Nhân dân Quảng Bình chống thực dân pháp xâm lược từ năm 1858 đến năm 18

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 53 - 56)

7. Bố cục của đề tài

3.1. Nhân dân Quảng Bình chống thực dân pháp xâm lược từ năm 1858 đến năm 18

năm 1885

3.1.1. Bối cảnh Việt Nam trước khi Pháp xâm lược và thái độ của nhà Nguyễn

Từ nửa sau thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản phương Tây chuyển nhanh từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền (giai đoạn đế quốc chủ nghĩa). Nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đặt ra yêu cầu bức thiết về thị trường và nguyên liệu. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những cuộc chiến tranh xâm lược các quốc gia phong kiến phương Đông. Trong khi Việt Nam vào giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến đang đi vào con đường khủng hoảng trầm trọng. Nước Việt Nam lúc bấy giờ là một nước quân chủ chuyên chế với nền kinh tế kém phát triển. Nông nghiệp bị tiêu điều xơ xác do nạn kiêm tính ruộng đất ngày một tăng. Thương nghiệp dưới triều Nguyễn sa sút một cách rõ rệt. Chính sách “trọng nông ức thương” của triều đình đã kìm hãm sự phát triển của thương nghiệp. Nội thương và ngoại thương đều do triều đình nắm độc quyền. Với chính sách hạn chế giao lưu buôn bán đối với tàu Tây phương nên cuối đời Gia Long thì ngoại thương với Pháp đã bị bóp lại. Đến thời Minh Mạng, chính sách này lại càng chặt chẽ hơn nữa.

Về đối nội, triều đình huy động những lực lượng quân sự to lớn vào việc dập tắt các cuộc khởi nghĩa nông dân, làm cho quân lực bị tổn thất, tài chính quốc gia và tài lực nhân dân bị khánh kiệt. Còn đối với các nước tư bản phương Tây, hạn chế ngày một gắt gao sự giao lưu buôn bán, cấm đạo và giết đạo.

Những sự tàn bạo của triều đình đối với giáo sĩ và người công giáo, nhiều khi cũng bị gây ra bởi lòng mê tín mù quáng của chính những người công giáo. Những mục đích đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất đều có thể bị làm hư hỏng bởi lòng sốt sắng của những tín đồ; ở Nam Kì lắm khi các giáo sĩ… không ngần ngại gì mà vi phạm đạo lí con người để phục vụ cho sự tín ngưỡng của họ [22, tr. 50].

Sự xâm lược của Pháp vào giữa thế kỉ XIX đối với nước ta chính là sự suy tàn của chế độ phong kiến nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức. “Dưới thời Tự Đức những yếu tố tiền tư bản trong kinh tế đã có hồi Lê mạt và Tây Sơn đã giảm sút đi nhiều; thị trấn bớt hoạt động, bớt dân số, công thương tàn tạ, nông nghiệp sút kém, dân tình khổ sở quá mức, loạn lạc luôn luôn, quân sự cổ hủ, kẻ cầm quyền không chịu duy tân và ngày càng bị nhân dân phản kháng kịch liệt” [22, tr. 61]. Đất nước suy yếu như vậy chính là sự khuyến khích gián tiếp cho kẻ xâm lăng. Với sự can thiệp ngày càng sâu của tư bản Pháp vào nước ta chứng tỏ rằng thực dân Pháp đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.

Vì vậy, ngày 1 - 9 - 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã tấn công Đà Nẵng, chính thức nổ súng xâm lược nước ta. Trong thời gian đầu, vì quyền lợi giai cấp bị trực tiếp đụng chạm nên triều đình đã có phản ứng lại. Thể hiện là khi được tin mất bán đảo Sơn Trà, triều đình Huế vội phái nhiều quân tướng tới tăng cường lực lượng phòng thủ. Nguyễn Tri Phương được cử làm tổng chỉ huy mặt trận Quảng Nam để lo việc chống giặc. Thất bại ở Đà Nẵng, Pháp liền chuyển hướng đánh vào mặt trận Gia Định.

Khi tiếng súng của giặc đã nổ ầm bên tai mà triều đình còn bận bàn cải, kẻ hòa người đánh, trên dưới không nhất trí, đánh hòa không ngã ngũ. Nhóm Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Lưu Lượng thì chủ trương rằng: “Chiến không bằng hòa, nhưng phải cố thủ rồi sau mới bàn. Kẻ địch vốn cậy thuyền bền súng mạnh làm sở trường; họ ở ngoài sóng gió mặt bể, thế ta khó thắng họ. Thượng kế bây giờ nên lấy giữ (thủ) làm chính; giữ vững rồi sau mới có thể nói đánh, cũng có thể nói đến hòa. Bằng không trước lo việc giữ thì đánh cũng không được mà hòa cũng không xong” [22, tr. 84]. Đó là ý kiến cố thủ để hòa của Viện cơ mật. Một số đông đình thần cũng chủ trương giống như vậy, đó là Trần Văn Trung, Chu Phúc Minh, Lâm Duy Hiệp, Phan Huy Vinh… Họ cho rằng:

Chống giặc duy thủ là hơn, lại nên nuôi sức chọn thời châm chước đối phó; thói quen nước họ thường hay đem quân đi khiêu khích nước ngoài; chống lại mà thắng họ thì họ dùng quân liên miên, kết nhiều tai vạ; thua họ thì họ trịch thượng đòi trái khoản bồi thường vô biên cho no cái sở dục của họ mới thôi. Họ và ta vốn không gần nhau không thể thôn tính

nhau… Nay muốn quyết chiến với họ, chưa thấy cái cơ tất thắng mà vạn nhất sai đi lại thêm hoang mang. Lấy chủ đợi khách, nên dùng kế trì cửu để đợi cho họ mỏi; vì có tin sứ đi lại, sẽ tùy cơ châm chước đối phó, họ cũng không có thể có sự hơn ta được [22, tr. 85].

Vua Tự Đức cho là phải. Chính tư tưởng không thống nhất này đã làm cho quan quân triều đình bỏ lỡ nhiều cơ hội đánh thắng quân thù. Tướng giặc Giơnuiy phải thú nhận rằng: “Nếu họ (triều đình Huế) đánh mạnh thì họ đã đánh bại chúng tôi lâu rồi” [62, tr. 491].

Cho nên, từ 1 - 9 - 1858 đến 5 - 6 - 1862, triều đình Huế đã nhanh chóng từ “thủ để hòa”, nghĩa là tự chọn thế thủ để nhường thế công cho giặc, sau đó phải cắt đất cho giặc rồi thừa nhận chính quyền của giặc ở Sài Gòn và ra lệnh giải tán phong trào chống giặc của nhân dân Lục tỉnh. Với điều ước 5 - 6 - 1862, tập đoàn phong kiến thống trị họ Nguyễn đã không dám đương đầu quyết liệt với giặc và đã đầu hàng chúng quá sớm. Sở dĩ thế là vì chính mình đã tự tạo ra cái thế bị cô lập, đã phá hoại thống nhất và đoàn kết dân tộc. Từ đầu, nhà Nguyễn đã phá hoại sức mạnh ấy với hàng loạt chính sách không hợp lòng dân về mọi mặt, tự nó làm mất chỗ dựa trong điều kiện lịch sử chống ngoại xâm của nước ta lúc bấy giờ là nông dân. Chính trong tình thế lịch sử đó, “từ ngày 5 - 6 - 1862 ngọn cờ kháng chiến giữ nước và giải phóng dân tộc đã chính thức chuyển hẳn và chuyển thẳng sang tay nhân dân từ Nam ra Bắc” [32, tr. 5].

Ngay từ khi Pháp xâm lược đến khi Pháp đặt được ách thống trị lên đất nước ta, triều đình Huế đã thể hiện đường lối không nhất quán, nhượng bộ, để rồi cuối cùng với hai điều ước Harmand (25 - 8 - 1883) và Patenôtre (6 - 6 - 1884) đã xác định dứt khoát quyền thống trị của tư bản Pháp trên đất nước ta, đồng thời cũng xác định vị trí tay sai của phong kiến nhà Nguyễn đối với quyền thống trị ấy.

Trong điều kiện phức tạp và khó khăn của lịch sử nước ta ở nửa sau thế kỉ XIX, chính ngọn cờ kháng chiến giữ nước và giải phóng dân tộc nắm chắc trong tay nhân dân ấy đã mở đầu cho lịch sử gần một thế kỉ đấu tranh giải phóng của toàn thể dân tộc ta. Nhà nước phong kiến đầu hàng hoàn toàn và sụp đổ toàn bộ nhưng sức quật khởi của nhân dân ta trong phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược vẫn tiếp tục tồn tại. Một phong trào vũ trang đấu tranh rộng lớn và quyết liệt chưa từng

có kể từ khi thực dân Pháp gây hấn cho đến lúc bấy giờ. Đã nổ ra và kéo dài cho đến những năm cuối thế kỉ XIX dưới danh nghĩa Cần Vương.

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 53 - 56)