không nhìn, không đáp. Cho tới khi đến đồn Thuận Bài, nhà vua không chịu nhận mình là vua Hàm Nghi. Từ Thuận Bài, sáng 15 - 12 - 1888, Pháp đưa vua Hàm Nghi qua Bố Trạch rồi vào Đồng Hới, rồi đưa về Thuận An (Huế) bằng đường biển. Sau đó, vua Hàm Nghi bị Pháp lưu đày qua Algérie.

Vua bị bắt, Tôn Thất Đàm thất chí giải tán quân và lên núi Hoành Sơn tự tận. Đề đốc Lê Trực thế cô đã đem quân ra hàng. Trong tờ thú gửi về kinh, Đề Lê vẫn giữ giọng khẳng khái: triều đình muốn bắt tội, bọn thực dân có chính trị khéo hơn, xin để cho ông về quê nhà ở Thanh Thủy; ông giữ được lòng kính mến của nhân dân trong vùng [22, tr. 584 - 585]. Ông ra đầu hàng nhưng không về với triều đình Đồng Khánh và thực dân Pháp, chí khí của nhà yêu nước không chịu khuất phục trước kẻ thù. Vì sự kính nể đó, bọn Pháp đã để cho ông trở về quê sống cuộc đời còn lại ở đó.

Bắt được vua Hàm Nghi, quân thù và bè lũ tay sai vô cùng hí hửng! Từ nay, chúng có thể tuyên truyền với nghĩa quân rằng nhà vua đã bị bắt rồi thì nên hạ vũ khí và về đầu hàng triều đình mới. Khi tin bắt được Hàm Nghi, Đồng Khánh đã xuống dụ xuyên tạc cuộc kháng chiến của những người sĩ phu yêu nước; đồng thời để xoa dịu nỗi căm hờn của nhân dân, đã huênh hoang về sự giả nhân giả nghĩa của mình đối với Hàm Nghi. Trong bài dụ có đoạn viết:

Những năm gần đây nước nhà bị nghiêng ngã. Vương quyền đã bị bầy tôi tham lam cướp đoạt. Bọn chúng đã buộc hoàng đế Ưng Lịch lên ngôi báu để trị nước theo ý chúng. Rồi bằng những hành động ngông cuồng, bọn chúng đã vi phạm những điều ước và đến lúc bắt buộc phải bỏ chạy trốn, bọn chúng lại kéo cả hoàng đệ thơ dại đi theo. Rồi dưới một danh nghĩa trung quân giả dối, chúng đã không ngừng lừa dối sĩ phu và làm cho biết bao gia đình tan nát. Trẫm lên ngôi báu của triều đại vinh quang đã được ba năm. Trong thâm tâm, trẫm không lúc nào không nghĩ đến người em thơ dại đang lang thang trên núi cao rừng rậm. Đã nhiều lần trẫm

ban dụ khuyên nhủ hoàng đệ trở về với trẫm. Trẫm hứa sẽ tập phong cho hoàng đệ tước quận công… [89].

Nhưng sau đó, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Đồng Khánh đã tự bóc trần trong những điều nghiêm cấm sau: Nghiêm cấm không được nói đến và dùng trong các giấy tờ hai chữ Hàm Nghi, mà chỉ được gọi là quận công Ưng Lịch; Các sĩ phu và nghĩa dân kháng chiến phải ra đầu thú.

Tuy nhiên, chúng vẫn sợ rằng việc bắt Hàm Nghi sẽ gây nên căm phẫn mới trong nhân dân, lo sợ nhân dân sẽ nổi dậy đấu tranh dành lại vua trên đường trở về Huế. Vì vậy, Đồng Khánh đã tìm cách đưa Hàm Nghi trở về Thuận An bằng đường biển và không cho về Huế. Sau đó, để bảo vệ quyền lợi và ngai vàng của mình, Đồng Khánh đã lừa bịp quần chúng khi nói rằng Hàm Nghi bị bệnh nặng, trong nước không có điều kiện để chữa trị nên phải đưa Hàm Nghi ra nước ngoài. Đó là cách để Đồng Khánh đưa Hàm Nghi đi đày càng nhanh càng tốt.

Bắt được Hàm Nghi quân thù tưởng sẽ dễ dàng đè bẹp phong trào nhưng nghĩa quân các nơi vẫn chiến đấu mạnh mẽ. Nhân dân Quảng Bình nói riêng và trong toàn quốc nói chung không vì việc Hàm Nghi bị bắt mà thoái chí nản lòng. Phong trào không vì thế mà yếu đi, vẫn diễn ra mạnh mẽ ở khắp nơi. Tuy nhiên, đối với những người sĩ phu yêu nước còn mang nặng ý thức hệ phong kiến thì không thể không có ảnh hưởng. Ở trong Nam, Nguyễn Đình Chiểu buồn rầu rồi chết; ở Quảng Bình Tôn Thất Đàm thoái chí, giải tán nghĩa dũng lên núi tự tận; đề đốc Lê Trực ra đầu thú và bị giam lỏng ở quê nhà. Cùng với việc Hàm Nghi bị bắt, trong những năm 1888 - 1889, nhiều lãnh tụ phong trào Cần Vương đại diện cho vua Hàm Nghi chỉ đạo phong trào ở Quảng Bình và trong cả nước người thì ốm chết, người thì hy sinh, người thì ra hàng, người sang Trung Quốc. Do đó, phong trào kháng chiến ở Quảng Bình, nhất là việc tập hợp lực lượng gặp phải nhiều khó khăn tuy rằng vẫn có sự giúp đỡ nhau trong nội bộ từng vùng của tỉnh. Trong những năm cuối của phong trào Cần Vương, khi điều kiện để chiến đấu còn quá khó khăn, nhiều sĩ phu yêu nước đã đặt nặng vấn đề cầu viện nước ngoài. Ngoài Trung Quốc ra, họ còn nghĩ đến việc cầu viện Xiêm

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 67 - 111)