7. Bố cục của đề tài
3.2.1. Lãnh đạo phong trào Cần Vương chuyển đến Quảng Bình
Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, trong nội bộ triều đình đã có sự phân hóa thành hai phe, phe chủ chiến và phe chủ hòa. Phe chủ chiến đứng đầu là Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết ngày càng thắng thế tại triều đình. Tôn Thất Thuyết thực sự nắm được triều đình đã mất gần hết quyền lực và ông cố hết sức để đưa nó thoát khỏi những ràng buộc mà người Pháp đang thiết lập. Sự tồn tại của phe chủ chiến trong triều đình Huế là cái gai trong mắt của De Courcy, Tôn Thất Thuyết trở thành đối tượng cần thanh toán hàng đầu của chúng. “… Cái cách duy nhất để giải quyết hiện tình là phải bắt cóc hai người quan phụ chính” [22, tr. 549]. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nắm cả Bộ Binh và Bộ Lại, thực quyền lại trong tay triều đình Huế, cái điều mà làm cho bọn thực dân hậm hực nhất. “Trễ còn hơn không. Ta sẽ bắt Tường và Thuyết chăng, hay ta sẽ làm sao cho họ không còn có cách gì phá hoại ta nữa” [22, tr. 549]. Hai ông một mặt tập trung ngày càng nhiều quân về Huế, mặt khác đem nhiều lương thực, của cải, vàng bạc ngày càng nhiều lên các sơn phòng. Pháp nhất quyết lần này phải nắm hẳn toàn bộ hội đồng phụ chính, tẩy trừ Thuyết, Tường ra khỏi hội đồng này, và nhất là giải tán quân đội của Tôn Thất Thuyết, tức là siết chặt nền đô hộ, làm cho triều đình hoàn toàn phụ thuộc vào thực dân Pháp [22, tr. 549]. Chúng cũng nhận thức được rằng chính sự tồn tại của phe chủ chiến là chỗ dựa cho phái chủ chiến ở các tỉnh và động lực thúc đẩy phong trào kháng chiến của nhân dân.
Trước thái độ khinh thường triều đình của giặc Pháp, trước âm mưu ngày càng lộ liễu của De Courcy là muốn ra tay trước để loại bỏ Tôn Thất Thuyết và phe chủ
chiến trong triều đình. Vì vậy, phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết đã quyết định hành động nhằm giành thế chủ động cho cuộc tấn công.
Đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 tháng 7 năm 1885, hai đạo quân của triều đình cùng lúc nổ súng vào các căn cứ Pháp tại Huế. Đạo thứ nhất do Tôn Thất Lệ chỉ huy tấn công tòa Khâm sứ Pháp; đạo thứ hai do Trần Xuân Soạn chỉ huy đánh đồn Mang Cá góc Đông - Bắc thành Huế. Bị đánh bất ngờ, lúc đầu quân địch hoảng loạn, nhưng sau đó chúng đã chấn chỉnh lực lượng, đến gần sáng mở cuộc phản công chiếm kinh thành Huế [62, tr. 535]. Cuộc tấn công bị thất bại, Pháp đã chiếm được kinh thành.
Kinh đô Huế thất thủ (5 - 7 - 1885), Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi cùng tam cung, hoàng thân, quan lại trong triều rời khỏi kinh thành Huế, bắt đầu một cuộc kháng chiến gian khổ chống Pháp xâm lược. Ngày 12 - 7 - 1885, xa giá của vua Hàm Nghi đã đến Tân Sở. Ngày 13 - 7 - 1885, lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết ban chiếu Cần Vương lần thứ nhất, hô hào nhân dân cả nước ứng nghĩa chống xâm lăng.
Dụ : Cần Vương
Từ xưa, kế sách chống giặc không ngoài ba điều: đánh, giữ, hòa. Đánh thì chưa có cơ hội; giữ thì khó định hẹn được sức; hòa thì họ đòi hỏi không biết chán. Đang lúc sự thế thiên vạn nan như vậy, bất đắc dĩ phải dùng quyền. Thái dương ra đời ở đất Kỳ, Huyền Tông sang chơi đất Thục, người xưa cũng đều đã có làm.
Nước ta gần đây ngẫu nhiên gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào không nghĩ đến tự cường tự trị. Kẻ phái của Tây ngang bức, hiện tình mỗi ngày một quá thêm. Hôm trước chúng tăng thêm binh thuyền đến, buộc theo những điều mình không thể nào làm được; ta chiếu lệ thường khoản tiếp, chúng không chịu nhận một thứ gì. Người kinh đô nào sợ nguy ngay trong chốc lát. Kẻ đại thần mưu quốc, chỉ lo nghĩ đến kế yên xã tắc; trong triều đình, đắn đo về hai điều: cúi đầu tuân mạng, ngồi để mất cơ hội, sao bằng nhìn thấy chỗ âm mưu biến động của địch mà đối phó trước? Vì bằng việc xảy ra không thể tránh, thì cũng còn có cái việc ngày nay để mưu tốt cái lợi sau này, ấy là do thời thế xui nên
vậy. Phàm những người đã được cùng dự chia mối lo này, tưởng cũng đã dư biết. Biết thì phải tham gia công việc, nghiến răng dựng tóc, thề giết hết giặc, nào ai là không có cái lòng như thế? Cũng há không có người nào gối gươm đánh dầm, cướp giáo lăn chum ư? Vả lại nhân thần đứng ở triều, chỉ có theo nghĩa mà thôi; nghĩa đã ở đâu là sống chết ở đấy. Hồ Yển, Triệu Thôi nước Tấn; Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật nhà Đường là người thế nào đời xưa vậy?
Trẫm đức mỏng, gặp biến cố này không thể hết sức giữ được, để đô thành bị hãm, xe giá phải dời xa, tội ở mình trẫm cả, thật là xấu hổ vô cùng. Nhưng chỉ có luân thường quan hệ với nhau, bách quan khanh sĩ không kẻ lớn nhỏ, tất không bỏ trẫm; kẻ trí hiến mưu, người dũng hiến sức, giàu có bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng từ gian hiểm, như thế là phải. Cứu nguy chống đổ, mở chỗ truân chiên, giúp nơi kiển bách, đều không tiếc gì tâm lực, ngõ hầu lòng người giúp thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại bờ cõi. Ấy cái cơ hội này, phúc của tôn xã tức là phúc của thần dân, cùng lo với nhau thì cùng nghĩ với nhau, há chẳng tốt lắm ư? Bằng cái tâm sợ chết nặng hơn lòng thương vua, nghĩ lo cho nhà hơn là lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì đào ngũ trốn lẩn, người dân không biết trọng nghĩa cứu cấp việc công, kẻ sĩ cam bỏ chỗ sáng đi vào nơi tối, ví không phải sống thừa ở trên đời, thì áo mũ mà làm ngựa trâu, ai nỡ làm thế? Thưởng cũng hậu mà phạt cũng nặng, triều đình sẽ có điển hình hẳn hoi, chớ để sau này phải hối! Phải nghiêm sợ mà tuân theo! Khâm thử.
Hàm Nghi nguyên niên, tháng 6, ngày mồng 2 (tức là ngày 13 tháng 7 năm 1885) [22, tr. 557 - 558].
Hịch Cần Vương ban ra đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỉ XIX. Phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp từ đây bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn được tổ chức và lãnh đạo thống nhất trong cả nước dưới danh nghĩa “Cần Vương”. Sau khi chiếu Cần Vương được ban bố trong cả nước, nhân dân ta nổi lên khắp nơi, phong trào kháng chiến diễn ra càng quyết liệt. Với truyền thống yêu nước và tinh thần phản kháng trước
hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp; khắp ba kì, đồn trại của Pháp bị đột kích, bọn Việt gian thân Pháp bị sát hại. Trước tình thế sôi nổi của nhân dân ở khắp nơi, đặc biệt là ở Bắc kì và Trung kì, chúng hết sức bị động, lúng túng. Giữa lúc Pháp đang bối rối, nhưng sau đó Tam cung đã trở về kinh thành. Sự kiện này đã gỡ cho bọn Pháp một nước cờ bí [67, tr. 47].
Thành Tân Sở chỉ là nơi dừng chân chứ chưa thể là nơi đóng quân lâu dài. Bởi vì, mặc dù có địa hình hiểm trở, nhưng Tân Sở ở cái thế khó có thể mở rộng ra xung quanh, khi Pháp tấn công lại dễ bị cô lập và bị tiêu diệt [46]. Vì vậy, vua Hàm Nghi ở Tân Sở khoảng 4 đến 5 ngày, sau đó Tôn Thất Thuyết hạ lệnh bỏ Tân Sở và đưa vua ra phía Bắc. Chính Tôn Thất Thuyết khi ra Tân Sở (Quảng Trị) ông cũng thấy rằng, vùng Cam Lộ có nhiều điều bất lợi bởi không đông dân chúng và trù phú, việc tuyển mộ lính tráng sẽ khó khăn; ngoài ra nếu địch chiếm đóng Cam Lộ, Tân Sở sẽ thành cái túi mà cửa đã đóng rồi, các lối ra biển, lên Lào vào Nam ra Bắc đều sẽ bất tiện. Việc tiếp vận quân lương, vũ khí sẽ bế tắc nốt và càng thêm nguy hiểm [67, tr. 50].
Đầu tháng 9 - 1885, sau nhiều ngày trèo đèo lội suối trên đất Lào, vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng đến được vùng Hàm Thao, gần sơn phòng Hà Tĩnh. Tổng đốc Nghệ An kiêm chỉ huy Sơn phòng Hà Tĩnh là Nguyễn Chánh (Chính) đem 500 quân đến tiếp giá. Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết lại hành quân tiếp lên sơn phòng Ấu Sơn thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Thời gian này nhân dân ứng nghĩa theo tiếng gọi Cần Vương ngày một đông. Phong trào diễn ra sôi nổi ở hầu khắp các tỉnh.
Ngày 20 - 9 - 1885 ở tại căn cứ Ấu Sơn, nhân danh vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết ban chiếu Cần Vương lần thứ hai để tiếp tục tập hợp lực lượng, động viên nhân dân ủng hộ và tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.
Vào khoảng tháng 11 năm 1885, biết tin Hàm Nghi ở lại Hà Tĩnh, quân Pháp đã tổ chức lực lượng tiến đánh sơn phòng Hà Tĩnh để bắt nhà vua nhằm dập tắt phong trào kháng chiến. Trước tình hình đó, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết từ sơn phòng ở Hà Tĩnh đã lui vào Bãi Đức, Quy Đạt thuộc Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình và chọn nơi đây làm căn cứ mới của phong trào Cần Vương. Từ đây, mảnh đất Quảng Bình đã trở thành “Kinh đô kháng chiến” của phong trào Cần Vương thời Hàm Nghi xuất bôn (1885 - 1888) [73].