Địa bàn Quảng Bình trong buổi đầu phong trào Cần Vương bùng nổ

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 56 - 58)

7. Bố cục của đề tài

3.1.2. Địa bàn Quảng Bình trong buổi đầu phong trào Cần Vương bùng nổ

Trên địa bàn Quảng Bình có nhiều sĩ phu - trí thức phong kiến, quan lại địa phương đã có những động thái phản ứng lại trước hành động ngang ngược của thực dân Pháp và thái độ thỏa hiệp của triều đình Huế trước khi phong trào Cần Vương bùng nổ. Vùng rừng núi Tây Bắc Quảng Bình với những yếu tố thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, xã hội cho việc tập hợp nghĩa quân, xây dựng căn cứ kháng Pháp lâu dài. Vì vậy, để chuẩn bị cho việc tiến hành khởi nghĩa, nhân dân Quảng Bình dưới sự lãnh đạo của các văn thân sĩ phu yêu nước đã dựa hẳn vào các điều kiện địa lợi, nhân hòa đó để xây dựng hàng loạt căn cứ địa kháng chiến.

Phía Tây của dãy Trường Sơn thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, một số căn cứ chống Pháp được hình thành, trong đó vùng rừng núi thuộc thượng lưu sông Gianh (Quảng Bình) và sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) được chọn làm căn cứ của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết. Đó là miền sơn cước của hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, một vùng hiểm yếu, chủ yếu là tỉnh Quảng Bình. Giữa hai tỉnh có một dải núi cao bắt đầu trong dải Trường Sơn đi thẳng ra biển [22, tr. 573]. Với địa hình đồi núi chiếm diện tích khá lớn, lại có con sông Gianh chảy quanh, càng lên cao, đồi núi, sông suối càng quanh co, hiểm trở, tạo ra nhiều hang động, lèn đá, thung lũng. Quảng Bình là địa bàn rất thuận lợi cho hoạt động quân sự. Phía Bắc giáp với Lào và Hà Tĩnh; phía Nam giáp với các vùng đồng bằng duyên hải, nằm trên tuyến đường hai miền Nam - Bắc, phía Tây là núi rừng chạy dọc theo dải Trường Sơn. Có thể nói, núi rừng Quảng Bình là địa thế chiến lược trên dải đất Bình Trị Thiên. Được sự ủng hộ của quân và dân Quảng Bình, quân đội triều đình đứng đầu là Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, đã gặp nhiều thuận lợi trong việc xây dựng căn cứ. Trái lại, đối với thực dân Pháp, Quảng Bình là vùng đất hiểm trở, rất khó khăn cho việc chuyển quân và đảm bảo hậu cần, tiếp viện từ Huế ra, Đồng Hới lên và từ Vinh vào. Quân Pháp lại không thông thạo địa hình ở đây và vấp phải sức kháng cự quyết liệt của nhân dân nên rất khó thực hiện ý đồ chiến lược của chúng.

Quảng Bình với địa thế “núi vây ba mặt, biển giăng một bề” đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào Cần Vương phát triển đều khắp nơi, từ miền xuôi đến miền

núi, từ đồng bằng đến ven biển; khiến cho quân Pháp và triều đình gặp nhiều khó khăn trong việc đưa quân đi đàn áp, buộc chúng phải phân tán lực lượng đóng giữ ở các đồn, nên phạm vi kiểm soát, quyền khống chế của địch vì thế không vượt ra ngoại vi các đồn là bao nhiêu, còn nghĩa quân làm chủ cả một vùng rộng lớn. Địa bàn trên giúp cho cuộc kháng chiến của vua tôi Hàm Nghi có thể đứng vững và tồn tại lâu dài hơn so với các nơi khác. Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định như đất đai khô cằn, dân số ít, sống rải rác ở một địa bàn phức tạp. Nhưng việc lựa chọn thượng lưu hai con sông Ngàn Sâu (chảy về Bến Thủy) và sông Gianh (chảy về Quảng Khê) của Quảng Bình làm căn cứ kháng chiến là một quyết định sáng suốt, chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Tôn Thất Thuyết. Bởi nếu tiến thì có thể làm chủ cả hai lưu vực trù phú và đông dân, nhờ đó mà liên lạc được với các tỉnh phía Bắc; thoái thì vào vùng rừng sâu núi cao sát biên giới Lào - Viêt để an toàn ra Thanh - Nghệ hay Bắc kì [46]. Nói về căn cứ này, ngay cả thực dân Pháp cũng nhận định: “Địa thế này được chọn lấy một cách khôn khéo, nó liên lạc giữa hai tỉnh, từ hàng mấy thế kỉ nay được nổi danh là đất nhà quan, đất sĩ phu; còn hơn là tỉnh khác, hai tỉnh này sẵn sàng chống lại uy quyền của ta” [22, tr. 574].

Có thể nói, việc lựa chọn miền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình làm địa bàn đóng quân lâu dài cho nghĩa quân Cần Vương là một sự lựa chọn sáng suốt và khôn ngoan của những người lãnh đạo phong trào đặc biệt là Tôn Thất Thuyết. Đây là một địa bàn mà tiến hay thoái đều thuận lợi, có thể bảo toàn lực lượng.

Lưu vực sông Gianh là vùng kháng chiến quan trọng của vua Hàm Nghi. Về phía biển, có nhiều cồn cát làm cho thuyền chiến của giặc khó có thể đi vào phía bờ. Từ phía vùng Thanh Thủy trở lên thì lưu vực sông bị chia cắt ra thành nhiều khúc bởi những vùng đồi núi lô nhô thỉnh thoảng bó hẹp đồng bằng. Trên những quả đồi này, ta bố trí những trạm gác có thể quan sát được quân Pháp từ rất xa. Đây là một thuận lợi lớn để nghĩa quân chủ động trước sự vận động của giặc. Địa hình ở đây có núi cao, rừng rậm và gò đồi lẫn lộn, làng mạc ruộng đồng phân tán nhỏ hẹp ven theo chân núi, bờ đồi. Phía dưới các chân đồi là làng mạc có nhiều người Kinh sinh sống, ở vùng núi là làng bản của người Mường. Trung tâm thương mại thịnh nhất của cả vùng thời bấy giờ là Chợ Đồn, mỗi tháng họp phiên 3 lần, mỗi lần có cả vạn

người. Nơi vua Hàm Nghi đóng đô là ở thượng lưu sông Gianh (thuộc huyện Tuyên Hóa, lúc bấy giờ gọi là châu Quy Hợp) [22, tr. 574].

Với những điều kiện thuận lợi trên, Quảng Bình trở thành nơi vua Hàm Nghi xây dựng căn cứ và đứng chân lâu nhất. Chính điều đó đã tác động trở lại phong trào kháng chiến nơi đây, đưa Quảng Bình trở thành tâm điểm của phong trào Cần Vương. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra mạnh mẽ, gắn liền với những tên tuổi như Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Mai Lượng, Hoàng Văn Phúc, Lê Mộ Khởi, Đề Én, Đề Chít… đã làm nên những dấu mốc nổi bật trong phong trào Cần Vương ở Quảng Bình.

Một phần của tài liệu quảng bình kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỉ xv đến cuối thế kỉ xix (Trang 56 - 58)